Phụ nữ mang thai đối mặt với những rủi ro nào với COVID-19?

  11:25 AM 29/09/2020
Câu hỏi được đặt ra với các bà mẹ đang mang thai rằng liệu COVID-19 có tấn công nhiều hơn so với người bình thường hay không? Và nếu như họ bị nhiễm thì có gây hại cho em bé hay không?

Hiện tại dữ liệu về thai kỳ và COVID-19 vẫn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng mang thai dường như khiến cơ thể phụ nữ dễ bị tổn thương hơn với COVID-19 do các cơ quan mà coronavirus tấn công nhiều là phổi và hệ tim mạch thì lại hoạt động nhiều trong thai kỳ.

Dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố vào cuối tháng sáu năm 2020. Trong số 91.412 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị nhiễm SARS-CoV-2, có tới 8.207 phụ nữ đang mang thai có nguy cơ phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Tỷ lệ này cao hơn 50% so với các phụ nữ cùng độ tuổi không mang thai. Tỷ lệ các trường hợp mang thai có nguy cơ cần đến máy thở cũng cao hơn tới 70%, mặc dù họ không có nhiều khả năng tử vong.

Con số mà CDC đưa ra có thể chưa đầy đủ, do chỉ có khoảng 28% trong số 326.000 phụ nữ Hoa Kỳ trong độ tuổi sinh sản bị nhiễm SARS-CoV-2 đã được báo cáo cho CDC vào đầu tháng Sáu và tảng băng chìm của con số 72% còn lại vẫn chưa được khảo sát, ghi nhận.

Gần đây, theo công bố của Cơ quan Y tế Công cộng của Thụy Điển vào tháng 7/2020 trên tạp chí  Acta obsetricia et Gynecologica Scandinavica, đã đưa ra bộ số liệu khá đầy đủ hơn. Thống kê toàn Thụy Điển trong suốt 4 tuần của tháng 3 và tháng 4, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng phụ nữ mang thai hoặc ngay sau khi sinh bị COVID-19 có nguy cơ vào ICU cao hơn gần sáu lần so với những phụ nữ mang thai không nhiễm COVID-19

Thống kê trong dịch cúm do chủng H1N1 năm 2009, số phụ nữ mang thai tử vong chiếm 5% tổng số ca tử vong ở Hoa Kỳ, mặc dù họ chỉ chiếm khoảng 1% dân số Mỹ. 

Rõ ràng mang thai đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng do nhiễm các virus đường hô hấp. Tại sao phụ nữ mang thai khi bị nhiễm vi rút lại dễ bị tổn thương trầm trong hơn như vậy? Đã có rất nhiều các giả thiết được nêu ra để làm sáng tỏ câu hỏi trên. Theo Akiko Iwasaki, một nhà miễn dịch học tại Trường Y Yale, cho biết: Nhiễm vi-rút có thể nghiêm trọng hơn ở phụ nữ mang thai một phần vì “toàn bộ hệ thống miễn dịch của mẹ hướng tới việc đảm bảo không tạo ra bất kỳ phản ứng miễn dịch kháng bào thai nào”. Theo Carolyn Coyne, một nhà virus học tại Đại học Pittsburgh "Người mẹ phải thỏa hiệp khả năng bảo vệ miễn dịch của chính mình để bảo vệ sức khỏe của em bé. Trong quá trình mang thai thì hệ thống miễn dịch làm việc chống lại các tác nhân vi sinh là không thể không tránh khỏi”.

Mặt khác, đích tấn công của SARS-CoV-2 là phổi và hệ thống tim mạch, những nơi vốn dĩ đã chịu áp lực lớn trong thai kỳ. “Khi tử cung phát triển, càng ngày càng có ít chỗ cho phổi. Đó là lý do tại sao bà bầu thường cảm thấy khó thở. Và điều đó ảnh hưởng đến chức năng phổi” Denise Jamieson, chủ nhiệm khoa sản phụ tại Trường Y Đại học Emory cho biết. Để cung cấp cho thai nhi, phụ nữ mang thai cũng cần thêm oxy và máu để vận chuyển. Điều này có thể làm tăng lên áp lực với hệ thống tim mạch. Tác giả Baud nói: “Trái tim đang hoạt động như hai quả tim. “Và nếu phụ nữ mang thai nhiễm vi rút thì khả năng gây ra nhiều sự thay đổi tới hệ mạch máu, viêm nhiễm thành mạch, tim hoạt động nhiều hơn…”

Những vết màu nâu đậm này, được tạo ra bởi các kháng thể đối với coronavirus mới, cho thấy nó đã xâm nhập vào nhau thai của trẻ sơ sinh bị nhiễm COVID19.

