Nhớ mãi kỷ niệm ba lần được gặp Bác Hồ

  09:28 AM 28/01/2021
Tôi là Phạm Thị Tín sinh ra và lớn lên ở ngõ 216 phố Lò Đúc, Ô Đông Mác, Hà Nội, hiện nay ở số 10, phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm nay tôi 84 tuổi là Thượng Tá - Bác sĩ Quân y đã nghỉ hưu. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (1/4/1951-1/4/2016) tôi nhớ và viết lại một kỷ niệm sâu sắc lắng đọng trong đời tôi “Nhớ mãi kỷ niệm ba lần được gặp Bác Hồ”, để mọi người cùng chia sẻ.

Tôi mồ côi cha từ nhỏ năm lên sáu tuổi. Mẹ tôi làm công nhân nuôi ba chị em rất vất vả, nhà nghèo không có điều kiện đi học. Đến năm 1942, tôi 10 tuổi mới được Hội truyền bá quốc ngữ cấp sách vở cho tôi đi học. Tôi đã đọc thông viết thạo biết làm bốn phép tính, tương đương với lớp một bây giờ. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, khu phố có tổ chức thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Trần Bình Trọng, tôi đã xung phong vào Đội. Tôi hoạt động tích cực đi tuyên truyền cổ động, làm vệ sinh đường phố, quét vôi gốc cây nhân ngày lễ lớn, do Mặt trận Việt minh tổ chức. Tôi là một trong những đội viên nổi trội tiêu biểu của Đội.

Cán bộ nhân viên Bệnh viện đón nhận lẵng hoa Bác Hồ tặng

Lần thứ I được gặp Bác Hồ.

Nhân   dịp   ngày   sinh   nhật   Bác 19/5/1946, khu phố có tổ chức lên Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác Hồ. Phủ Chủ tịch bấy giờ là nhà khách Chính phủ hiện nay, nhìn ra phố Ngô Quyền phía trước là vườn hoa Con Cóc. Đoàn có cán bộ khu phố, đại diện thanh thiếu niên phụ nữ, tôi có vinh dự được chọn là một trong hai đội viên thiếu niên đi cùng đoàn. Đầu giờ chiều hôm đó, có rất nhiều đoàn, có cả khách quốc tế cũng đến chúc thọ Bác. Đoàn khu phố chúng tôi xếp hàng trước nhà Ngân hàng quốc gia, bên cạnh Phủ Chủ tịch, có một lẵng hoa biếu Bác. Được ban tổ chức cho vào phòng khách, chúng tôi sửa soạn quần áo chỉnh tề, phấn khởi chờ gặp Bác. Bác mặc bộ quần áo kaki màu vàng từ phòng bên đi sang, trong tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Bác chào vẫy tay, mọi người ngồi xuống.

Ông trưởng đoàn phát biểu  chúc mừng, dâng lên Bác lẵng hoa tươi thắm, Bác vui vẻ lấy đĩa kẹo chia cho các cháu thiếu niên, tôi được Bác chia cho ba cái kẹo. Tôi ngước lên nhìn Bác, thấy mắt Bác sáng ngời như sao, tôi nói nhỏ “Cháu cảm ơn Bác!”. Bác phát biểu căn dặn nhiều lắm... Năm ấy, Hà Nội bị lũ lụt lớn, Bác khuyên mọi người phải tiết kiệm, để giúp đỡ đồng bào nơi bị lũ lụt. Tôi nhớ Bác căn dặn mọi người phải cần kiệm, đoàn kết giúp đỡ nhau, phải chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do, chống giặc đói, giặc dốt... Buổi chúc thọ Bác diễn ra khoảng15 phút, nhưng đã để lại trong tôi một kỷ niệm đẹp. Tôi tự nghĩ lớn lên sẽ vào quân đội, có điều kiện rèn luyện học tập nâng cao trình độ để phục vụ Tổ quốc.

