Thiếu tướng GS.TSKH Bùi Đại - người thầy thuốc giàu lòng nhân ái vị tha

  02:58 PM 24/09/2020
Ông sinh ngày 30/9/1924 tại Thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam trong một gia đình nho giáo tiến bộ nho giáo tiến bộ,giàu lòng nhân đức. Ngay từ thời thơ ấu, cậu học sinh nhỏ bé này đã rất ham học và học giỏi lại kéo violon rất hay nên gia đình cho lên học ở trường Bưởi, sau đó thi vào trường Đại học Y Hà Nội, vừa học tập vừa hoạt động tích cực trong phong trào Tổng hội sinh viên.

 

Cách mạng tháng tám thành công, mở ra một chân trời mới cho tầng lớp trí thức trẻ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tinh thần Cách mạng và học tập được nhân lên gấp bội. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ”, anh đã “xếp bút nghiên” xung phong vào phục vụ trong ngành y quân đội với chức trách Trưởng ban điều trị ở các Đội điều trị hoặc Bệnh viên dã chiến.

Năm 1954 cấp trên bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kế hoạch Cục Quân y. Được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt của đồng chí Cục trưởng, anh đã lập kế hoạch bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, cứu chữa thương bệnh binh, dân công hỏa tuyến và nhân dân địa phương trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ góp phần to lớn để ngành quân y hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trên đánh giá cao. Ngoài ra, các Đội điều trị của ta ở Điện Biên Phủ còn cứu chữa cho 858 tù binh (trong đó có 22 bác sĩ, y sĩ và nhiều y tá Âu phi). Cũng ở chiến dịch này, anh đã thu lượm được nhiều số liệu khoa học về chuyên khoa dịch tễ, nhiều bài học kinh nghiệm về chỉ huy chiến thuật quân y, về quân dân y kết hợp mà trước đó mới chỉ được học trên lý thuyết.

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, anh được điều về làm Chủ nhiệm Khoa Truyền Nhiễm Viện Quân y 108, sau đó lại được điều về làm Viện phó, rồi Viện trưởng Bệnh viện Thực hành 103 kiêm Hiệu Phó trưởng Đại học Quân y.

Trong chiến tranh chống Mỹ, nước ta đứng trước thử thách quyết liệt, đọ sức với tên Đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, lại một lần nữa Bác của chúng ta trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Dù có phải đốt cháy cả dãy trường sơn, nhân dân Việt Nam cũng quyết tâm giải phóng Miền Nam, giành thống nhất Tổ quốc”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, hàng vạn cán bộ quân, dân, chính, đảng lớp lớp “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, tiếp theo là nhiều đoàn thanh niên xung phong, nhiều binh đoàn chủ lực, nhiều binh chủng, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt, tài giỏi của ngành quân y, nhiều Tổ phẫu thuật, nhiều Đội điều trị, nhiều Bệnh viện dã chiến hồ hởi vượt Trường sơn. Chuyên viên Bùi Đại đã không chỉ một lần được cấp trên tin cậy cử đi giải quyết một số vụ dịch quan trọng ở chiến trường miền nam. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, “luôn luôn phải bám sát bộ đội, bám sát thương bệnh binh để phục vụ” được tốt hơn nên sau này anh còn chủ động xin đi B2, B3, Tây Nguyên và cả bên nước bạn Lào mà anh biết rất rõ là những chiến trường vô cùng ác liệt và gian khổ để có thể chủ động hơn về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là cách phòng chống và điều trị sốt rét (diệt muỗi, xua muỗi, mặc áo dài tay, nằm màn, phun thuốc, diệt bọ gậy...), nhất là sốt rét ác tính đã gây ra nhiều tử vong, giảm sút quân số chiến đấu và công tác của quân đội và nhân dân. Kế hoạch và biện pháp thực hiện cụ thể của anh đã được Cục phó Cục Hậu cần kiêm Trưởng phòng Quân y, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo hết sức hoan nghênh và nhất trí cao, được các đơn vị bộ đội, Thanh niên xung phong và quần chúng nhân dân tự giác, vui vẻ, hết lòng thực hiện, mà người thực hiện gương mẫu nhất là anh, và những người lính quân y cùng các chiến sĩ vệ sinh.

