Vắc-xin HPV và những điều cần biết

  05:12 PM 27/09/2023

HPV là gì?
HPV là viết tắt của papillomavirus (vi rút u nhú) ở người, gồm hơn 150 loại. Mỗi loại được đánh số và được gọi là loại HPV kèm số (ví dụ: HPV-16).
Một số loại HPV gây ra mụn cóc hoặc u nhú, là những khối u không phải ung thư. Nhưng một số loại HPV được biết là gây ung thư như ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn, dương vật và hầu họng.

 

Vắc-xin có thể giúp ngăn ngừa vi-rút HPV không?

- Tất cả các loại vắc xin này đều giúp ngăn ngừa nhiễm HPV-16 và HPV-18. Hai loại này gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung và tiền ung thư, cũng như nhiều bệnh ung thư hậu môn, dương vật, âm hộ, âm đạo và hầu họng.

- Vắc xin Gardasil 9 giúp ngăn ngừa nhiễm 4 loại HPV (16, 18, 6 và 11), cộng thêm 5 loại nguy cơ cao khác: 31, 33, 45, 52 và 58. Các loại này cùng nhau gây ra khoảng 90% ca ung thư cổ tử cung.

 

 

 

Ai nên chủng ngừa HPV và khi nào?

- Cả nam và nữ đều nên chủng ngừa HPV.

- Vắc-xin HPV tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh nhất ở trẻ vị thành niên. Để đạt hiệu quả tốt nhất, vắc xin ngừa HPV nên được tiêm trong độ tuổi từ 9 đến 12. Vắc xin được tiêm thành nhiều mũi.

Khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về việc sử dụng vắc xin ngừa HPV

• Bé gái và bé trai nên tiêm 2 liều vắc xin ngừa HPV trong độ tuổi từ 9 đến 12.

• Thanh thiếu niên và thanh niên từ 13 đến 26 tuổi chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin nên tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt.

• Không khuyến cáo tiêm phòng HPV cho người trên 26 tuổi.

Tại sao nên tiêm vắc-xin HPV cho trẻ trước tuổi vị thành niên?

Vắc-xin có tác dụng tốt nhất ở độ tuổi này. Nghiên cứu cho thấy trẻ trước tuổi vị thành niên có phản ứng miễn dịch tốt hơn với vắc-xin so với những người ở độ tuổi thanh thiếu niên và đầu tuổi 20. Và, vắc-xin sẽ chỉ ngăn ngừa các loại vi-rút được nếu chúng được tiêm trước khi cơ thể người tiêm tiếp xúc với vi-rút.

Còn những người trên 26 tuổi thì sao?

Vắc-xin HPV có hiệu quả nhất ở tuổi vị thành niên, nhưng hiệu quả này bắt đầu giảm dần ở tuổi 18. Vì lý do này, vắc-xin khó có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc phòng ngừa ung thư khi con người già đi. ACS không khuyến nghị tiêm phòng HPV cho những người trên 26 tuổi.

Ai không nên chủng ngừa HPV hoặc ai nên chờ đợi?

Phụ nữ mang thai không nên tiêm bất kỳ loại vắc xin ngừa HPV nào vào thời điểm này, mặc dù chúng có vẻ an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Nếu một phụ nữ đang mang thai được tiêm vắc-xin ngừa HPV thì đó không phải là lý do để cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ. Những phụ nữ đã bắt đầu tiêm vắc xin trước khi biết mình có thai nên hoàn thành loạt vắc xin này sau khi mang thai.

Những đối tượng sau không nên tiêm vắc xin ngừa HPV:

• Những người bị dị ứng nặng với nấm men không nên dùng Gardasil hoặc Gardasil 9.

• Bất kỳ ai đã từng bị phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng với bất kỳ chất nào khác có trong vắc-xin.

• Bất cứ ai từng có phản ứng nghiêm trọng với liều vắc-xin HPV trước đó.

Có cần xét nghiệm HPV trước khi tiêm vắc xin không?

Trên thực tế, việc xét nghiệm không được khuyến khích vì nó không thể cho thấy liệu vắc xin HPV có hiệu quả hay không. Kết quả xét nghiệm HPV dương tính không phải lúc nào cũng cho bạn biết bạn mắc loại HPV nào. Và ngay cả khi bạn bị nhiễm một loại HPV, vắc xin vẫn có thể ngăn ngừa nhiễm các loại HPV khác. Kết quả xét nghiệm âm tính không thể cho bạn biết liệu trước đây bạn có bị nhiễm vi-rút hay không.

Vắc-xin sẽ ngăn ngừa nhiễm HPV trong bao lâu?

Nghiên cứu hiện tại cho thấy vắc xin có hiệu quả và không có dấu hiệu nào cho thấy khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian. Nghiên cứu sẽ tiếp tục xem xét khả năng bảo vệ chống lại HPV kéo dài bao lâu và liệu có cần tiêm nhắc lại hay không.

Vắc xin ngừa HPV có an toàn không?

Tất cả các loại vắc xin ngừa HPV đều đã được thử nghiệm trên hàng nghìn người trên khắp thế giới trước khi chúng được phê duyệt. Và được tiếp tục theo dõi liên tục để đảm bảo an toàn. Cho đến nay, tất cả các nghiên cứu đều cho thấy không có trường hợp tử vong nào liên quan đến bất kỳ loại vắc xin ngừa HPV nào. Các tác dụng phụ nhẹ, thường gặp bao gồm nhức đầu, sốt, buồn nôn và chóng mặt. Đôi khi chỗ tiêm có thể bị đau và tấy đỏ.

Những người đã được chủng ngừa HPV có cần được sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Những người đã tiêm vắc xin HPV vẫn cần xét nghiệm thường xuyên để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung vì vắc xin có thể không ngăn ngừa được tất cả các loại vi rút HPV có thể gây ung thư cổ tử cung.

Nguồn: cancer.org (Website của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ)

Người thực hiện: TS. BS Lê Thị Thu Nga – Khoa Ung thư tổng hợp – Bệnh viện TƯQĐ 108

Chia sẻ