Ký ức Bệnh viện TWQĐ 108

  10:23 AM 04/12/2020
Ngày 01/4/2011, Bệnh viện TWQĐ 108 tròn 60 tuổi. Tên tuổi của Bệnh viện đã được nhân dân cả nước biết đến, cho đến nay hầu hết các nước trên thế giới cũng đều biết đến tên tuổi của Bệnh viện TWQĐ 108. Thành tích và uy tín của Bệnh viện đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia Việt Nam.

Tôi là một thành viên của Bệnh viện từ cuối năm 1954 (nghĩa là sau hơn 3 năm thành lập bệnh viện cho đến khi nghỉ hưu năm 1991) đã sống và gắn bó với bệnh viện trên 37 năm, gần một đời người công tác, cho nên thấy mình phải có trách nhiệm ghi lại những kỷ niệm không quên của một thành viên đã được Bệnh viện lãnh đạo, bản thân đã đóng góp một phần nhỏ bé vào thành tích xây dựng và truyền thống của Bệnh viện cho thế hệ cán bộ nhân viên hôm nay và mai sau.

Sau khi hội nghị Geneve 1954 được thi hành, Cục Quân y, điều tôi từ đơn vị chiến đấu về công tác tại Bệnh viện TWQĐ108. Đầu tiên phụ trách phòng khám bệnh, sau đó phụ trách Khoa Nội A2 (chuyên về tim, thận, khớp) rồi về Khoa A1, phục vụ điều trị cho cán bộ, từ cấp tiểu đoàn trở lên. Năm 1960, sau khi được thông qua luận án tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa, tôi được phân công làm Bác sĩ điều trị Khoa Truyền nhiễm (Khoa A4), đến năm 1965, Bác sĩ Âu (Chủ nhiệm khoa), được cử đi B phục vụ Bệnh viện 108 B, ở chiến ŧrường Tây Nguyên (B3), tôi được cử phụ trách Chủ nhiệm khoa.Từ năm 1968 đến năm 1974 lúc làm chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm thay thế Bác sĩ Bùi Đại đi tuyến sang Trung Quốc hoặc đi chiến ŧrường B5, B2, lúc làm Chủ nhiệm Khoa A1 (lúc này Nhà nước đã phong hàm cho các sĩ quan) phục vụ Cán bộ từ ŧhượng tá trở lên rồi cả các chuyên gia quân sự Liên Xô, Trung Quốc thay thế Bác sĩ Phạm Tử Dương (đi bổ túc nghiệp vụ ở Pháp và học tập về chuyên khoa tim mạch ở Hungari).

Cho đến cuối năm 1974, được phân công dẫn đầu một đoàn Bác sĩ vào tăng cường cho Quân khu 5 và được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện17 - Quân khu 5 còn ở trên rừng, đến ngày 29 tháng 3 năm 1975 về tiếp quản Tổng y viện Duy Tân (Bệnh viện lớn thứ 2 ở miền Nam, thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ). Có thể nói, cùng với sự trưởng thành chung của Bệnh viện, bản thân tôi đã nỗ lực học tập chuyên môn, thường xuyên đọc các sách báo trong và ngoài nước, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng ủy Bệnh viện, và sự chỉ dẫn của Ban Giám Đốc và qua thực tế cọ sát về chuyên môn, nên bản thân chúng tôi đã tiến bộ rất nhiều trong công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm nói riêng và Nội khoa nói chung. Ký ức về sự trưởng thành của cá nhân gắn liền với sự trưởng thành của Bệnh viện, tôi xin ghi nhớ lại một số kỷ niệm về các mặt chuyên môn mình đã hoàn thành góp phần công sức nhỏ bé vào thành tích chung của Bệnh viện.