Trong một lần hành quân cấp tốc của anh từ khu 4 sang Trung Hạ Lào để chỉ đạo trực tiếp chống một vụ dịch lớn đe dọa không chỉ nước bạn mà còn uy hiếp cả vùng sát biên giới Việt Nam. Anh phải vượt qua hàng trăm cây số đèo cao, suối sâu dưới đạn bom của bọn giặc trời Mỹ, bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng Trung Quốc. vậy mà anh còn đèo theo được một cơ số thuốc, hóa chất cần thiết cùng một ít trang thiết bị phục vụ cho phòng chống dịch. Tới nơi, chẳng kịp nghỉ ngơi, gặp ngay quân y đơn vị vừa hành quân vừa trao đổi kế hoạch bao vây, cách ly ổ dịch, xử lý nguồn nước, nguồn chất thải, vệ sinh thực phẩm, lập các chốt kiểm dịch, tổ chức nhân dân địa phương cùng với các đơn vị bộ đội tham gia tổng vệ sinh, luyện tập, bảo vệ sức khỏe. Cứ như vậy, đội quân của anh tiến sâu vào sào huyệt ổ dịch để tiêu diệt.

Thực hiện đúng phương châm bao vây, đánh nhanh, tiêu diệt gọn, đạt hiệu quả cao, vững chắc. Kết thúc thắng lợi, khi liên hoan chia tay, các cán bộ, chiến sĩ Pa-thét Lào và nhân dân vẫn chưa biết ai là người chỉ huy cao nhất để “tặng đầu gà” và khi hành quân có người đi theo “khoác ba-lô”. Sau này, có lần anh tâm sự với chúng tôi: “Tôi qua Lào nhiều lần, có lần chữa bệnh cho cả gia đình Tổng Bí thư Cay-Sỏn. Hai bác rất bình dân, thương bộ đội Việt Nam và Pa-Thét Lào nhiều gian khổ, càng nhắc nhở tôi ghi sâu lời Bác dặn “Giúp bạn là tự giúp mình”. Lúc đó sức khỏe của mình thật xung mãn, lúc nào xe đạp của Bùi Đại cũng vượt lên trước và chỉ với một ý nghĩ “mong sao sớm tới đích để phục vụ kịp thời”. Chống dịch như chống hỏa mà!” Kể xong anh cười rất thoải mái.

Ngoài nhiệm vụ chính mà anh đã nỗ lực hoàn thành, anh còn thu lượm được nhiều số liệu từ các bạn đồng nghiệp trẻ, từ các cơ sở quân dân y, giúp cho công tác nghiên cứu khoa học được chính xác và cho anh có thêm nhiều kinh nghiệm chỉ đạo vệ sinh phòng dịch toàn quân cũng như bảo vệ luận án Tiến sĩ, được Hội đồng Giáo sư y học Liên Xô (cũ) đánh giá rất cao. Về nước, anh được giao nhiệm vụ Viện trưởng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thay vì Giáo sư Nguyễn Thế Khánh đi nhận nhiệm vụ mới cao hơn. Điều nổi bật ở anh nữa là luôn luôn khắng định sự lãnh đạo của Đảng là nguồn gốc quyết định cho mọi thành

công của đơn vị, vì vậy anh rất gương mẫu và nghiêm túc thực hiện mọi chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và của Đảng ủy Bệnh viện trên nguyên tắc tập trung dân chủ cao, năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, không bao giờ tranh công đổ lỗi, luôn sát cánh cùng Bí thư Đảng ủy (Lê Văn Đính) giải quyết các khó khăn để phục vụ thương binh bệnh binh và cán bộ công nhân viên trong bệnh viện được tốt nhất, mặc dù tôi chỉ là bậc đàn em, học trò của anh. Để chuẩn bị cho các nghị quyết được đúng đắn và đầy đủ đi vào cuộc sống khi thực hiện, anh chủ động đề xuất phải có một Hội đồng khoa học do chính anh làm chủ tịch để tận dụng được mọi trí tuệ cùng tham gia đóng góp, sau đó công khai thảo luận góp ý rộng rãi của quần chúng rồi mới đưa ra hội nghị Đảng ủy thông qua. Qua việc thực sự dân chủ như vậy, cả viện như được thổi một luồng không khí mạnh, thực sự đổi mới trong tư tưởng, tăng thêm lòng tin vào Đảng và phấn khởi trong hành động.

