Vị tướng “đánh thức” ngã ba biên giới

  10:26 AM 11/03/2021

 

Ông là Trung tướng, Tiến sĩ Đinh Ngọc Duy, người dân tộc Tày, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ông là người đã mở hướng, đồng thời trực tiếp tổ chức cho nhiều đoàn thầy thuốc có trình độ cao đi về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các địa bàn trọng yếu để khám bệnh, cấp thuốc. Những nơi ông đến, đồng bào không chỉ được tiếp cận với y học hiện đại mà còn được tuyên truyền, thay đổi nhận thức để xây dựng nếp sống mới.

ĐI BỘ HÀNG CHỤC KI-LÔ-MÉT ĐỂ ĐẾN VỚI ĐỒNG BÀO

Lần đầu tiên, tôi có ấn tượng sâu sắc với Trung tướng Đinh Ngọc Duy là tháng 11-2005, khi chứng kiến ông, bùn đất đầy mình, đang cùng hàng chục bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đẩy chiếc xe ca trên con đường “chuột chạy” giữa một cánh rừng già thuộc địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Hôm ấy, đoàn xe chở các bác sĩ đi khám bệnh, phát thuốc gặp cơn mưa rừng nên ì ạch cả ngày chỉ nhích được 5km. Với kinh nghiệm trận mạc của mình, Trung tướng Đinh Ngọc Duy đã lệnh cho cả đoàn không ăn trưa, dù cơm nắm đã chuẩn bị sẵn trên xe, toàn đoàn phải xuống đẩy xe vượt bãi lầy. Lúc ấy, trong đoàn có người cũng ấm ức với ông, nhưng sau nửa ngày vượt khỏi được đoạn đường độc đạo giữa rừng ấy, ai cũng thở phào vì nếu không nhanh, họ có thể đã phải ngủ lại giữa rừng bởi cơn lũ ập đến rất nhanh sau đó.

Hai năm sau, trong chuyến hành quân dã ngoại làm công tác dân vận lần thứ 7 của đoàn cán bộ, thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lên Tây Bắc, tôi lại có dịp đi theo Trung tướng Đinh Ngọc Duy. Lần này có điểm mới là đoàn thầy thuốc của Bệnh viện sẽ đến Sín Thầu, xã ngã ba biên giới, giáp với hai nước Lào và Trung Quốc, nơi “một tiếng gà gáy, 3 nước cùng nghe”.

Lúc đó, bà con các dân tộc ở Sín Thầu đón nhận nhiều niềm vui, nhất là khi con đường liên xã từ trung tâm huyện lỵ Mường Nhé đã thông đến trung tâm xã. Mới thông đường kỹ thuật được ít hôm, đã thấy có mấy chiếc ô tô đầu tiên chạy vào trụ sở xã. Chủ tịch UBND xã Sửng Sừng Khai vội chạy ra xem, thấy có một vị trung tướng quân đội, tóc bạc trắng, cười khà khà... mới nhìn mà đã thấy quen quen như anh em trong nhà. Đó là Trung tướng Đinh Ngọc Duy. Ông đi tiền trạm, chuẩn bị cho chuyến hành quândã ngoại của Bệnh viện sắp tới.

Nghe   Trung   tướng   Đinh Ngọc Duy nói, đồng bào các dân tộc Sín Thầu sẽ được các thầy thuốc quân y giỏi ở tận Hà Nội lên khám bệnh, phát thuốc, tặng quà gia đình chính sách, giao lưu văn nghệ, tuyên truyền xây dựng nếp sống mới… Chủ tịch UBND xã Sửng Sừng Khai cứ ngỡ như trong mơ. Đồng bào xã biên giới này còn nhiều khó khăn, lúc đau, lúc ốm mà tìm gặp được anh y tá biên phòng giúp đỡ đã thấy sung sướng.

 

Bây giờ các bác sĩ giỏi, có người là giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, đem theo các thiết bị y tế hiện đại, vượt gần 1.000 cây số với bao đèo dốc, lên đây khám bệnh thì còn gì bằng. Kinh nghiệm ở Nà Hỳ, Mường Toong, Chung Chải… các năm trước cho thấy, nơi nào có “bộ đội 108” đến làm dân vận thì sự phát triển kinh tế - xã hội sau đó khởi sắc hẳn lên. Vì thế, làm việc với đoàn cán bộ tiền trạm của Bệnh viện xong, Sừng Sửng Khai vẫn cứ nghĩ là việc này… chắc còn xa mới thành hiện thực. Ông “bắt” Trung tướng Đinh Ngọc Duy phải làm lễ “ngoắc tay” theo phong tục của người Hà Nhì. Hôm sau về huyện họp, ông đem chuyện này “khoe” với ông Lò Văn Pơi, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ. Ông Pơi bảo:

“Năm 2000, thầy thuốc Duy cũng dẫn một đoàn vào xã tôi. Khi thầy thuốc “bộ đội 108” lên đến nơi thì gặp mưa, đoạn đường từ Si Pha Phìn vào chỗ tôi bị lầy, ô tô không đi được, cứ tưởng bộ đội bó tay. Không ngờ, thầy thuốc Duy hạ lệnh cho mọi người xuống xe, lội bộ 30km để vào với dân. Thầy Duy đã hứa là làm”.

