Các bệnh lý dạng nang của tụy

  07:27 AM 11/07/2023
Nang tụy là một tổn thương dạng túi trong có chứa dịch của tụy, có thể nằm bề mặt hoặc trong nhu mô tụy. Đây là một nhóm gồm các tổn thương lành tính của tụy, tuy nhiên một số ít trong đó có thể có nguy cơ ác tính hóa. Phần lớn các nang này không có triêu chứng nên thường được phát hiện tình cơ qua các thăm khám chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Chỉ định điều trị chỉ đặt ra khi các nang có kích thước lớn gây các triệu chứng khó chịu cho người bệnh hoặc có nguy cơ ác tính hóa.

Hình 1.1. Các tổn thương dạng nang của tụy

          Các triêu chứng có thể gặp bao gồm: đau bụng âm ỉ, có thể lan ra sau lưng; buồn nôn, nôn; sút cân; cảm giác nhanh no khi ăn, đầy bụng. Khi xuất hiện các triệu chứng như trên bệnh nhân cần được làm các chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu để chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp. Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm:

          + Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (CT scanner): Phim CT giúp đánh giá tốt các chi tiết về cấu trúc, kích thước của nang tụy, đặc điểm nhu mô tụy từ đó có thể gợi ý nguyên nhân nang tụy.

          + Chụp cộng hưởng từ (MRI). Giúp quan sát chi tiết hơn những cấu trúc của nan tụy. Nó còn giúp gợi ý nang tụy có khả năng ung thư hay không (cấu trúc nhu trong nang).

          + Siêu âm nội soi đường tiêu hóa (dạ dày, tá tràng): xét nghiệm này cho hình ảnh chi tiết về nang tụy do khả nang quan sát ở sát nang. Ngoài ra, phương pháp này còn cho phép lấy dịch nang để làm xét nghiệm. Điều này rất có ý nghĩa giúp chẩn đoán nang có tế bào ung thư không.

          + Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) là biện pháp chẩn đoán hình ảnh tối ưu được lựa chọn để theo dõi nang tụy. Xét nghiệm này giúp quan sát rất rõ cấu trúc nang ở trong ống tụy, mối liên quan nang và ống tụy.

          Nhìn chung nang tụy có thể chia thành hai nhóm lớn gồm các nang không tăng sinh và nang có tăng sinh (có nguy cơ ung thư hóa). Tùy thuốc vào đặc điểm, vị trí nang cũng như tuổi giới và tiền sử của người bệnh, một số chẩn đoán nang tụy thường gặp được liệt kê dưới đây:

          +Nang giả tụy:  là một tổn thương dạng nang không ung thư (không tăng sinh) và thường có nguyên nhân do viêm tụy. Nang giả tụy cũng có thể xuất hiện sau chấn thương bụng, phẫu thuật vùng tụy.

          + Nang thanh dịch: có thể phát triển khá lớn, gây chèn ép các cơ quan khác. Từ đó, nó gây các biểu hiện như đau bụng và cảm giác đầy bụng, thường xuất hiện ở phụ nữ trên 60 tuổi và hiếm khi hoá ung thư.

          + U nang nhầy. Thường nằm ở thân hay đuôi tụy và thường gặp ở phụ nữ, lứa tuổi trung niên. U nang nhầy là u tiền ung thư, có nghĩa là sẽ tiến triển thành ung thư nếu không điều trị, ở những u nang nhầy có kích thước lớn khi phát hiện đôi khi đã ung thư hoá.

          + U nhú nhầy trong ống tụy (IPMNs) xuất hiện trong ống tụy chính hay các nhánh ống tụy. IPMN có thể là tiền ung thư hay đã ung thư hoá. U này có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, thường trên 50 tuổi. Tuỳ thuộc vị trí, có thể cần tới điều trị phẫu thuật. Với u nhú trong ống tụy chính cần điều trị phẫu thuật cắt tụy, với các tổn thương của các nhánh ống tụy có thể theo dõi định kỳ.

          + U đặc giả nhú tụy. Loại u này thường nằm ở thân hoặc đuôi tụy. Gặp ở phụ nữ trẻ hơn 35 tuổi. U này hiếm gặp và đôi khi có thể ung thư hoá, tuy nhiên tiên lượng điều trị rất tốt nếu được phẫu thuật (tỷ lệ khỏi bệnh sau mổ 90 – 95%).

          + U thần kinh nội tiết dạng nang: thường là u đặc nhưng cũng có thể ở dạng giống nang và thường bị chẩn đoán nhầm với các dạng nang khác của tụy. Khi được chẩn đoán khối u có thể là tiền ung thư hoặc đã ung thư hoá.

          Chỉ định điều trị bệnh lý nang tụy được đặt ra tùy thuốc vào loại, vị trí, tính chất và triệu chứng của từng loại nang. Với những tổn thương không tăng sinh, không có triệu chứng chỉ cần kiểm tra định kỳ, chỉ định dẫn lưu khi nang có kích thước lớn, gây các triệu chứng khó chịu. Thông thường, nang được dẫn lưu vào đườn tiêu hóa có thể qua can thiệp nội soi đường tiêu hóa hoặc mổ nối nang tụy với ống tiêu hóa (dạ dày hoặc hỗng tràng). Với những nang tăng sinh, có nguy cơ ung thư hóa cần phẫu thuật cắt tụy bán phần hoặc toàn bộ tùy vị trí, tính chất và mức độ tổn hương. Đây là một phẫu thuật lớn với nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng sau mổ.

          Tóm lại, nang tụy là một tổn thương thường gặp ở tụy, phần lớn là lành tính, với một số ít nang tăng sinh có nguy cơ ung thư hóa. Chính vì vậy khi phát hiện nang tụy người bệnh cần được khám chẩn đoán ở cơ sở y tế chuyên khoa để có biện pháp theo dõi, điều trị phù hợp.

 

 

 

TS.BS. Hồ Văn Linh

Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tuy, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa   

Chia sẻ