Phẫu thuật nội soi lấy u tuyến yên qua đường xoang bướm

  06:53 PM 21/05/2017
U tuyến yên là các khối u xuất phát từ thùy trước tuyến yên. Theo nhiều nghiên cứu, u tuyến yên chiếm 5-15%/ tổng số các u nội sọ nguyên phát, đứng hàng thứ ba sau u tế bào thần kinh đệm (Glioma) và u màng não (Meningioma). Trong đó, hơn 99% là u lành tính và thường phát triển rất chậm. Về lâm sàng, u tuyến yên được chia thành 2 nhóm chính là: u không tăng tiết và u tăng tiết hormone. Nếu là u tăng tiết, biểu hiện lâm sàng sớm là các rối loạn nội tiết như vô sinh, vô kinh, tăng tiết sữa, to cực… Nếu là u không tăng tiết thì thường phát hiện muộn bởi các dấu hiệu về mắt như giảm thị lực, thu hẹp thị trường.

Điều trị u tuyến yên cần phối hợp nhiều chuyên khoa như phẫu thuật, nội tiết và xạ trị, trong đó phẫu thuật vẫn là chủ yếu. Phẫu thuật u tuyến yên được thực hiện đầu tiên bởi Horsley năm 1889 mổ qua đường mở nắp sọ vùng trán. Năm 1907, Scholoffer đã tiến hành mổ lấy u qua mũi. Năm 1959, Guiot và Thibaut mổ lấy u qua xoang bướm. Năm 1969, Hardy đã sử dụng kính hiển vi phẫu thuật trong việc lấy u và đã trở thành phương pháp chủ yếu điều trị loại bệnh lý này. Tuy nhiên, kính vi phẫu cũng có nhược điểm là đường vào hẹp và sâu nên ánh sáng yếu khó khăn cho việc lấy u. Gần đây nhiều Trung tâm Phẫu thuật thần kinh trên thế giới cũng như Việt Nam đã áp dụng phương pháp lấy u nội soi qua đường xoang bướm với nhiều ưu điểm như ánh sáng tốt, quan sát rõ ràng chi tiết hơn làm tăng khả năng lấy u và giảm các biến chứng. Đặc biệt với sự trợ giúp của hệ thống định vị dẫn đường (Navigation), cho phép phẫu thuật an toàn và lấy u triệt để hơn.

Phẫu thuật nội soi u tuyến yên qua đường xoang bướm mới được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2010. Các nghiên cứu cho thấy, phẫu thuật nội soi lấy u qua đường xoang bướm bước đầu thu được kết quả rất tốt so với các phương pháp phẫu thuật khác. Đến nay tại Bệnh viện TƯQĐ 108, Khoa Ngoại thần kinh với Khoa Tai mũi họng triển khai kỹ thuật này một cách thường quy cho các bệnh nhân và cho kết quả khả quan.

Hình ảnh minh họa:

Hình 1. Hệ thống định vị Stealthstation S7

Hình 2. Hệ thống nội soi Endoskope – Karl Storz

Hình 3. Hình ảnh mô phỏng kỹ thuật mổ lấy u

Hình 4. Lấy bỏ vách xoang bướm

Hình 5. Cắt bỏ vách xoang bướm và bộc lộ vùng tuyến yên.

Hình 6. Lấy u


Hình 7. Đóng sàn hố Yên
Trước mổ                                                       Sau mổ

Hình 8. Hình ảnh kết quả sau mổ nội soi lấy u

 
BS. Nguyễn Thanh Tuấn
Khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