Liệu pháp mới điều trị viêm gan vi rút b: thách thức và cơ hội

  02:16 PM 01/04/2024
Viêm gan vi rút B (VGVR B) là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do vi rút viêm gan B (Hepatitis B virus: HBV) gây ra. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 887000 người tử vong trên toàn thế gới, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Tỷ lệ mang HBsAg ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương tương ứng là 2% (39 triệu ca) và 6,2% (115 triệu ca). Nếu không có các biện pháp can thiệp, số ca tử vong liên quan đến HBV có thể lên tới 1,14 triệu ca vào năm 2035. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng cao về viêm gan B trên thế giới, với ước tính 10-25% dân số bị nhiễm mãn tính.

Nguồn: https://twitter.com/NEJM/status/1597998941823709185

Quản lý và điều trị viêm gan vi rút B mạn vẫn đang là một thách thức đồi với y học hiện nay. Thách thức lớn nhất trong điều trị khỏi viêm gan vi rút B là đặc tính sinh học của vi rút, chúng tích hợp vật liệu di truyền (cccDNA) vào hệ gen của người. Vì vậy, rất khó để loại bỏ hoàn toàn vi rút khỏi vật chủ, kể cả với các thuốc kháng vi rút hiệu quả. Một trong những thách thức khác là suy giảm đáp ứng miễn dịch ở người bệnh nhiễm viêm gan vi rút B mạn. Vi rút viêm gan B phát triển nhiều cơ chế trốn tránh hệ thống miễn dịch, vì vậy rất khó để cơ thể vật chủ loại bỏ hoàn toàn vi rút.

Hiện nay, thuốc kháng vi rút được cấp phép điều trị cho viêm gan vi rút B mạn tính là các chất tượng tự nucleic acid (NAs). Tuy nhiên, các hoạt chất này chỉ có tác dụng ức chế vi rút nhân lên, mà không thể loại bỏ được vi rút ra khỏi cơ thể. Vì vậy, liệu pháp kháng vi rút keo dài được sử dụng nhằm ức chế vi rút nhân lên và phòng ngưa các biến chứng xơ gan và ung thư gan. Với những hạn chế trong sử dụng NAs, nhiều liệu pháp đang được phát triển nhằm mục địch giảm thời gian điều trị và tăng khả năng khỏi bệnh (được hiểu là mất HBsAg). Tiến tới thực sự khỏi bệnh với viêm gan B mạn là loại bỏ hoặc bất hoạt cccDNA và genome tích hợp của HBV. Các liệu pháp có triển vọng trong điều trị viêm gan vi rút B mạn gồm: ức chế xâm nhập (entry inhibitor), siRNA (small interfering RNA: tiểu RNA can thiệp) và quá trình tổng hợp HBsAg (HBsAg assembly agents), điều hòa tổng hợp capsid (CAMs: capsid assembly modulators), điều biến miễn dịch (immunomodulatory approaches).

Bảng 1. Các liệu pháp điều trị viêm gan vi rút B đang phát triển

 

Ngoài các thuốc đang phát triển ở các phá thử nghiệm lâm sàng ở trên, mốt số hướng nghiên cứu giai đoạn tiền lâm sàng với các đích tác động khác nhau như: tác động gen X, cccDNA, bất hoạt HBV-RNA/cccDNA, sửa gen cccDNA dựa trên công nghệ CRISPR-Cas9. Kết quả các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tỷ lệ mất HBsAg còn hạn chế, nhưng mang lại nhiều hy vọng mới cho điều trị khỏi bệnh viêm gan vi rút B.

Một trong những cách tiếp cận mang lại hy vọng cho người bệnh viêm gan vi rút B là kết hợp các liệu pháp, như kết hợp thuốc kháng vi rút (NAs) với liệu pháp miễn dịch (như vac xin hay lieu phap gen). Một số liệu pháp kết hợp đang được phát triển và thử nghiệm trên lâm sàng, mang lại hy vọng mới về điều trị khỏi cho người bệnh viêm gan vi rút B mạn.

Mặc dù còn nhiều thách thức, tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về vi rút cũng như đáp ứng diễn dịch của cơ thể với vi rút, qua đó phát triển các chiến thuật mới trong kiểm soát và điều trị khỏi viêm gan vi rút B. Hy vọng, trong tương lai không xa, chung ta có thể bệnh viêm gan vi rút B mạn thành bệnh bị lãng quên.

Người bệnh có nhu cầu tư vấn đièu trị về bệnh lý viêm gan vi rút, xin liên hệ Khoa Bệnh lây đường máu (A4A)- Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Điện thoại: 024. 62784142 hoặc 069 572 245.

Tài liệu tham khảo

 Dusheiko, G., K. Agarwal, and M.K. Maini, New Approaches to Chronic Hepatitis B. N Engl J Med, 2023. 388(1): p. 55-69.

Suarez, A. A. R. & Zoulim, F. (2023). Opportunities and challenges for hepatitis B cure. eGastroenterology

TS.BS. Trịnh Văn Sơn

Khoa Bệnh lây đường máu - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm

Chia sẻ