 

Malavika Prabhu, một chuyên gia khoa sản nhi tại trung tâm y tế Weill Cornell Medicine (Hoa Kỳ), cho biết thêm rằng sinh lý bình thường ở phụ nữ mang thai, “máu đi khắp cơ thể, đòi hỏi trao đổi chất nhiều hơn, bao gồm cả phổi. Và thực tế chứng minh, máu của phụ nữ mang thai có xu hướng nhanh đông hơn, được cho là do họ cần nhanh chóng cầm máu sau khi sinh con. Điều này tương đồng với đặc điểm khi nhiễm coronavius”.

Theo nghiên cứu của Prabhu và các cộng sự trên tạp chí BJOG, những nguy cơ gia tăng đối với người mẹ không chỉ dừng lại sau sinh. Họ đã theo dõi tất cả 675 sản phụ được nhận vào sinh tại ba bệnh viện ở New York trong 4 tuần cuối tháng Ba và tháng Tư. Sau khi sinh, có tới 13% sản phụ có nhiễm SARS-CoV-2 (9 ca bệnh trong số 70 ca) có ít nhất một trong ba vấn đề về sức khoẻ cần theo dõi như: sốt, nồng độ oxy trong máu thấp và nhập viện. Trong khi đó chỉ có 4,5% sản phụ không bị nhiễm vi rút có các vấn đề về sức khoẻ như trên (27/605). Báo cáo này cũng đã ghi nhận có tới 79% phụ nữ mang thai có kết quả dương tính khi nhập viện không có triệu chứng.

Trong thực hành lâm sàng, còn rất nhiều các câu hỏi mang tính cấp bách như tác động của mẹ và thai nhi với các thuốc được sử dụng điều trị COVID-19, và tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 ảnh hưởng như thế nào đến người mẹ và liệu thuốc chống đông máu có nên được sử dụng cho phụ nữ mang thai mắc COVID-19 hay không ??...

Trong quá khử khi các vụ dịch H1N1 năm 2009 và Zika năm 2015 đi qua thì các số liệu nghiên cứu nguy cơ đối với các phụ nữ mang thai bị bỏ quên không được thu thập cụ thể, cho nên rất cần các giám sát dài hạn với các phụ nữ mang thai bị nhiễm SARS-CoV-2.

Trong một nghiên cứu trên gần 700 phụ nữ mang thai nhập viện và sinh tại ba bệnh viện ở New York thì có tới 71 em bé sinh ra từ mẹ bị nhiễm bệnh mà không bị lây nhiễm bệnh. Một nghiên cứu khác được công bố trong tháng 8/2020 trên eLife cho thấy virus không dễ dàng xâm nhập vào các tế bào nhau thai. Các nhà khoa học tại Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người và Đại học Bang Wayne (Mỹ) nhận thấy ở các tế bào nhau thai hiếm khi biểu hiện đồng thời cả hai thụ thể mà virus dựa vào để xâm nhập vào tế bào đó ACE2, một thụ thể liên kết màng và TMPRSS-2, một loại enzyme kích hoạt virus sau khi nó đã liên kết với ACE2. Điều này ngược lại, với vi rút Zika và CMV các thủ thể có rất nhiều trên các tế bào nhau thai.

Về các rối loại đông máu trên thai nhi, các nhà nghiên cứu ở New York đã kiểm tra nhau thai của 29 bà mẹ bị mắc COVID-19 thì phát hiện có cục máu đông trong mạch máu ở 14 thai nhi (48,2%). Trong khi đó chỉ phát hiện 11% nhau thai có cục máu đông tương tự từ 106 các bà mẹ không bị mắc COVID-19. Các cục máu đông có thể hạn chế oxy và chất dinh dưỡng được cung cấp cho thai nhi. Malavika Prabhu, chuyên gia y học khoa sản nhi tại Weill Cornell Medicine, cho biết những nghiên cứu này cho thấy sự cần thiết phải theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi trong nửa sau của thai kỳ bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Các nghiên cứu tiếp theo sẽ trả lời nhiều câu hỏi sau khi những em bé ra đời đầu tiên vào tháng 9 là những em bé được thụ thai giai đoạn đầu của dịch COVID-19.

 

Khoa Sinh học Phân tử, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