PET/CT: Xét nghiệm kỹ thuật cao không xâm lấn cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp

  08:45 AM 20/07/2023
PET/CT là phương pháp chẩn đoán kết hợp giữa hình ảnh ở mức phân tử (PET) và hình ảnh giải phẫu (CT). PET/CT được coi là phương pháp chẩn đoán hiện đại, tin cậy, giúp phát hiện sớm và mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến giáp.

Công nghệ chẩn đoán sử dụng PET/CT đã xuất hiện tại thị trường thiết bị y tế thế giới từ những năm đầu của thế kỷ 20, tới năm 2009, PET/CT đã có mặt tại Việt Nam. Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam được trang bị hệ thống PET/CT để phục vụ chẩn đoán bệnh nhân ung thư. Cùng với hệ thống PET/CT, Bệnh viện cũng được xây dựng Trung tâm Máy gia tốc (Cyclotron) với công suất 30MeV, được coi là máy gia tốc vòng lớn nhất hiện nay tại khu vực Đông Nam Á, sản xuất dược chất phóng xạ phục vụ cho chụp PET/CT.

Máy PET/CT discovery light speed, GE tại Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 đạt chứng nhận EARL của hội Y học hạt nhân châu Âu về chất lượng hình ảnh

Máy PET/CT discovery 710, GE tại khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 đạt chứng nhận EARL của Hội Y học hạt nhân châu Âu về chất lượng hình ảnh và được trang bị công nghệ mới time of flight (TOF) cho chất lượng hình ảnh có độ phân giải cao

Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp có chỉ số Thyroglobulin huyết thanh cao và xạ hình I-131 âm tính, PET/CT có thể giúp phát hiện các tổn thương tái phát, di căn. Độ nhạy và độ đặc hiệu của FDG PET/CT trong phát hiện tổn thương lên tới 80-90% trong các nghiên cứu phân tích gộp. Bên cạnh đó, mức độ hấp thu FDG của tổn thương có thể dự báo tiên lượng của bệnh nhân, mức độ hấp thu FDG cao của tổn thương ung thư tuyến giáp tái phát/di căn thường có tiên lượng xấu. Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 đã ứng dụng kỹ thuật chụp PET/CT toàn thân và chuyên biệt đầu – cổ có tiêm thuốc cản quang, tham khảo quy trình kỹ thuật của Đại học Pittsburg (Hoa Kỳ) để tăng độ chính xác trong chẩn đoán.

FDG PET/CT phát hiện tổn thương di căn phần mềm thành ngực (A, B, C dấu thập) và nhiều vị trí ở màng phổi phải (D) (Hình ảnh bản quyền của khoa Y học hạt nhân,          Bệnh viện TWQĐ 108)

Cùng với việc áp dụng công nghệ mới trong thực hành, Khoa Y học hạt nhân đã công bố những nghiên cứu ứng dụng PET/CT trong ung thư tuyến giáp trên những tạp chí y khoa quốc tế có uy tín. Các bác sĩ của Khoa Y học hạt nhân đã được cử đi đào tạo ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện tại, Khoa Y học hạt nhân là cơ sở đào tạo của Viện Nghiên cứu Y dược học lâm sàng 108, Đại học Y Hà Nội, tham gia đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, đào tạo liên tục cho các bác sĩ đến từ các bệnh viện của cả nước.

Chỉ định chụp FDG PET/CT cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Y học hạt nhân. Để chụp FDG PET/CT, bệnh nhân cần được đăng ký trước tại Khoa Y học hạt nhân. Trước ngày chụp hình, bệnh nhân hạn chế vận động nặng, không sử dụng kích thích, hạn chế ăn đồ ngọt, giữ ấm cơ thể. Vào ngày chụp hình, bệnh nhân không ăn trước khi chụp từ 4-6 tiếng. Sau khi tiêm dược chất phóng xạ 18F-FDG, bệnh nhân nằm nghỉ, giữ ấm cơ thể, tiếp tục nhịn ăn và uống nước, đi tiểu bình thường trong vòng 60 phút trước khi chụp. 

Khi nằm lên máy chụp, bệnh nhân cần bất động, thời gian chụp có thể diễn ra từ 10-15 phút. Sau khi chụp xong bệnh nhân có thể ăn và dùng các thuốc khác nếu có chỉ định. Đối với bệnh nhân có bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần được tư vấn riêng bởi bác sĩ trước khi đăng ký chụp PET/CT để điều chỉnh đường huyết phù hợp. Phụ nữ đang cho con bú cần dừng nuôi con bằng sữa mẹ trước và sau khi chụp hình dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Phụ nữ có thai không có chỉ định chụp PET/CT.

Sau khi chụp PET/CT, bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai trong vòng 24 giờ. Xét nghiệm PET/CT an toàn đối với bệnh nhân và chưa có ghi nhận trong y văn về dị ứng cũng như phản ứng phản vệ. Kết quả chụp PET/CT sẽ được hẹn và trả cho bệnh nhân 1 ngày sau khi chụp bao gồm: Album ảnh, 01 đĩa chứa hình ảnh và tờ trả lời kết quả.

PGS.TS Lê Ngọc Hà, TS.BS Mai Hồng Sơn

Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108

 

 

Chia sẻ