XÂY DỰNG KHOA CÁN BỘ A1

Từ khi thành lập, năm 1955 đến nay, Khoa luôn được Bộ Quốc Phòng tín nhiệm, các bệnh nhân và gia đình tin tưởng đó là nhờ công lao của các đồng chí Chủ nhiệm Khoa đến các Bác sĩ, y tá, hộ lý hết lòng phục vụ săn sóc tận tình bệnh nhân, của các đồng chí chủ nhiệm khoa (như cố Giáo sư Phạm Tử Dương cùng các đồng chí khác).

Nổi bật

Như đã xây dựng thành nề nếp chế độ kiểm tra sức khỏe toàn diện, định kỳ, thường xuyên cho tất cả các đối tượng bệnh nhân mà Khoa quản lý, phục vụ. Nhờ chế độ này, Khoa Cán bộ đã phát hiện được nhiều trường hợp có bệnh mà không hề hay biết như Lao thâm nhiễm, Polype trực tràng, ung thư giai đoạn đầu, các bệnh về tim mạch, do đó ngoài việc giữ gìn đảm bảo sức khỏe, tim mạch cho các bệnh nhân mà còn giúp Bộ Quốc phòng có kế hoạch bồi dưỡng như­đi an dưỡng, điều trị ở các nước Bạn cho các Cán bộ sĩ quan, tướng lĩnh. Nhờ có tổ chức hội chẩn, theo dõi chặt chẽ, chuẩn bị cho các Khoa Ngoại phẫu thuật chu đáo an toàn thành công. Chúng tôi xin nêu một vài trường hợp phẫu thuật bụng được bảo đảm an toàn. Như trường hợp bệnh nhân Trương Công T, Giám đốc Học viện Hậu cần -  Bộ Quốc phòng lên bàn mổ dạ dày, nhờ có dự kiến tối đa, các tai biến bất thường có thể xảy ra nên khi phẫu thuật viên mới đặt dao mổ rạch lên bụng thì phát hiện máu đen (dấu hiệu của ngừng tim đột ngột) và kịp thời xử lý đã không để xảy ra tử vong. Trường hợp này giúp cho Bệnh viện nói chung và các phẫu thuật viên khoa Cán bộ nói riêng kinh nghiệm quý báu về sự chuẩn bị về mọi mặt tư tưởng, tổ chức chuyên môn phải thật tỉ mỉ, chặt chẽ. Qua thí dụ trường hợp này, Bệnh viện lại càng được tín nhiệm, cấp trên yên tâm.

Cũng do có kế hoạch theo dõi qua hồ sơ lưu trữ bệnh án cất giữ trong Khoa, nên sức khỏe của Cán bộ quân đội được quản lý, tỉ mỉ, ngăn ngừa được các diễn biến xấu về bệnh tật của từng bệnh nhân. Nhờ có ghi chép theo dõi chặt chẽ và khoa học, giúp cho các Bác sĩ toàn quân có tài liệu đầy đủ tin cậy để tham khảo hoàn thành các luận án Tiến sĩ Y học trong Quân đội. Vài điểm nổi bật về thành tích xây dựng khoa truyền nhiểm (A4) Bệnh viện TWQĐ 108. Về chất lượng chẩn đoán, phát hiện nhiều vụ dịch, điều trị thành công nhiều trường hợp rất nặng tưởng chừng không cứu chữa được.

Điển hình

Một bệnh nhân chiến sĩ Nguyễn Văn H, được A4 và Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán là viêm đại tràng thể co thắt đi lỏng nhiều lần trong 24 giờ, khoa phải cho khoét ván giường nằm thành một lỗ có cột một túi ni lông để phân chảy xuống một thùng tôn chứa phân dể ở dưới nền nhà. Nhờ có tinh thần phục vụ tận tình không sợ lây sợ bẩn và điều trị tận tình nên bệnh nhân đã nằm điều trị từ 3 đến 4 năm ở khoa cho đến khi chiến tranh phá hoại nổ ra năm 1968, bệnh nhân ổn định dần và được chuyển về một Bệnh viện loại B. Đây có thể là một trường hợp bệnh hiếm thấy, đến nỗi Giáo sư Đặng Văn Chung (Bệnh viện Bạch Mai) phải thốt lên “tôi khâm phục tinh thần phục vụ tận tụy, chăm sóc chu đáo của Bệnh viện 108 nói chung, Khoa Truyền nhiễm nói riêng đã cứu sống một ca bệnh hiếm có”.

