Dẫn lưu hồi tràng sau mổ cắt trước thấp trong điều trị ung thư trực tràng

  11:37 PM 28/05/2018
Hầu hết các bệnh nhân được phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng đều đối diện với tư vấn từ thầy thuốc về việc có hay không làm dẫn lưu hồi tràng bảo vệ miệng nối. Chúng tôi đưa ra một số thông tin giúp người bệnh hiểu biết thêm về vấn đề này.

Dẫn lưu hồi tràng kiểu quai sau mổ 2 tháng

Biến chứng chính sau mổ cắt trước thấp là nhiễm khuẩn vùng tiểu khung. Nhiễm khuẩn vùng tiểu khung thường ảnh hưởng đến quá trình liền miệng nối và có thể có các biểu hiện khác nhau: rò miệng nối, áp xe trước xương cùng, rò trực tràng âm đạo… Triệu chứng có thể xuất hiện sớm ngày thứ 2 sau mổ hay vài tuần sau ra viện và hậu quả có thể từ mức nhẹ đến mức đe dọa tính mạng. Theo các báo cáo trên thế giới tỷ lệ rò miệng nối và/hoặc nhiễm khuẩn vùng chậu có thể từ 2% đến 39%.

Nhiễm khuẩn tiểu khung được chia thành ba mức độ: Độ A là có rò miệng nối nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Độ B là rò hoặc áp xe điều trị bảo tồn không cần phẫu thuật lại. Độ C là rò hoặc áp xe yêu cầu mổ lại. Cũng theo các báo cáo biến chứng của rò hoặc áp xe tiêu khung có tỷ lệ tử vong từ 2% đến 24%. Theo một báo cáo tổng hợp từ 5 thử nghiệm ngẫu nhiên lớn về ung thư trực tràng cho thấy tỷ lệ sống 5 năm sau mổ là 66% ở những bệnh nhân có biểu hiện rò miệng nối hoặc áp xe tiểu khung trong khi tỷ lệ này là 74% ở những bệnh nhân không có biến chứng trên.

Làm dẫn lưu hồi tràng hoặc hậu môn nhân tạo cho thấy làm giảm tỷ lệ và mức độ trầm trọng của rò miệng nối hoặc áp xe tiêu khung do giảm lượng phân qua miệng nối hoặc vị trí rò. Một tổng hợp từ 6 thử nghiệm ngẫu nhiên đánh giá việc làm dẫn lưu hồi tràng thường quy và không làm dẫn lưu hồi tràng sau mổ cắt trước thấp trong điều trị ung thư trực tràng cho thấy giảm tỷ lệ rò có biểu hiện lâm sàng từ 19,6% xuống còn 6,3% và tỷ lệ rò phải mổ lại từ 16,1% xuống còn 3,9%, không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong sau mổ.

Như trên đã trình bày việc làm dẫn lưu hồi tràng làm giảm tỷ lệ xuất hiện rò và làm giảm ức độ trầm trọng của rò miệng nối nếu có tuy nhiên nó đòi hỏi bệnh nhân phải mổ thêm lần nữa để đóng dấn lưu hồi tràng, có thể có những biến chứng của dẫn lưu hồi tràng và giảm chất lượng sống của bệnh nhân liên quan đến dẫn lưu hồi tràng. Vì thế câu hỏi đặt ra là liệu làm dẫn lưu hồi tràng sau mổ cắt trước thấp điều trị ung thư trực tràng cho tất cả các bệnh nhân hay chỉ làm cho những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ về miệng nối? Những nguy cơ về vấn đề miệng nối được một số tài liệu miêu tả như: miệng nối ở thấp (khoảng cách miệng nối đến mép hậu môn ngắn), bệnh nhân nam giới, bệnh tiến triển hoặc di căn, hút thuốc lá, tỷ lệ albumin thấp, đái tháo đường, tuổi cao, bệnh nhân phải truyền máu và vấn đề kỹ thuật mổ. Việc điều trị bổ trợ trước mổ cho đến nay chưa được chứng minh làm tăng nguy cơ về vấn đề miệng nối. Trong thực hành điều trị, với phẫu thuật viên rất khó khăn để tiên lượng nhóm bệnh nhân nào là có yếu tố nguy cơ cao cần làm dẫn lưu hồi tràng.

Tại Bệnh viện TƯQĐ 108 việc chỉ định làm dẫn lưu hồi tràng sau mổ cắt trước thấp dựa trên một số yếu tố nguy cơ như: nối gian cơ thắt, miệng nối cực thấp, gặp khó khăn về kỹ thuật và sau xạ trị tiền phẫu. Một số chú ý khi chăm sóc dẫn lưu hồi tràng như: gián túi không để hở da, không thay túi hậu môn hàng ngày…Thời gian đóng lại dẫn lưu hồi tràng sau 2-4 tuần ở những bệnh nhân không có xạ trị tiền phẫu và từ 2 đến 6 tháng với bệnh nhân hóa xạ trị tiền phẫu.
 
BS. Nguyễn Tô Hoài
Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa – Viện Phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện TWQĐ 108
Chia sẻ