Tháng 12/1946 toàn quốc kháng chiến, gia đình tôi tản cư lên Phú Thọ. Đến năm  1947,  quân  Pháp  nhảy  dù xuống sân bay Phú Thọ, gia đình tôi chạy về chân núi Tam Đảo, Vĩnh Yên làm ruộng và tôi tham gia vào đoàn thể phụ nữ. Cuối năm 1950 tôi 18 tuổi, đi dân công tiếp tế lương thực và tải thương binh cho bộ đội ở chiến dịch Trần Hưng Đạo, đánh địch ở Núi Đanh và Bốt Ba huyện ở tỉnh Vĩnh Yên. Sau đó tôi được giao nhiệm vụ làm hộ lý tại Đội Điều trị 3 Cục Quân y.

Phục vụ xong chiến dịch, tôi hết nghĩa vụ dân công, nhớ những lời Bác căn dặn hôm cùng khu phố lên chúc thọ Bác, tôi đã tình nguyện làm đơn xung phong nhập ngũ. Ban lãnh đạo đã chấp nhận đơn, có quyết định ngày 1/4/1951, tôi được phục vụ tại Đội Điều trị 3 Cục Quân y Tổng cục Hậu cần, ở tại Tam Dương - Vĩnh Yên. Sau chiến dịch Trần Hưng Đạo, tôi cùng đơn vị đi phục vụ các chiến dịch: Hòa Bình, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám, Thu đông năm 1952 và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Qua một thời gian dài phục vụ các chiến dịch, tôi không ngại gian khổ hy sinh, phục vụ tận tình thương bệnh binh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đơn vị trở về Đại Từ Thái Nguyên. Cuối chiến dịch tổng kết tôi được đơn vị bầu là Chiến sỹ thi đua và được Tổng cục chính trị cho đi dự Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quân ở Đại Từ Thái Nguyên. Tại Đại hội này, tôi đã được nghe các anh hùng, chiến sỹ thi đua điển hình xuất sắc báo cáo thành tích. Tôi được tặng thưởng: Huân chương Chiến công Hạng Ba, Huy hiệu Bác Hồ, bằng khen của Tổng cục chính trị, một chiếc ca in ảnh Bác có lá cờ đỏ sao vàng trên ảnh. Những phần thưởng cao quý này, đã động viên tôi rất nhiều, nhắc tôi luôn nhớ những điều Bác dạy, phải hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.

Một tin vui, tôi được đồng chí cán bộ Tổng cục chính  trị  báo  tin,  ngày 25/9/1954, tôi đến tập trung tại cơ quan Trung ương Hội phụ nữ ở Thái Nguyên để đi dự Lễ Quốc khánh Trung Quốc 1/10/1954. Đoàn gồm có 5 người: Bà Lê Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội, trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Thục Viên, phó đoàn, chị Thanh Hương, nhà báo phụ nữ, chị Trần Thị Gây, chiến sĩ du kích Bắc Ninh và tôi, Phạm Thị Tín, chiến sỹ quân đội.

Ngày 29/9 có nhiều đoàn khách quốc tế tới Bắc Kinh, đoàn Việt Nam được Hội phụ nữ Trung Quốc đón tiếp nhiệt tình. Tối ngày 30/9 các đoàn được Chủ tịch Chu Ân Lai tiếp tại nhà khách Chính phủ, có Chủ tịch Mao Trạch Đông tới dự. Sáng 1/10 các đoàn ra khán đài Thiên An Môn dự lễ quốc khánh. Một số người nước ngoài nhìn thấy tôi trong đoàn phụ nữ Việt Nam, mặc quần áo bộ đội, đội chiếc mũ nan có lưới, đeo huân huy chương, họ hô to: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ, Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ. Điều đó làm cho mọi người trong đoàn chúng tôi rất cảm động và tự hào. Sau đó, đoàn đi thăm quan một số nơi: Nam Kinh, Thẩm Dương, Hàng Châu, ...Ngày 10/10 trong nước tổ chức tiếp quản Thủ đô Hà Nội, thì đoàn chúng tôi đang thăm thành phố Thượng Hải, cuối tháng 10 đoàn mới về Hà Nội. Chúng tôi được Trung ương Hội giữ lại, để đi báo cáo tuyên truyền ở một số tỉnh mới giải phóng như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang…

Lần thứ II được gặp Bác Hồ.

