Chia sẻ kiến thức chăm sóc người cao tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

  07:00 PM 06/06/2024
Chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn và phòng tránh bệnh tật cho người cao tuổi đang là vấn đề được người thân cũng như toàn xã hội ngày càng quan tâm. Hưởng ứng ngày 83 năm Ngày Truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941-6/6/2024), hôm nay, Khoa Bệnh Cấp tính và Cấp cứu (A1-C), Viện Điều trị Cán bộ cao cấp Quân đội, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tổ chức buổi giáo dục sức khỏe với chủ đề “ Chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”.

Toàn cảnh buổi giáo dục sức khoẻ

Thông qua buổi giáo dục sức khỏe, người bệnh, người nhà người bệnh được cung cấp kiến thức về một số bệnh lý thường gặp, chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập thể dục, thể thao và chế độ nghỉ ngơi hợp lý… Các bác sĩ cũng giải đáp thắc mắc, tư vấn một cách đầy đủ, dễ hiểu những vấn đề về việc tự chăm sóc sức khoẻ bản thân, từ đó nâng cao chất lượng sống, giúp người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống có ích, giảm bớt được phần nào gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trung tá, TS.BS Đinh Thị Hải Hà - Phụ trách Viện trưởng kiêm phụ trách Chủ nhiệm khoa Bệnh cấp tính và cấp cứu (A1-C) tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người bệnh, người nhà người bệnh trong buổi giáo dục sức khỏe

Theo TS.BS Đinh Thị Hải Hà, người cao tuổi thường có xu hướng mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy dinh dưỡng và cả những vấn đề về nhận thức, chức năng hoặc xã hội. Tất cả những điều này đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi đến tuổi xế chiều, người cao tuổi thường có nhiều thay đổi về mặt tinh thần và thể chất, biểu hiện ở những yếu tố sau:  

Người cao tuổi thường cảm thấy cô đơn vì ít nhận được sự quan tâm, hỏi han từ phía con cháu. Họ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý như cô đơn, lo âu, hoài cổ, nóng nảy hay bi quan, ... Trầm cảm, lo âu và buồn chán càng khiến người cao tuổi thấy thiếu nghị lực và mất dần niềm tin để chống chọi lại với những vấn đề sức khỏe ở tuổi già.

Người cao tuổi phải đối mặt với những thay đổi về sinh lý và thể chất. Cơ thể không còn nhanh nhẹn, lại thêm việc lớn tuổi phải nghỉ hưu, không còn làm việc như trước nữa nên dễ khiến người già trở nên tủi thân, cảm thấy bản thân vô dụng, không được tôn trọng, dễ cáu gắt, muốn được chú ý đến.

Người cao tuổi thường ăn uống không ngon miệng, hệ tiêu hoá hấp thu kém, thường mắc nhiều bệnh lý về tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, thận càng khiến sức khỏe suy yếu, sức đề kháng kém, gầy sụt. Vì vậy khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần đặc biệt chú ý tới chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ chất.

Được sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng uỷ, Chỉ huy Viện Điều trị Cán bộ cao cấp Quân đội, cán bộ nhân viên đã thực hiện việc tích cực quan tâm, chăm sóc người cao tuổi khi vào Viện một cách tận tâm, chu đáo, tình cảm.

Cán bộ nhân viên Viện Điều trị Cán bộ cao cấp Quân đội luôn nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với thế hệ đi trước, bậc ông bà, cha mẹ, vì vậy đã không ngừng trau dồi cả kiến thức lẫn y đức, cầu thị học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, thông tin, kỹ thuật mới, vận dụng phương pháp điều trị phù hợp trên từng người bệnh một cách tốt nhất, trả lại sức khoẻ, niềm vui, sự hài lòng cho các bệnh nhân cao tuổi. 

Khoa Bệnh Cấp tính và Cấp cứu (A1-C) tặng quà cho người bệnh

Khoa Bệnh Cấp tính và Cấp cứu (A1-C), Viện Điều trị Cán bộ cao cấp Quân đội, Bệnh viện TWQĐ 108

Truyền thông Bệnh viện

 

Chia sẻ