Nghề can thiệp tim và mạch máu đã lựa chọn tôi!

  08:46 AM 20/12/2022

Từ lâu, “Nghề chọn người hay người chọn nghề?” luôn là một quan niệm mà ít ai có thể rạch ròi khi nói về nghề nghiệp của mình. Có người vì đam mê mà theo đuổi nghề, có người lại tự nhiên đến với nghề mà mình chẳng bao giờ có ý định theo đuổi. Khi đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, khi lựa chọn nghề cho mình, tôi cũng đã có những đắn đo như thế: chọn chuyên ngành gì? liệu chuyên ngành đó có phù hợp không? mình có phát triển được với chuyên ngành đó không?… Nhưng sau cùng, tôi đã được nghề chọn mình chứ không chọn nghề.

 

Đã gần 18 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cảm giác đầu tiên như “duyên số” với nghề “Can thiệp tim mạch”. Sau khi tốt nghiệp đại học 2004, tôi được nhận quyết định về công tác tại Bệnh viện TWQĐ 108, nơi mà tất cả học viên Học viện Quân y mơ ước. Vì rất thích và đã có 6 tháng thực tế tại Khoa Chấn thương của Viện Quân y 211 nên tôi đã xin đề nghị với Chính uỷ Bệnh viện, khi đó là Thiếu tướng PGS.TS. Nguyễn Hồng Giang để được về Khoa Ngoại Chấn thương công tác. Tuy nhiên, điều đặc biệt đã đến, tôi được gợi ý về Khoa Can thiệp Tim mạch vì ở đó đang rất thiếu bác sĩ. Và tôi đã vui vẻ nhận nhiệm vụ mặc dù trong đầu khi đó không có một khái niệm dù chỉ là nhỏ nhất về chuyên ngành.

Ngày đầu tiên lên Khoa Can thiệp Tim mạch, đi hết hành lang dài hun hút phía sau phòng mổ mới đến cửa khoa, không thấy ai, không thấy bệnh nhân, chỉ có cửa khoa mở. Tôi mạnh dạn bước vào, gặp đồng chí phụ trách khoa khi đó là bác sĩ Lê Văn Trường (nay là PGS.TS. Lê Văn Trường - Viện trưởng Viện Tim mạch kiêm Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch) và được nhận về khoa để thử việc.

Điều bất ngờ đầu tiên đối với tôi là cả khoa Can thiệp Tim mạch khi đó mới chỉ có ba người: bác sĩ Trường và hai kỹ thuật viên. “Choáng” hơn nữa là khi bắt tay vào công việc, điều gì đối với tôi cũng thật mới lạ vì trong trường đại học tôi đâu biết đến từ cái kim chọc động mạch, catherter, guidewire, …. Nhưng rồi, dưới sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của PGS.TS. Lê Văn Trường, cùng sự hỗ trợ tích cực của hai anh kỹ thuật viên Hoàng Trí Trung, Nguyễn Xuân Thuần, tôi đã có được những hiểu biết đầu tiên về nghề can thiệp tim mạch, biết cách sử dụng từng dụng cụ can thiệp, cách xử lý dụng cụ với những thiết bị tự sáng tạo của PGS.TS. Lê Văn Trường...

Càng tiếp cận sâu với chuyên ngành, tôi càng chìm đắm trong cảm giác được chinh phục và vượt qua từng thử thách. Tôi say mê với những lý thuyết về can thiệp mạch máu trong cuốn sách mà PGS.TS. Trường tặng tôi; say mê với những dụng cụ can thiệp mới lạ, với những kỹ thuật mới, với những ca bệnh. Tôi thường thức cả đêm trong phòng rửa dụng cụ để thực hành những động tác can thiệp, ngồi nhiều giờ trước màn hình máy can thiệp để xem đi xem lại những hình ảnh chụp mạch máu của bệnh nhân, trăn trở để tìm và đọc tài liệu khi gặp những vấn đề mới. Cứ từng chút từng chút một như thế, tình yêu và đam mê với nghề can thiệp tim và mạch máu lớn dần. Trải qua nhiều năm tháng vừa vừa học vừa làm, trải qua nhiều khó khăn, đến nay, tôi đã có thể thực hiện được khá nhiều những kỹ thuật chuyên sâu của chuyên ngành, được người bệnh, đồng nghiệp ghi nhận.

Nhân viên Khoa chúc mừng Bác sĩ Nguyễn Trọng Tuyển bảo vệ luận án tiến sĩ ngày 25/12/2015

Dù không được chọn nghề nhưng nhìn lại 18 năm học tập, làm việc, tôi tự hào vì đã được nghề chọn. Ngành can thiệp tim mạch đã giúp tôi có được nhiều cung bậc cảm xúc, với những giây phút hạnh phúc đến tột bậc khi thành công với những ca bệnh khó, đưa được những người bệnh từ cõi chết trở về. Và cũng có những cảm xúc đau buồn khi không cứu được người bệnh...

Giờ ngẫm lại quãng đường đến với đam mê, đến với can thiệp tim mạch, tôi nhận ra, đôi khi, điều quan trọng nhất không phải là kết quả, mà là quá trình mà chúng ta đến với nó; và đôi khi, công việc phù hợp nhất đến vào lúc mà ta đã chuẩn bị sẵn sàng nhất. Cảm ơn “Can thiệp tim mạch và mạch máu” đã chọn tôi như vậy!

Thực hiện: Thượng tá TS.BS Nguyễn Trọng Tuyển – Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện TWQĐ 108.

Chia sẻ