Tôi nhớ vào ngày đầu tháng 12/1954, đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương Hội phụ nữ thông báo, chiều nay có cán bộ cao cấp đến thăm các chị em cán bộ phụ nữ ở miền Nam ra Bắc tập kết. Văn phòng chuẩn bị phòng khách, hoa, bánh kẹo, chè nước để đón khách.

Khoảng 16 giờ, tôi, chị Đàn và chị Bình đang đứng chờ ở cửa gác hai, thấy chiếc xe ô tô u oát đỗ ngay trước cửa cơ quan Trung ương Hội phụ nữ ở số nhà 80 Nguyễn Du, Hà Nội. Nhìn thấy Bác trên xe bước xuống, chúng tôi chạy ùa xuống, tôi được Bác bắt tay, ôi bàn tay Bác ấm quá. Tôi và hai chị đi theo Bác lên cầu thang gác hai, để mời Bác vào phòng khách. Nhưng Bác đi thẳng vào phòng ở của các chị em, xem nhà bếp, nhà ăn, rồi Bác mới ra phòng khách.

Vào phòng khách, Bác chào thăm hỏi mọi người, xoa đầu cháu bé nhỏ, rồi lấy kẹo chia cho các cháu. Chị đại diện lãnh đạo Trung ương Hội phụ nữ báo cáo với Bác, các chị em cán bộ ở miền Nam ra tập kết ở tạm tại cơ quan, nên chật chội, thiếu thốn nhiều lắm. Bác dặn dò rất chân tình: “...Lãnh đạo Hội phải quan tâm tạo mọi điều kiện để chị em ổn định sinh hoạt đảm bảo sức khỏe, nhất là các chị có con nhỏ, vì mùa đông khí hậu miền Bắc lạnh hơn miền Nam nhiều...” Bác còn căn dặn: “Trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn hiện nay, chị em phải đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau”.

Tiễn Bác về, ai cũng tần ngần nhìn theo Bác và nghĩ rằng Bác bận trăm công nghìn việc, vừa mới giải phóng Thủ đô, lại chuẩn bị mít tinh diễu hành mừng ngày giải phóng miền Bắc vào ngày 1/1/1955, thế mà Bác vẫn giành thời gian vàng ngọc đến thăm các chị em cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết. Đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, của Bác Hồ giành muôn vàn tình thương cho các chị em, cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Từ đó lãnh đạo Hội, chị em chúng tôi luôn khắc sâu và nhắc nhau, thực hiện tốt những lời Bác căn dặn.

Cuối tháng 1/1955, tôi trở về Đội điều trị 3, thuộc Cục quân y ở tại Đại từ Thái Nguyên. Tôi được chi bộ tổ chức lễ kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam ngày 3/2/1955. Đúng ra lễ kết nạp vào cuối tháng 12/1954, nhưng vì tôi đi dự lễ Quốc khánh Trung Quốc và làm công tác biệt phái trên Trung ương Hội phụ nữ, nên lễ kết nạp có chậm hơn.

Tháng 5/1955, đơn vị cho tôi đi học lớp bổ túc văn hóa, do Cục quân y mở tại Quảng bá Hồ Tây, Hà Nội. Nhớ lời Báccăn dặn phải chống giặc đói, giặc dốt, tôi đã tích cực học tập hết cấp một. Thời kỳ đó ai học hết cấp hai, được đi học Quân y sỹ khóa 6. Tôi mới học hết cấp một, nên được phân công về khoa AI Quân y Viện 108. Khoa A1 có nhiệm vụ phục vụ thương bệnh binh từ cấp tiểu đoàn trở lên. Tôi lúc đó là trung đội phó, y tá khoa Al, làm việc nhiệt tình và có trách nhiệm. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tôi còn tích cực tham gia hoạt động đoàn thanh niên, phong trào văn nghệ của đơn vị.