Một trường hợp khác: Năm 1972 có một nữ bệnh nhân từ miền Nam, bị sốt rét thiếu máu nặng, có cường lách hồng cầu số lượng chỉ còn dưới 900.000/ML hội chẩn A4 với các khoa ngoại bụng, xét ng-hiệm, nếu phẫu thuật chỉ hi vọng 1 % cứu sống được. Nhưng nhờ có sự động viên của Đảng ủy viên, bệnh nhân đã được cắt lách và thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Hai năm sau, bệnh nhân trở lại thăm khoa và nói “nhờ có Bệnh viện 108 mà đã khỏi bệnh” hiện đã lấy chồng và có con. Phát hiện chẩn đoán đầu tiên ở Việt Nam, một vụ dịch giun xoắn, điều trị tốt cho các bệnh nhân đều khỏi ở Khoa Truyền nhiễm -  Bệnh viện 108 và trở về đơn vị công tác. Năm 1967 tuyến trước chuyển về 17 trường hợp bị đau cơ toàn thân, đau dữ dội hầu hết đều lo lắng sợ chết: 7 bệnh nhân là sĩ quan Quân đội chuyển về khoa A4 Bệnh viện 108, 5 trường hợp chuyển về Bạch Mai, 5 trường hợp chuyển về Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Việt Xô. Đây là một vụ xảy ra ở một đoàn cán bộ y tế Quân dân y giúp nước bạn, hết nhiệm kỳ công tác tổ chức một bữa ăn liên hoan chia tay trong đó có một số món lợn chưa được nấu chín như nem chua, tiết canh ... Nhờ có tìm hiểu kỹ về dịch tễ các triệu chứng lâm sàng, toàn Bệnh viện từ Ban Giám đốc đến các khoa Truyền nhiễm, xét nghiệm máu, vi sinh vật, các, phẫu thuật viên, dưới sự lãnh đạo sâu sát, động viên của Đảng ủy Bệnh viện, Khoa Truyền nhiễm đã nghĩ đến Giun sán gây nên bệnh cảnh lâm sàng này. Giáo sư­ Tiến sĩ Nguyễn Huy Phan đã tham gia mỗ sinh thiết cơ bắp chân (Triceps sural) cho 2 bệnh nhân (1 của 108, 1 của Bệnh viện Bạch Mai) đã phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh, Khoa Truyền nhiễm chúng tôi chọc tủy sống xét nghiệm dưới kính hiển vi, ấu trùng giun xoắn còn cử động. Nhờ đó đã xác chẩn đó là 1 vụ dịch giun xoắn, đây là một thành công lớn về tinh thần đi sâu đi sát tìm hiểu kỹ về dịch tễ lâm sàng và phẫu thuật sinh thiết của ngành Y tế Việt Nam nói chung và của Bệnh viện TWQĐ 108 nói riêng, chẩn đoán và điều trị thành công vụ dịch giun xoắn đầu tiên ở Việt Nam là công lao của Bệnh viện TWQĐ 108 nói chung của các Bác sĩ, y tá, hộ lý Khoa Truyền nhiễm nói riêng, mở đầu cho chẩn đoán đúng và kịp thời cho các đợt dịch năm 1968 xảy ra, sau đó và góp phần ngăn ngừa không để các vụ dịch khác xảy ra ở nước ta và các nước bạn xung quanh có tập quán ăn thịt lợn, chưa nấu chín như­nem chua, tiết canh... Đến năm 1968 nước bạn Lào lại xảy ra dịch vụ giun xoắn khác, tôi và các đồng chí ở đội vệ sinh phòng dịch Quân đội đã sang vùng Pa thét Lào kiểm soát xác chẩn điều trị thành công, không để xảy ra trường hợp tử vong nào. Trong số bệnh nhân có một số đồng chí lãnh đạo của Pa thét Lào đã được điều trị mau khỏi. Thành công này đã được các đồng chí Lãnh đạo nước bạn ca ngợi.