Chủ trương đưa các thầy thuốc có trình độ cao, đi về các xã vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều hủ tục lạc hậu để khám bệnh phát thuốc, tuyên truyền nếp sống mới của Trung tướng Đinh Ngọc Duy giờ đây đã trở thành một hoạt động dân vận truyền thống của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thầy thuốc Duy còn chỉ đạo các cơ quan, các thầy thuốc kiên trì dịch các bài tuyên truyền nếp sống vệ sinh, khoa học thành tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Hà Nhì… để đến vùng đồng bào nào thì phát băng đĩa cho đồng bào nghe bằng thứ tiếng ấy cho dễ hiểu, dễ tiếp thu. Ông cũng cho rằng, bằng cách kiên trì đưa các thầy thuốc về công tác ở vùng sâu, vùng xa là cách tốt nhất để rèn luyện y đức, xây dựng tình cảm cộng đồng sâu sắc cho người hành nghề y. Thành tựu làm công tác dân vận của Bệnh viện 108 không chỉ tính bằng hàng trăm nghìn lượt đồng bào được khám, chữa bệnh; hàng chục tỷ đồng tiền thuốc được đưa tận tay người bệnh, mà còn làm chuyển đổi đời sống văn hóa khu dân cư, được Ban Dân vận Trung ương công nhận đó là mô hình “Dân vận khéo”, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá là một biện pháp củng cố quốc phòng - an ninh; củng cố niềm tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước một cách thiết thực, hiệu quả.

CHUYỆN NGƯỜI ĐI “ĐÁNH THỨC”…


Trở lại với lời hứa của Trung tướng Đinh Ngọc Duy với ông Sửng Sừng Khai, trung tuần tháng 01-2007, đoàn cán bộ, thầy thuốc gần 100 người của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đến Sín Thầu làm công tác dân vận. Trước đó có một trận mưa làm cho đoạn đường gần Sín Thầu bị một con suối cắt ngang, xe không qua được. Cả đoàn đang “vừa đẩy, vừa kéo” thì thấy đồng bào các dân tộc Sín Thầu, dưới sự chỉ đạo của bí thư chi bộ Pừ Giảng Sình, Chủ tịch UBND Sửng Sừng Khai kéo ra lấp đường, thông xe. Thế là tình cảm quân - dân chưa gặp mà đã thắm thiết. Riêng Sửng Sừng Khai là người vui nhất. Từ mấy hôm trước, ông đã đi khắp các bản tuyên truyền về việc này, giục các bản dọp dẹp cho sạch sẽ kẻo các thầy thuốc chê người Sín Thầu. Các chị phụ nữ và thiếu niên còn rủ nhau luyện tập mấy điệu múa truyền thống để tham gia giao lưu văn nghệ. Mấy ngày mà đoàn “bộ đội 108” đến đây là những ngày hội của đồng bào Sín Thầu. Có lẽ, ở Sín Thầu chưa dịp nào có hội vui như thế. Không khí này như được nhân rộng, tiếp nối cả khi đoàn đã hành quân sang các xã khác như Mường Nhé, Chung Chải…

Một bộ phận cán bộ y tế ở Mường Nhé đã từng được đào tạo và trưởng thành từ chính những chuyến đi Tây Bắc. Đại tá Phạm Chí Cường, nguyên Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện cho biết:

“Ngay từ lần đầu lên Mường Nhé (năm 2000), anh Duy đã cử một tổ bác sĩ ở lại “nằm vùng” và chủ động đề cập việc giúp địa phương đào tạo cử tuyển 14 y tá, cấp kinh phí cho 10 em đi học trung cấp quân y. Bây giờ, họ đã là những cán bộ y tế tốt của địa phương”.

Điều đáng nói là, bên cạnh việc chú trọng vào nhiệm vụ chuyên môn, những nội dung khác như tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, tuyên truyền nếp sống văn hóa, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để đồng bào các dân tộc hiểu…cũng được Trung tướng Đinh Ngọc Duy chỉ đạo làm bằng nhiều phương thức mới và sáng tạo. Xã Nà Hỳ, nơi “bộ đội 108” đến làm dân vận, khi ấy còn nhiều tập tục lạc hậu, bà con còn quen lối sống tự cấp, tự túc. Nay nhiều nhà đã có ti vi, không ai còn mời thầy cúng khi bị ốm, hàng quán đã bắt đầu mọc lên, ý thức sản xuất hàng hóa trong dân đã hình thành… Hiệu quả những chuyến đi của các thầy thuốc Bệnh viện Trung ướng Quân đội 108 có lẽ khó mà đánh giá hết.

THẮM TÌNH QUÊ HƯƠNG, ĐỒNG ĐỘI


Nhiều người hỏi: Vì sao mà một vị tướng, giám đốc một bệnh viện lớn ở giữa thủ đô Hà Nội lại đau đáu với công tác dân vận, nhất là việc khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi tập quán lạc hậu, hướng đến cuộc sống vệ sinh, khoa học đến vậy? Trung tướng Đinh Ngọc Duy cười hiền. Bởi, cuộc đời ông, ân nghĩa với đồng bào rất nhiều, chỉ muốn làm việc gì đó để tri ân, đền đáp. Năm 1972, chàng Thiếu úy Đinh Ngọc Duy tốt nghiệp Học viện Quân y là lên đường vào chiến trường. Chiến trường Tây Nguyên, đồng bào Tây Nguyên vừa là nơi tôi luyện anh trở thành người thầy thuốc quân y giỏi, đồng thời cũng là nơi đùm bọc, chở che cho anh trên bước đường nghề nghiệp. Ngay từ hồi đó, chứng kiến tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên dành cho bộ đội, Đinh Ngọc Duy đã tự nhủ với mình, sau ngày giải phóng, nếu còn được sống, được hành nghề, anh sẽ phải làm một cái gì đó đền đáp tấm lòng của đồng bào. Mơ ước lớn nhất của ông là không còn thấy cảnh đồng bào các dân tộc phải chết vì hủ tục hay vì thiếu thầy, thiếu thuốc./.

Giàng Seo Pùa, Báo Quân đội nhân dân

Chia sẻ