Thượng tá, BS. Phạm Thị Tín (đứng giữa) trên Lễ đài Thiên An Môn ngày 1 tháng 10 năm 1954

Lần thứ III được gặp Bác Hồ

Vào một buổi chiều mùa thu năm1956, Bác Hồ đến thăm một số cán bộcao cấp ở miền Nam ra Bắc tập kết, đangnằm chữa bệnh ở Bệnh viện 203, sau nàyđổi tên là Bệnh viện Việt Xô và nay đổitên là Bệnh viện Hữu Nghị. Sau khi Bácthăm bệnh nhân ở Bệnh viện 203, Bác đilối tắt cạnh vườn hoa giữa hai bệnh viện, sang thăm thương bệnh binh đang điềutrị tại khoa A2 Bệnh viện Quân y 108.Tôi đang ở khoa A2, thấy nhiều ngườiđứng đông quanh Bác, tôi vội chạy rađứng ngay cạnh Bác. Bác chào hỏi mọingười, rồi đồng chí cán bộ bảo vệ dẫn Bácvào khoa A2 thăm thương bệnh binh, cócả cán bộ quân đội miền Nam ra Bắc tập kết, đang điều trị ở đó. Bác đến thăm hỏi động viên, bắt tay từng người và căn dặn yên tâm điều trị mau lành bệnh. Bác cũng căn dặn cán bộ, nhân viên bệnh viện phải thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Sau đó các đồng chí cán bộ bảo vệ đưa Bác ra xe ô tô đỗ sẵn ở cổng Bệnh viện Quân y 108. Bác lên xe đi, mọi người chúng tôi đứng tần ngần trông theo bóng hình của Bác. Tôi càng thấy sự quan tâm, tình thương của Bác đối với thương bệnh binh, có người đã hy sinh một phần máu thịt của mình cho Tố quốc...

Ngày ấy Thủ đô Hà Nội mới giải phóng, Bác đến thăm thương bệnh binh lần này không báo cho ban chỉ huy viện nên ít người biết. Chỉ có một số đồng chí đang phục vụ ở khoa AI và khoa A2 biết, như các đồng chí: Viễn, Nghĩa, Hợp, Sen, Tín, Túc, Liều, Điệt, Cúc và một số thương bệnh binh... Buổi gặp Bác bất ngờ này, tôi được đứng gần Bác lâu nhất, nhìn Bác rõ nhất đã để lại ấn tượng đẹp và nhớ mãi lời Bác dặn, phải thực hiện “Lương y như từ mẫu”     

Tôi có diễm phúc may mắn được gặpBác Hồ ba lần, để lại trong tôi một kỷniệm vô cùng tốt đẹp, luôn thúc giụcgiúp tôi mau trưởng thành trong công tác và cuộc sống. Tôi luôn ghi nhớ những lời Bác căn dặn, tôi sẽ tích cực học tập nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, để xứng đáng với danh hiệu bộ đội Cụ Hồ.

Tổng kết năm 1956, tôi được bầu là Chiến sỹ thi đua của Quân y viện 108, được đi dự Đại hội Chiến sỹ thi đua của Tổng cục Hậu cần tại T66 phố Cửa Bắc Hà Nội. Tại Đại hội này, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Ba lần thứ hai và Bằng khen của Tổng cục Hậu cần.

Qua một thời gian công tác, đầu năm 1960 tôi được lãnh đạo Quân y Viện 108 tạo điều kiện cho học hết cấp hai, rồi gửi sang Trường Bổ túc văn hóa Công nông Trung ương học hết cấp ba và vào thẳng trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tôi học khóa chính quy dài hạn có một năm chuyên khoa từ tháng 2 năm 1962 đến tháng 7 năm 1968. Tốt nghiệp Đại học Y khoa khóa “Quyết thắng”, quân đội có hơn 100 đồng chí gửi sang học, ra trường phần lớn lại về quân đội, có một số bổ sung đi phục vụ các chiến trường B, C, K. Tháng 8/1968 tôi được phân công về Quân y T83 Cục quản lý giáo dục Bộ Tổng tham mưu ở phố Lý Nam Đế. Tôi làm chủ nhiệm quân y, quân hàm Trung úy bác sĩ phục vụ các Anh hùng dũng sỹ và cán bộ trung cao cấp ở chiến trường ra làm việc với Bộ quốc phòng và đi an dưỡng chữa bệnh trong và ngoài nước, sau đó lại trở về chiến trường.