Năm 1972 - 1973 xảy ra vụ dịch lỵ do Shiella Shga gây ra (thường gọi là lỵ Shiga) đặc trưng là đau quặn bụng suốt ngày đêm, có ca nặng đi ỉa đến 40-45 lần /ngày nhưng đã điều trị khỏi. Dịch sốt huyết đầu tiên ở Việt Nam xảy ra và được xác chẩn vào cuối năm 1973, đã được điều trị thành công làm cơ sở để chẩn đoán và xây dựng được phác đồ điều trị và chẩn đoán cho toàn quân, đã đóng góp kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị chung cho cả nước, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất tổ chức xảy ra dịch sốt xuất huyết ở toàn Việt Nam. Công tác tuyến là một trong 4 nhiệm vụ của các Bệnh viện quân đội điều trị, huấn luyện, nghiên cứu khoa học

Công tác tuyến

Đối với các Bệnh viện lớn như­Bệnh viện TWQĐ 108 là nơi được đầu tư tập trung các Giáo sư, Chuyên viên đầu ngành, Bác sĩ có kinh nghiệm được đào tạo và bổ túc thêm ở các nước ngoài, có kinh nghiệm, phải tăng cường, giúp đỡ các Bệnh viện tuyến trước về chẩn đoán điều trị cấp cứu cũng như­phẫu thuật, dập tắt các vụ dịch truyền nhiễm cho các Bệnh viện Quân y, Quân khu, Bệnh viện loại B... giải quyết điều trị tốt các trường hợp sốt rét dai dẳng ở các đoàn an dưỡng của Quân đội hoặc chi viện cho các chiến trường các đoàn đội chuyên khoa về phẫu thuật, và truyền nhiễm, nhất là các chiến dịch lớn. Do đó, chúng tôi ngoài các Khoa Ngoại, thì khoa truyền nhiễm là khoa có nhiều Cán bộ, kể cả Chuyên viên đầu ngành như­ Giáo sư­ Bùi Đại được cử đến tăng cường cho các chiến trường B1, B2, B3, K, C.

Năm 1974, chúng tôi được Bộ Quốc phòng cử vào Sài Gòn, đến trại Davis nơi phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đóng quân xác chẩn và điều trị thành công vụ dịch sốt huyết gây hoang mang và lo lắng cho các Cán bộ phái đoàn Việt Nam sau một trường hợp Thiếu tá bị tử vong . Lúc đầu các Bác sĩ của phái đoàn Hungari và Ba Lan chẩn đoán là bệnh nhân chết do bệnh viêm màng não. Nhờ có kinh nghiệm và chẩn đoán của Bệnh viện 108, chúng tôi đã nhanh chóng xác chẩn đây là một vụ dịch sốt xuất huyết do muỗi Aedes đốt gây nên, do Ngụy quân Sài Gòn, đào hầm sâu, khi mưa lớn gây ra đọng nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sống nẩy nở (mục đích đào hầm để phòng ngăn quân đội ta đột kích tấn công ngụy quân theo như họ suy nghĩ). Sau một tháng tổ chức nói chuyện phổ biến bệnh sốt xuất huyết do Cán bộ 2 phái đoàn của ta biết cách đề phòng hoang mang lo sợ, đồng thời tích cực điều trị cho các bệnh nhân, đã chấm dứt được bệnh sốt huyết và tin tưởng vào kinh nghiệm khả năng điều trị của cán bộ quân y chúng tôi. Thành công này góp phần tạo được niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng ta, giúp cho các phái đoàn của ta đấu tranh đàm phán thành công ở Hội nghị Pari bốn bên. Tham gia đoàn chuyên gia Quân y của Bộ Quốc phòng, tăng cường chi viện phẫu thuật và điều tri sốt rét cho cuộc nổi dậy tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 do đồng chí Phạm Gia Triệu -  anh hùng Quân đội, Phó Giám đốc Bệnh viện, làm trưởng đoàn tạo được niềm tin phấn khích của cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận.