Một điều nữa, mà cả hai chúng tôi đều quan tâm là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững vàng về chính trị, có trình độ chuyên sâu về chuyên môn kỹ thuật, có tay nghề giỏi, đáp ứng được các nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài 5 năm, 10 năm tới, cố gắng đuổi

khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là kịp một số nước trong khu vực.

Anh đã đề xuất và được cấp trên cho phép xây dựng và

thêm một số khoa mới, đáp ứng cho yêu cầu về chẩn đoán, cấp cứu, điều trị chất lượng cao. Để thực hiện được tốt nhiệm vụ này, trước hết phải có kế hoạch tuyển lựa bổ xung, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ đưa đi đào tạo, tự viện đào tạo và tự bản thân học tập rèn luyện, sau đó có kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn và thời gian của viện đề ra. Khi nhận nhân viên mới chỉ nhận những người có lý lịch tốt, bác sĩ giỏi, bác sĩ nội trú hoặc đã là nguồn phát triển của Cục cán bộ... Đây chính là nền móng của một bệnh viện đa ngành, đa lĩnh vực, có một số lĩnh vực chuyên sâu thực hiện được chức năng Viện - Trường, bước đầu đã được Bộ Quốc Phòng do Thượng tướng Đào Đình Luyện ký duyệt về tổ chức và biên chế.

Ngoài đóng góp về chủ trương, kế hoạch đào tạo cán bộ, anh còn tham gia trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn và giúp đỡ hàng trăm bác sĩ trẻ làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa cấp 1, cấp 2, các báo cáo chuyên đề, nhất là về lĩnh vực dịch tễ học và truyền nhiễm ở các Hội nghị trong nước và quốc tế để bổ xung lực lượng cán bộ chuyên sâu cho quân đội và dân y.

Một công lao to lớn nữa của anh là đã dày công biên soạn được 15 tập sách chuyên đề cho sau và trên đại học, có

49 công trình nghiên cứu khoa học được in trên các tạp chí y học trong nước và thế giới, 45 báo cáo khoa học ở các Hội nghị trong nước và quốc tế, đóng góp to lớn về lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển ngành truyền nhiễm Việt Nam cũng như công tác phòng chống dịch trong quân đội và ngoài xã hội. Còn một trách nhiệm cao cả mà không công khai, rất ít người biết tới. Đó là chức Phó Chủ tịch Hội đồng bảo vệ sức khỏe Trung ương mà Bệnh viện 108 là Bệnh viện thực thi hầu hết các khâu quan trọng về chẩn đoán và điều trị cho cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước. Muốn làm được thật tốt việc quan trọng này phải có đồng bộ một đội ngũ từ hộ lý, y tá, kỹ thuật viên, bác sĩ chuyên khoa, chuyên viên kỹ thuật, chuyên viên đầu ngành giỏi, tổ cấp cứu thành thạo đến khâu quan trọng nữa là các bá sĩ tại nhà phải có trách nhiệm cao và trình độ chuyên môn, giỏi cập nhật, phát hiện báo cáo kịp thời... Đội ngũ trên phải thường xuyên rèn luyện, thực hành đồng bộ, tổng hợp, động tác thành thạo và thuần thục. Ngoài ra các máy móc trang thiết bị hiện đại dự trữ trong kho từ lâu đều phải được đưa ra để phục vụ, tránh lãng phí.

Anh đã đề xuất đưa các bệnh nhân là cán bộ cao cấp của quân đội trước đây chỉ nằm điều trị tại khoa A1 (Khoa cán bộ) thì nay bị bệnh nào về chuyên khoa ấy điều trị (có buồng riêng) như vậy sẽ tận dụng được kỹ thuật chuyên khoa sâu. Bổ nhiệm Chủ nhiệm khoa và các bác sĩ trẻ khỏe, có tay nghề giỏi đảm nhận mổ xẻ, phục vụ cán bộ cao cấp như Trung tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hiển đã xử trí 2 bệnh ngoại khoa cùng một lúc cho Chủ tịch Nu-Hắc; mổ cấp cứu, cứu sống Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện bị chảy máu dạ dày ồ ạt, huyết áp bằng 0; mổ ung thư tuyến giáp cho Tư lệnh Hải quân có nhiều khó khăn tưởng không vượt nổi, nhưng với kỹ thuật điêu luyện của cả kíp mổ, bệnh nhân đã sống khỏe mạnh thêm được hơn 10 năm. Anh đã cử bác sĩ Trần Liên, Chủ nhiệm Khoa A11 đi biên giới cấp cứu thành công “Nhồi máu cơ tim” rất nặng cho Trung tướng Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật đang công tác đặc biệt ở biên giới. Anh đã đề xuất và được Bộ Quốc Phòng cho phép được chữa bệnh cho nhân dân trong lúc các bệnh viện dân y đều quá tải do đó đã cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng hiểm nghèo đồng thời cũng duy trì và nâng cao thêm tay nghề lại có thêm thu nhập cho cán bộ công nhân viên bệnh viện.