Đầu năm 1969 tôi được biết sức khỏe của Bác đã giảm sút nhiều. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã tập trung các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học giỏi đầu ngành, chuyên gia nước ngoài, Quân y Viện 108, Bộ Y tế chạy chữa chăm sóc rất tận tình chu đáo, nhưng sức khỏe của Bác yếu quá, không qua khỏi.

Một tin  vô  cùng  đau  buồn,  ngày 2/9/1969 Bác đã đi xa lên cõi Tiên, lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tôi được lãnh đạo T83 phân công đi cùng đoàn anh hùng dũng
sỹ miền Nam vào Hội trường Ba Đình dự lễ viếng Bác. Tôi đi cùng chị Đinh Thị Vân, nữ Anh hùng tình báo, chị cho biết, cả đời hoạt động trong Nam, mơ ước ra Hà Nội để gặp Bác, chuẩn bị được gặp Bác, Bác mệt quá không gặp được, sau đó Bác đã đi xa. Khi vào Hội trường, chị Vân nhìn thấy Bác nằm trong lăng kính, chị khóc quá trời ngất lên, ngất xuống. Tôi và một đồng chí nữa phải dìu chị ra chỗ cấp cứu. Lúc hồi tỉnh chị Vân nói, cả đời mong gặp Bác được một lần mà không được. Tôi nghĩ mình đã được gặp Bác ba lần là cơ duyên diễm phúc quá.

Ngày tôi nhập ngũ 1/4/1951, đúng là ngày thành lập Quân y Viện 108, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tôi là một bác sỹ quân y, cả đời phục vụ quân đội, tôi rất tự hào về truyền thống vẻ vang của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước hiện nay. Cùng với sự phát triển của đất nước, Bệnh viện Trung ương Quân đội
108 đã được đầu tư phát triển quy mô ngày càng lớn, đầu tư nhiều máy móc trang thiết bị hiện đại tiên tiến phục vụ cho khám chữa bệnh. Đội ngũ cán bộ, bác sỹ, giáo sư, tiến sỹ ngày càng đông, có trình độ chuyên môn tay nghề giỏi, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao. Bệnh viện hiện nay xếp loại hàng đầu của Việt Nam và có tầm cỡ trong khu vực.

Nhờ ơn có Bác, có Đảng lãnh đạo cách mạng, đất nước ta đã được độc lập, tự do, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, trong đó có tôi và gia đình. Tôi có diễm phúc được gặp Bác ba lần, đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc, trở thành nguồn động lực thường xuyên nhắc nhở tôi, thực hiện tốt những lời Bác căn dặn. Cả đời tôi phục vụ quân đội, Quân y Viện 108 đã tạo điều kiện cho tôi đi học từ lớp 5 đến tốt nghiệp Đại học Y khoa, đó là một bước tiến, một mốc son thay đổi căn bản cuộc đời mình, tôi biết ơn và nhớ mãi không quên. Tôi rất biết ơn các đồng chí lãnh đạo, các đồng đội, đồng nghiệp đã quan tâm giúp đỡ tôi vượt qua những khó khăn, thách thức, để có sự trưởng thành trong công tác và cuộc sống, có được niềm vui hạnh phúc hôm nay.

Nhân dịp sắp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tôi xin kể lại những cảm nghĩ, những việc làm của tôi về ba lần được gặp Bác Hồ, để mọi người cùng chia sẻ, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trích Ký ức 108 tập II

Thượng tá, Bác sỹ Phạm Thị Tín - Nguyên cán bộ Khoa Nội cán bộ, Viện quân y 108

 

Chia sẻ