Phẫu thuật tạo hình khuyết hổng xương sọ

  02:00 PM 09/04/2020

1. Đại cương

Tạo hình khuyết hổng xương sọ (Cranioplasty) là phẫu thuật sửa chữa một khuyết hổng xương sọ có thể do bẩm sinh, sau chấn thương sọ não, sau các phẫu thuật mở sọ giải áp (điều trị phù não do chấn thương, đột quỵ…) , phẫu thuật cắt u xương sọ, viêm tiêu xương sọ…

Một khuyết hổng sọ nếu không được giải quyết có thể gây nhiều bất lợi cho bệnh nhân như:

- Thiếu an toàn do não không được che chắn.

- Thiếu tính thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp.

- Hội chứng giảm áp lực trong sọ gây chóng mặt, đau đầu, yếu liệt, suy giảm ý thức, rối loạn cơ vòng...

- Động kinh.

- Chậm phát triển tâm thần kinh.

Hình 1. Hình ảnh khuyết hổng sọ trên lâm sàng và cắt lớp vi tính 3D

2. Phẫu thuật tạo hình khuyết hổng xương sọ

Hiên nay, có 2 phương pháp chính tạo hình khuyết hổng xương sọ:

- Ghép sọ tự thân.

- Ghép sọ bằng các vật liệu nhân tạo như: xi măng sinh học, vật liệu Carbon, vật liệu PEEK, lưới Titanium…

2.1. Phẫu thuật ghép sọ tự thân

Phẫu thuật này thường được áp dụng sau các phẫu thuật mở sọ giải áp điều trị phù não (do chấn thương, đột quỵ, phẫu thuật…). Mảnh sọ sau khi được cắt ra sau phẫu thuật lần đầu thường được chuyển đến các Ngân hàng mô để bảo quản. Tại Hà Nội có 2 Ngân hàng mô bảo quản theo chuẩn, đó là Ngân hàng mô của Viện Bỏng Quốc Gia và Đại học Y khoa Hà Nội. Mảnh xương sọ được tiệt trùng bằng tia Gamma và được giữ cấp đông ở nhiệt độ -85 độ C. Với điều kiện như vậy, theo hướng dẫn của Tổ chức Y Tế Thế giới, mảnh xương sọ có thể bảo quản với thời gian tới 5 năm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khuyến cáo phẫu thuật đặt lại bản sọ tự thân tốt nhất nên được thực hiện trong khoảng từ 3 đến 9 tháng sau mở sọ lần đầu, tùy từng người bệnh. Khoảng thời gian giữa hai cuộc phẫu thuật càng dài thì nguy cơ viêm rò, tiêu sập xương sọ sau phẫu thuật đặt lại bản sọ càng lớn do phản ứng đào thải của cơ thể và độ bền giảm của mô sọ do thời gian bảo quản kéo dài.

Mảnh sọ cắt ra được đặt lại vị trí cũ cho bệnh nhân thường vừa khít, vừa đủ với vị trí khuyết sọ của người bệnh. Một số nghiên cứu đã ghi nhận biến chứng viêm rò, tiêu sập mảnh ghép xương sọ sau phẫu thuật đặt lại bản sọ. Đối với các trường hợp này, thông thường phải tháo bỏ mảnh ghép để điều trị viêm ổn định. Phẫu thuật tạo hình vùng khuyết xương sọ được tiến hành sau khi tình trạng viêm tại chỗ ổn định 9 - 12 tháng với các mảnh ghép sọ bằng vật liệu nhân tạo.

Hình 2. Phẫu thuật ghép sọ tự thân (đặt lại bản sọ)

Trong một số trường hợp, mảnh ghép xương sọ nhỏ hơn so với diện khuyết hổng sọ, có thể kết hợp tạo hình vùng khuyết bằng xương sọ tự thân và bổ sung vùng khuyết bằng các vật liệu nhân tạo (lưới Titanium, Xi măng nhân tạo, Carbon…) (hình 3).

Hình 3. Phẫu thuật đặt lại xương sọ kết hợp tạo hình bằng lưới Titanium

2.2. Phẫu thuật tạo hình vùng khuyết bằng vật liệu nhân tạo

Phẫu thuật tạo hình vùng khuyết bằng vật liệu nhân tạo được áp dụng cho các trường hợp:

- Ghép thì đầu, được tiến hành ngay sau phẫu thuật cắt u xương sọ, u xâm lấn xương sọ, khuyết sọ bẩm sinh, chấn thương sọ não kín gây lún sọ…

- Ghép thì hai, được tiến hành sau các phẫu thuật:

+ Vết thương sọ não hở gây vỡ vụn, vỡ nát xương sọ.

+ Viêm rò mảnh sọ tự thân sau phẫu thuật ghép sọ thì đầu. Lúc này cần phải mổ tháo mảnh sọ viêm, nạo rò. Phẫu thuật tạo hình bằng chất liệu nhân tạo chỉ được thực hiện ít nhất 9 tháng khi tình trạng viêm tại chỗ ổn định.

+ Viêm tiêu mảnh ghép xương sọ. Mảnh sọ sau khi đặt vào có biểu hiện tiêu theo thời gian (thường xuất hiện 6 tháng sau mổ thì đầu), làm cho diện khuyết xương lõm dần.

+ Theo nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh, nhất là khuyết xương vùng da đầu không có tóc như vùng trán, thái dương.

3. Công nghệ in 3D trong tạo hình khuyết hổng xương sọ

Việc tạo hình một khuyết xương sọ bằng chất liệu nhân tạo đảm bảo thẩm mỹ luôn là khó khăn, thách thức của các phẫu thuật viên. Đặc biệt, vùng khuyết xương sọ là những vùng cần yêu cầu thẩm mỹ cao như vùng gốc mũi, xương trán, thái dương… hay diện khuyết sọ lớn. Trong tường hợp này, nếu tạo hình không khéo thì hộp sọ sẽ không được tròn trịa, cong vênh và khi đặt vào vị trí khuyết sẽ không hợp. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật tạo miếng ghép nhân tạo 3D đã được áp dụng khá phổ biến. Công nghệ 3D giúp tạo miếng ghép phù hợp với hình dáng, kích thước của diện khuyết xương, chính vì vậy đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ cao. Bệnh nhân khuyết sọ chụp cắt lớp vi tính đa dãy để tạo dữ liệu 3D của diện khuyết sọ. Dữ liệu này sau đó được sử lý, tạo hình, sản xuất mảnh ghép nhân tạo phù hợp với diện khuyết xương của bệnh nhân (hình 4). Chất liệu nhân tạo có thể là xi măng sinh học, lưới Titanium, Carbon… tùy theo sự lựa chọn của thày thuốc và bệnh nhân.

Hiện nay, Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện TƯQĐ 108 đã áp dụng thường quy các kỹ thuật nói trên, nhất là công nghệ in 3D hiện đại, mang lại hiệu quả an toàn và thẩm mỹ trong điều trị tạo hình khuyết hổng xương sọ.

   

Hình 4. Tạo hình lưới titanium bằng công nghệ in 3D

BS Đặng Hoài Lân - Khoa Ngoại thần kinh

Chia sẻ