Những điều cần biết về ghép tụy tạng

  10:46 AM 28/09/2021
Ghép tụy là biện pháp cấy ghép một phần hoặc toàn bộ tụy tạng nhằm mục đích điều chỉnh đường máu ở người nhận mà chức năng tụy nội tiết đã bị suy giảm. Ghép tụy chủ yếu được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường typ 1 (người bệnh có suy giảm tụy nội tiết thực thụ). Tuy nhiên việc lựa chọn bệnh nhân cần hết sức chặt chẽ do đây là một biện pháp điều trị đắt tiền và nhiều nguy cơ.

 
 

Có các loại ghép tụy như sau:

- Ghép tụy-thận đồng thời (Simultaneous kidney and pancreas transplant - SKP).

- Ghép tụy sau khi đã ghép thận (Pancreas after kidney transplant - PAK).

- Ghép tụy đơn thuần (Pancreas transplant alone - PTA).

  1. Lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật ghép tụy
    1. Lợi ích
  • Kiểm soát tốt glucose máu
  • Thoát khỏi tình trạng phụ thuộc insulin, chế độ ăn tiểu đường và phải theo dõi đường máu thường xuyên.
  • Giúp ổn định các bệnh võng mạc và thần kinh do tiểu đường
  • Tránh tổn thương thận do tiểu đường
  • Cải thiện thời gian sống.
    1. Nguy cơ
  • Nguy cơ tai biến, biến chứng của phẫu thuật .
  • Nguy cơ nhiễm khuẩn do dùng thuốc chống thải ghép.
  • Nguy cơ thải ghép.
  1. Kết quả ghép tụy

Ghép tụy có tiên lượng thời gian sống sau 1 năm tương đương với các tạng khác như gan, thận, tim. Tuy nhiên kết quả xa không bằng ghép gan, thận.

  • Tỷ lệ sống sau 1 năm là 95%
  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của tụy ghép: với ghép tụy thận đồng thời là 90%; ghép tụy sau ghép thận là 76%; ghép tụy đơn độc là 72%.
  • Tỷ lệ sống sau 10 năm của bệnh nhân ghép tụy thận đồng thời là 67%.
  1. Chỉ định, chống chỉ định ghép tụy
    1. Chỉ định

      Chỉ định cho mỗi loại ghép tụy có một số khác biệt giữa các trung tâm và các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, tất cả đều theo các nguyên tắc chung như sau:

  1. Tiêu chuẩn lựa chọn chung:
  • Tiểu đường týp 1.
  • Có biến chứng của tiểu đường.
  • Có khả năng chịu đựng phẫu thuật và thuốc ức chế miễn dịch.
  • Tâm thần kinh phù hợp: có khả năng hiểu biết về phương pháp điều trị ghép tụy, có khả năng hiểu biết và tuân thủ điều trị ức chế miễn dịch lâu dài và những cần thiết cho theo dõi.
  1. Tiêu chuẩn chọn ứng viên cho từng phương pháp ghép:
  • Ghép tụy thận cùng lúc (SPK)
  • Bệnh thận do tiểu đường với MLCT < 30 ml/phút
  • Bệnh nhân đang lọc máu hoặc bắt đầu lọc
  • Suy chức năng thận đã ghép trước đó.
  • Ghép tụy sau ghép thận (PAK): BN với chức năng thận ghép trước đó ổn định có tiêu chuẩn ghép tụy sau ghép thận.
  • Ghép tụy đơn độc (PTA). Có trên 2 biến chứng của tiểu đường sau:
  • Bệnh võng mạc tăng sinh
  • Bệnh thận sớm (MLCT>70 ml/p, protein niệu 150mg-3g/24h)
  • Bệnh thần kinh ngoại vi hoặc tự chủ
  • Bệnh mạch máu với mảng vữa xơ tiến triển
  • Bệnh tiểu đường không ổn định được xác định bởi:

               + Nhiều đợt và nặng của nhiễm toan ceton.

              + Nhiều đợt và nặng của hạ đường huyết.

              + Hạ đường huyết không được biết.

              + Giảm chất lượng cuộc sống.

  1. Chống chỉ định
  1. Chống chỉ định tuyệt đối:
  • Tình trạng tim mạch không đảm bảo:

    + Chụp động mạch chỉ ra bệnh mạch vành không có khả năng phù hợp.

    + EF < 30%.

    + Nhồi máu cơ tim mới.

  • Đang có bệnh lý nhiễm khuẩn.
  •  Bệnh ác tính mới hoặc được điều trị không hoàn toàn.
  • HIV dương tính.
  • HBsAg dương tính.
  • Loét dạ dày đang hoạt động không được điều trị.
  • Đang có tình trạng nghiện (nghiện rượu mạn, thuốc phiện).
  • Đang có bệnh tâm thần nặng.
  • Bệnh nhân không có khả năng ký nhận cam kết điều trị. Tình trạng tâm thần kinh không ổn định, không đủ khả năng tuân thủ và thực hiện liệu trình điều trị thuốc sau ghép.
  • Bệnh nhân có bệnh lý hệ thống ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuổi thọ hoặc làm giảm khả năng hồi phục.
  • Bệnh nhân có rối loạn chức năng gan, phổi không hồi phục.
  1. Chống chỉ tương đối:
  • Tuổi <18 hoặc > 65
  • Xuất huyết võng mạc mới.
  • Bệnh mạch ngoại vi và mạch não có triệu chứng.
  • Thiếu mạng lưới xã hội ủng hộ phù hợp.
  • Béo phì (> 150% trọng lượng lý tưởng hoặc BMI > 30kg/m2)
  • Nghiện thuốc lá.
  • Bệnh động mạch chủ nặng.
  1. Theo dõi và điều trị sau ghép tụy

Sau ghép tụy, tùy tình trạng tạng ghép và diễn biến bệnh mà bệnh nhân có thời gian nằm viện sau mổ khoảng 2-4 tuần.

Trong 3 – 6 tháng đầu sau ghép bệnh nhân nên nghỉ việc, không nên tập luyện gì trong vòng 2 tháng sau ghép.

Sau khi ra viện bệnh nhân được quản lý ngoại trú để điều trị chống thải ghép, và theo dõi theo lịch. Thuốc chống thải ghép trong danh mục chi trả của BHYT.

 

ThS.BS Hồ Văn Linh

Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy - Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