Ngoài nhiệm vụ chính ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, anh còn là Chuyên viên đầu ngành về Dịch tễ học, về Sốt rét của quân đội. Anh đã dành thời gian cùng Khoa Truyền nhiễm và các cộng sự Khoa Dược nghiên cứu thành công chiết xuất được thuốc chữa sốt rét từ cây thanh hoa hoa vàng, giải quyết được nạn thiếu thuốc chữa sốt rét thường phải nhập từ nước ngoài bằng tiền ngoại tệ. Vì vậy, anh và tập thể khoa đã được nhận giải thưởng của Nhà nước.

Anh sống rất chân tình, nhân hậu, vị tha, tin cậy và thương yêu cán bộ. Với cấp trên anh rất tôn trọng, nhưng cũng thẳng thắn, trung thực, dám trình bày hết những suy nghĩ còn vướng mắc của mình; ý thức tự phê bình cao, không bao giờ tranh công, đổ lỗi.

Ở tuổi 92, nhưng sức lao động về trí óc của anh vẫn thuộc nhóm đặc biệt, hàng ngày vẫn tiếp thu khoa học, kỹ thuật trên mạng, đọc các sách báo trong nước và nước ngoài, vẫn đi các cơ sở, các viện, các trường, các hội thảo khoa học khi được mời cũng như chiều chiều thả bộ cùng GS. Nguyễn Thúc Tùng (96 tuổi) quanh bờ hồ Hồ Đắc Di, tự do tiếp xúc được nhiều với bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là với đông đảo quần chúng nhân dân. Từ đó mà anh có nhiều thực tế để góp ý với lớp trẻ, với chỉ huy lãnh đạo ở các cương vị khác nhau mỗi khi họ yêu cầu. Hôm gặp bác sĩ Nguyễn Thị Dần, vợ anh, chúng tôi nói vui: “Chị nuôi anh Đại thật tuyệt vời!” Chị cười: “Nuôi anh Đại dễ thôi vì anh sống rất giản dị, mỗi bữa chỉ nửa bát cơm muối vừng lạc, nửa bát cơm với rau, củ, quả, dễ tìm kiếm, không đắt đỏ, không cao sang, chế biến không cầu kỳ, chỉ có một yêu cầu là thực phẩm phải tươi, sạch, có địa chỉ tin cậy (cười) mua ở đâu cũng có”. Chị vui vẻ cho chúng tôi biết thêm anh Đại là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Các con, các cháu đều thành đạt trong mọi lĩnh vực công tác, cống hiến nhiều cho xã hội. Lúc nào bọn chúng cũng lấy tấm gương của anh để phấn đấu. (cười)”

Thiếu tướng Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân Bùi Đại là niềm vinh dự, tự hào của cả Ngành, cả Viện 108 chúng tôi. Nhân dịp ông 92 tuổi lại đúng năm kỷ niệm lần thứ 65 của Viện, chúng tôi kính chúc ông an khang trường thọ, mãi mãi là tấm gương sáng cho tất cả chúng tôi và các thế hệ mai sau noi theo. Xin kính tặng ông mấy câu thơ với tấm lòng quý mến và trân trọng.

“Anh hùng tiến sĩ quý dường bao Thầy thuốc Nhân dân mấy tự hào Cống hiến trọn đời cho Tổ quốc Ngàn năm lưu lại tiếng thanh cao”.

 

Đại tá Bác sĩ Lê Văn Đính, Nguyên Phó Giám đốc Chính trị , Bí thư Đảng ủy Viện Quân y 108

Đại tá Bác sĩ Tạ Lưu, Nguyên Y tá trưởng Tổng khoa Ngoại, Viện Quân Y 108

 

Chia sẻ