Dẫn đầu một đoàn chuyên khoa quân y kết hợp của hai Bệnh viện Quân đội 108 và 103 tham gia phục vụ cấp cứu, điều trị cho thương binh chiến dịch Nam Lào năm 1971, đồng thời với một số phẫu thuật viên ra mặt trận, một số còn lại (phẫu thuật và truyền nhiễm) giúp đỡ tăng cường về huấn luyện và điều trị cho Bác sĩ, Cán bộ viện Quân y 115. Cuối năm 1969, Ban tổ chức TƯ Đảng Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế cử Bác sĩ Đặng Đình Huấn, phó Hiệu trưởng ĐH Quân y và tôi cấp tốc lên đường vào chiến trường B2 (TW cục miền Nam) đúng vào ngày mất của Hồ Chủ tịch (02/9/1969) mà không hề được thông báo cho gia đình vợ con được biết đi đâu, làm gì? Chúng tôi được tổ chức đưa sang Trung Quốc rồi đi máy bay của hãng Air France (hàng không Pháp) qua Pháp, rồi đi ôtô của chính quyền Xihanúc xuống vùng giải phóng của ta, cấp cứu một cán bộ thuộc Trung ương Cục miền Nam bị hôn mê do bệnh lý về não chưa được sác chẩn. Kết hợp chúng tôi đã kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu của tổ chức cho các Cán bộ Trung ương Cục và thành viên Chính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Ngoài ra còn kết hợp báo cáo về bệnh lý và điều trị bệnh sốt rét, đặc biệt là các thể bệnh sốt rét ác tính và sốt rét kéo dài dai dẳng. Chúng tôi được đánh giá là tinh thần phục vụ rất tận tình, tạo được niềm tin của cán bộ và lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Vì trước đó có hai Bác sĩ dân y được cử vào điều trị cho cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, nhưng gia đình lên Bộ Y tế xin được ra bắc sớm nên không được cán bộ địa phương và lãnh đạo tin tưởng. Đặc biệt Bộ Trưởng Bộ Y tế Dương Quỳnh Hoa của Chính phủ Cách Mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Namphát biểu “Chúng tôi không ngờ và cảm ơn các đồng chí ở ngành Quân y đã giảng bài về sốt rét bằng toàn Tiếng Việt mà không dùng đến ngoại ngữ”. Cuối năm 1974, Bộ Quốc Phòng tổ chức một đoàn các Bác sĩ thuộc Bệnh viện TWQĐ 108 và trường Đại học Quân y vào tăng cường cán bộ cho Quân khu 5 nhân dịp tổng tiến công giải phóng Miền Nam, phân công tôi làm trưởng đoàn và làm Giám đốc Bệnh viện 17, Quân khu 5. Ngày 29/3/1975 chúng tôi vào tiếp quản Tổng Y viện Duy Tân của Ngụy quân ở Đà Nẵng và di chuyển Bệnh viện 17 trên chiến khu và xây dựng thành một Bệnh viện Quân đội, Bệnh viện 17 tuyến cuối cùng của quân khu 5. Chúng tôi và đồng chí Võ Văn Hạp ở Khoa Chấn thương B1 - Quân y 108, với truyền thống không ngại gian khổ, không ngại khó khăn, đã xây dựng Bệnh viện 17, trở thành một Bệnh viện chính quy tương đối hiện đại. Được sự chỉ đạo của Cục Quân y và sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư  lệnh Quân khu 5, Bệnh viện làm tốt công tác, điều trị cấp cứu,  phẫu thuật nhiều trường hợp hiểm nghèo, công tác huấn luyện đi vào nền nếp, tổ chức được nhiều hội nghị nghiên cứu khoa học, ngay sau một năm giải phóng Miền Nam (hội nghị đầu tiên tổ chức vào năm 1976). Sau đó Bệnh viện được tuyên dương danh hiệu Bệnh viện Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

