Cảnh báo: Loét tì đè – mối nguy hiểm thầm lặng cho người nằm bất động dài ngày!

  8 giờ trước
Gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 tiếp nhận bệnh nhân nam, 20 tuổi, vào Bệnh viện TWQĐ 108 điều trị bởi tình trạng sốt kéo dài, yếu liệt 2 chi dưới. Sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán xác định: Bệnh mô liên kết hỗn hợp – Suy tim. Đồng thời sau thời gian dài nằm tại giường, vùng cùng cụt của bệnh nhân xuất hiện vết loét kích thước 5x6cm, sâu 2cm, tổn thương ban đầu có nhiều giả mạc, hình thành nhiều hang hốc.

Bệnh nhân được điều trị phối hợp nhiều phương pháp, trong đó điều trị tại chỗ bằng hút áp lực âm liên tục nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 5 ngày. Sau khi tổn thương không còn giả mạc, tổ chức hạt phát triển tốt, các bác sĩ khoa Phẫu thuật và Chăm sóc Da, Trung tâm Da liễu – Dị ứng tiến hành phẫu thuật che phủ tổn khuyết bằng vạt có cuống. Sau phẫu thuật 15 ngày, bệnh nhân được xuất viện, vạt da hồng ấm, tổn khuyết được che phủ hoàn toàn. Bệnh nhân điều trị duy trì bệnh lý hệ thống, tập vận động phục hồi chức năng.

Nam bệnh nhân xuất hiện vết loét tì đè sau nhiều ngày nằm bất động 

Các bác sĩ đã xử trí tình trạng loét tì đè 

TS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật và Chăm sóc da cho biết: Hiện nay, loét tì đè (pressure sore) là một trong những vấn đề về chăm sóc y tế được quan tâm trên toàn cầu. Loét tì đè là tình trạng tổn thương da và/hoặc mô dưới da do áp lực kéo dài tại một vị trí trên cơ thể. Tổn thương thường xảy ra ở các vùng có lồi xương và trên đối tượng phải nằm tại chỗ trong thời gian dài mà không được chăm sóc thoả đáng như: người bệnh nằm ICU, người cao tuổi, người khuyết tật,…

Loét tì đè thường xuất hiện ở các vị trí như: bàn chân (mắt cá, gót chân, bờ ngoài bàn chân, ngón cái), vùng cùng cụt, vùng mông (ụ ngồi), vùng hông (mấu chuyển lớn), vai (khớp vai, xương bả vai), vùng đầu (sau đầu, tai) hay cả những vùng như mặt sau cẳng chân, lưng.

Loét tì đè trải qua 4 giai đoạn (4 phân độ theo Hội đồng Tư vấn loét quốc gia Mỹ 2007) với các biểu hiện khác nhau. Hai giai đoạn đầu tổn thương ở mức độ nông, nếu được chăm sóc đúng cách nhằm giảm áp lực cũng như ngăn ngừa tổn thương lan rộng và bội nhiễm, vết loét có thể phục hồi. Hai giai đoạn sau là hai giai đoạn đã tổn thương toàn bộ lớp da, cần điều trị và chăm sóc tích cực bởi nhân viên y tế, phối hợp nhiều phương thức khác nhau. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, loét tì đè có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, hoại tử, thậm chí đe dọa tính mạng.

TS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa cũng khuyến cáo: người bệnh và người nhà người bệnh cần chủ động phòng ngừa loét tì đè như sau: thay đổi tư thế nằm mỗi 2 giờ/lần; dùng đệm nước, đệm hơi hoặc đệm chống loét; vệ sinh da sạch sẽ, giữ da khô thoáng; massage nhẹ nhàng vùng tì đè 2–3 lần/ngày; cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và nước cho bệnh nhân; tập vận động thụ động nếu bệnh nhân không thể tự vận động.

Ngoài ra, người nhà người bệnh còn cần nhận biết những dấu hiệu sớm của loét tì đè để tham khảo ý kiến chuyên môn của nhân viên y tế kịp thời: đỏ da không mất đi khi ấn nhẹ tại vị trí tì đè; da ấm hoặc lạnh hơn vùng xung quanh; có cảm giác đau, rát hoặc ngứa ở vùng tì đè; da đổi màu (xanh tím, đen, vàng); xuất hiện vết loét, có dịch tiết, có mùi hôi. Dấu hiệu xuất hiện vết loét là đặc điểm xuất hiện ở giai đoạn sau. Khi xuất hiện dấu hiệu này cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời.

BS. Bùi Phương Linh –

Khoa Phẫu Thuật và Chăm Sóc Da, Bệnh viện TWQĐ 108

 

Chia sẻ