Những điều cần biết về chụp X-quang tử cung – vòi trứng

  08:50 AM 29/10/2021
Chụp X-quang tử cung vòi trứng (tên tiếng Anh là Hysterosalpingography - HSG) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp quan sát bên trong buồng tử cung và các ống dẫn trứng (vòi trứng, vòi tử cung).

 

Ở phương pháp này, thuốc cản quang được bơm qua cổ tử cung với áp lực thấp. Vì tử cung và vòi trứng thông thương nhau nên chất cản quang sẽ chảy vào cả tử cung và vòi trứng. Sau đó, chụp các phim X quang tử cung vòi trứng, bác sĩ sẽ thấy được hình ảnh của tử cung và vòi trứng phát hiện được những bất thường ở cổ tử cung, buồng tử cung và vòi trứng 2 bên. Và sau đây là những vấn đề bệnh nhân thường mong muốn được giải đáp về chụp X-quang tử cung – vòi trứng.

1. Chụp X-quang tử cung – vòi trứng được chỉ định trong những trường hợp nào?

- Chụp X-quang tử cung – vòi trứng có cản quang sẽ được tiến hành để chẩn đoán nguyên nhân vô sinh đối với các trường hợp khó thụ thai hoặc tiền sử thai sản bất thường (VD như sảy thai nhiều lần).

- Chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang giúp chẩn đoán một số bệnh lý phụ khoa

Một số nguyên nhân chủ yếu được phát hiện bởi kỹ thuật này bao gồm:

+ Do bất thường trong cấu trúc của tử cung (có thể do bẩm sinh hoặc di truyền).

+ Tắc nghẽn ống dẫn trứng.

+ Tồn tại mô sẹo trong tử cung.

+ U xơ tử cung.

+ Khối u tử cung hoặc polyp tử cung.

- Bên cạnh đó, kỹ thuật chẩn đoán này có thể được tiến hành vài tháng sau phẫu thuật thắt ống dẫn trứng để đảm bảo phẫu thuật có thành công hay không.

2. Những trường hợp nào thì không nên chụp X-quang tử cung – vòi trứng?

- Mang thai.

- Đang bị viêm nhiễm vùng chậu.

- Có xuất huyết tử cung ở mức độ nặng.

3. Thời điểm nào thích hợp để chụp X-quang tử cung – vòi trứng?

- Chụp X-quang tử cung vòi trứng thường được thực hiện sau khi kết thúc kinh nguyệt vài ngày ( tốt nhất là từ 6-11 ngày ). Việc này đảm bảo bệnh nhân không mang thai cũng như giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình thực hiện thủ thuật.

4. Chụp X-quang tử cung – vòi trứng có đau không?

- Ở một số bệnh nhân khi chụp có thể gây đau, vì vậy bác sỹ sẽ xem xét kê thuốc giảm đau cho bệnh nhân trước khi chụp.

5. Sau khi chụp X-quang tử cung – vòi trứng có nên có thai ngay không?

  Chụp tử cung vòi trứng là thủ thuật an toàn, không gây bất cứ ảnh hưởng gì tới sức khỏe sinh sản của chị em. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thủ thuật này, chất cản quang được đưa vào sẽ chảy ra khỏi âm đạo,có thể dẫn tới tình trạng chảy máu âm đạo sau vài ngày. Nếu chụp tử cung vòi trứng xong có thai và kèm theo hiện tượng chảy máu âm đạo, hãy tới cơ sở y tế có uy tín để gặp bác sĩ.

  Sau khi chụp tử cung vòi trứng, trong trường hợp cần thiết bác sỹ sẽ yêu cầu uống thuốc kháng sinh để tránh tình trạng viêm nhiễm tử cung, viêm vòi trứng. Tuy nhiên, nếu sau khi chụp tử cung vòi trứng xong có thai, bạn sẽ không nên sử dụng thuốc này bởi nó có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Chính vì thế, các bác sĩ thường khuyến cáo sau khi chụp tử cung vòi trứng không nên có thai ngay mà nên đợi tới khi chất cản quang bị đào thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể cũng như đợi đến khi cơ thể ổn định trở lại bình thường.

  Do đó sau khi chụp tử cung vòi trứng, chị em không nên quan hệ tình dục ngay mà để tới chu kỳ sau để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thai nhi. Việc quan hệ trở lại quá sớm cũng có thể khiến cơ quan sinh dục bị viêm nhiễm hơn.

6. Chụp X-quang tử cung – vòi trứng có thể gây ra những phản ứng không mong muốn nào ?

- Co thắt và chảy máu âm đạo.

- Chóng mặt, choáng váng.

- Đau vùng bụng dưới.

Tuy nhiên, một số ít trường hợp có khả năng gây ra:

- Phản ứng dị ứng với thuốc cản quang.

- Nhiễm trùng vòi trứng/niêm mạc tử cung .

- Chấn thương tử cung (ví dụ như thủng)...

  Trên đây là một số thắc mắc thường gặp của chị em về chụp X-quang tử cung – vòi trứng . Hiện nay kỹ thuật này được thực hiện tại khoa X-quang chẩn đoán thuộc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện TWQĐ 108, góp phần vào việc chẩn đoán chính xác các nguyên nhân vô sinh và một số bệnh lý sản phụ khoa thường gặp.

 

BS. Trương Thị Thảo Hương

Khoa X-quang chẩn đoán

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chia sẻ