Đầu năm 1982 do yêu cầu của tổ chức, tôi được phân công làm chủ nhiệm khoa cán bộ (A1) của Bệnh viện 175. Ở đây tôi đã làm hết sức mình để xây dựng khoa Cán bộ đi vào nền nếp tổ chức hành chính, điều trị ngày một tiến bộ, tổ chức huấn luyện chuyên môn cho các Bác sĩ, Y tá trong khoa và làm được nhiều đề tài khoa học liên khoa. Được tổ chức tín nhiệm, bệnh nhân tin tưởng nên khoa A1, và cá nhân năm nào cũng được cấp Bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ Thi đua. Phát huy truyền thống học tập và nghiên cứu khoa học của Bệnh viện TWQĐ 108, tôi đã tiến hành nghiên cứu được 20 đề tài nghiên cứu khoa học về truyền nhiễm và lão khoa ở Bệnh viện TWQĐ 108, Bệnh viện 17 Quân khu 5 và Bệnh viện Quân đội 175 (có đề tài ở cấp Quốc gia được tặng thưởng tiền mặt, nhiều đề tài ở Hội nghị Quân y toàn quân). Ngoài ra còn viết nhiều bài báo chuyên môn đăng trên tập san Y học, tham gia Cục Quân y, tạp chí Hậu cần quân đội, Tạp chí Y học Thực hành Bộ Y tế, các báo Tiền Phong, Quân đội Nhân dân.

Chúng tôi lớp người đi trước xây dựng Bệnh viện xin có vài lời với các bạn đồng nghiệp trẻ, tiếp bước công tác và phục vụ, ở Bệnh viện TWQĐ 108. Ngày nay các bạn có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi:

a) Nhiều phương tiện máy móc, xét nghiệm hiện đại để chẩn đoán và điều trị rất thuận lợi cho xác chẩn bệnh và chữa bệnh tốt hơn nhiều.

b) Điều trị sức khỏe, dinh dưỡng so với thời kỳ chúng tôi, tốt hơn rất nhiều, thí dụ: Trước trực1đêm chỉ ăn được 1 tô phở 4 hào, ngày hôm sau phải làm việc không được nghỉ.

c) Được tiếp xúc trao đổi, kinh nghiệm về chẩn đoán, điều trị phẫu thuật, ở các Hội nghị y học trong nước và Hội thảo quốc tế được nhiều lần thường xuyên.

Do đó chúng tôi thấy các bạn cần tận dụng, các thuận lợi này để kết hợp với truyền thống học tập, xây dựng của Bệnh viện TWQĐ 108, là đoàn kết chặt chẽ giữa các khoa lâm sàng với các khoa cận lâm sàng để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Mặc dù điều kiện máy móc, xét nghiệm ngày một tiến bộ nhưng không thể thiếu khám xét lâm sàng tỉ mỉ, thận trọng vì không thận trọng nhiều khi chỉ dựa vào xét nghiệm mà bỏ qua khám xét lâm sàng dễ có thiếu sót gây tai nạn điều trị không thể lường trước.

Vì truyền thống xây dựng Bệnh viện TWQĐ 108 qua 60 năm, củng cố lòng tin của nhân dân và Quân đội vào đội ngũ kế thừa của Bệnh viện, phục vụ tận tình chu đáo, Bệnh viện không phân biệt nhân dân, quân đội, cấp cao với chiến sĩ. Chúng tôi quyết tâm xây dựng Bệnh viện TWQĐ 108 ngày càng vững mạnh, lá cờ đầu của toàn quân để không phụ lòng tin cậy của Đảng, nhân dân và cán bộ chiến sĩ toàn quân.

Đại tá BS. Nguyễn Xuân Nguyên

Nguyên CNK Truyền nhiễm và Khoa Cán bộ Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