Quân y 108 thời ở rừng Việt Bắc

  08:21 AM 20/08/2020
Tháng 4 năm 1951,Quân y viện 108 được thành lập do Cục Quân y chỉ đạo. Viện thu dung tất cả những thương binh của mặt trận đường số 3, số 4 và Chiến dịch Biên giới Đông Khê và về đóng ở Yên Trạch thuộc Thái Nguyên, giáp với địa phận Bắc Kạn, nơi cửa ngõ của Liên khu Việt Bắc. Chúng tôi rời Man Đà, vùng cao Quảng Uyên, Trùng Khánh mà lòng sao lưu luyến, nhớ những tháng ngày sôi động ở đường số 4, ở Chiến dịch Biên giới , nhớ những người dân trong bản luôn thương quý bộ đội, nhớ mùa xuân năm 1950 ở Quân y Man Đà, Quảng Yên nơi những đồi hoa rực rỡ sắc màu...

 

ĐƯỜNG HÀNH QUÂN

  In đậm trong tâm trí tôi là những xe tải chở thương binh trong đêm ấy về Quân y 108. Rồi đến sáng hôm sau, một số chúng tôi hành quân đi bộ, không ai quản ngại đường xá xa xôi, Có lẽ vì tuổi trẻ thích được ngắm cảnh mà chúng tôi mới có được tinh thần ấy. Con đường số 3 trải dài từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên lắt léo nhiều đèo dốc, vực sâu thăm thẳm. Qua đèo Gió, qua Ngân Sơn rồi đến thị xã Bắc Cạn tan hoang, tôi lại nghĩ về những chiến công của Trung đoàn 72 Bắc Cạn và trung đoàn 74 Cao Bằng đã đánh đồn Phủ Thông và những trận phục kích đồn bốt khác ở đường số 3 này từ năm trước. Nay nơi đây không còn bóng giặc, đường đi hun hút, không người qua lại.

 Chúng tôi hành quân gọn nhẹ, ba lô chỉ có một bộ quần áo, chăn màn mỏng, và túi thuốc bên sườn, tối đến vào nhà dân nghỉ nhờ, hôm sau lại đi tiếp. Tôi vẫn nhớ đôi dép cao su luôn tuột quai và cái “rút quai” luôn ở trong túi. Trên đường lúc nghỉ chân, tôi ngồi ngả lưng vào ba lô thiếp đi một lúc lấy lại sức rồi đi tiếp, đói bụng thì đã có nắm cơm và mấy ống cơm lam các mế ủng hộ, ngày nào cũng như vậy. Khi đi trên đèo Gió mà thấy chiếc máy bay địch tới là chúng tôi ai nấy mũ lưới cài lá ngụy trang cùng quần áo màu chàm tựa lưng vào vách đồi, nhìn chúng bay qua...

  Lúc chuyển về Quân y 108 Có tôi và chị Lê Hương là quân cũ của Quân y Trung đoàn 28 khi xưa. Yên Trạch là vùng sâu hoang vu, không có vách đá, chỉ Có rừng tràm, nhưng đầy vắt, đĩa, dĩn, muỗi ano-phènes. Nơi đóng quân chỉ có một nhà người dân tộc Tày ở trên một ngọn đồi gần đó. Đôi vợ chồng trẻ đi làm nương rẫy suốt ngày, nhà cửa thì đơn sơ, cửa cứ để mở, chẳng thấy phải đóng bao giờ...

  Quân y viện 108 ở trên một khu đồi cọ với những cây tràm cao vút, lán thương binh được che khuất dưới tán lá, bốn phía toàn là rừng và đồi thấp, cây cối xanh thẫm. Dòng suối chảy về đâu, con đường mòn đi đến nơi đâu, tôi cũng không biết nữa. Mỗi lần thuyên chuyển đến nơi khác, chúng tôi đều nặng lòng những điều mãi không bao giờ quên.

RÉT Ở VIỆT BẮC

  Ngày ấy, chúng tôi chưa được phát quân trang, quân phục, chỉ có hai bộ quần áo từ vải thô nhuộm nâu, nhuộm tràm và phải tự tay cắt và khâu lấy, chăn đơn đắp kín đầu thì hở chân. Khi mùa đông về, cái rét cắt da cắt thịt ở rừng Việt Bắc làm ngón chân, ngón tay chúng tôi sưng tấy đỏ, nhức buốt. Ngày đêm làm việc, với những đêm dài lạnh giá tôi chỉ còn biết ngồi bên đống lửa sưởi ở cuối lán thương binh cho tới sáng. Thức đêm đã rét lại còn đói nữa, lòng da ai nấy đều cồn cào...Tôi nhớ mãi cái rét ở núi rừng Việt Bắc.

NHỮNG NGÀY VÀO RỪNG

  Những ngày vào rừng tìm măng - nứa về cải thiện thì thật là khủng khi Trên những đám lá rụng ẩm ướt có hàng tỷ tỷ con vắt nâu tụ lại thành những thân vắt, ngóc đầu lên. Chúng nhảy bám vào chân tay, vào cổ tôi. Những bó nứa khá mà chúng tôi vác trên vai có khi còn mang cả rắn về. Nó nằm gọn trong ống nứa, tối đến đập nứa ra để nhóm bếp là Autoclave hấp bông băng và dụng cụ mổ nó mới trườn ra. Chúng tôi hãi hai loài này lắm.

Rồi tối đến khi đi nằm, dĩn đốt khắp người không sao chợp mắt được, những con vắt bám vào bắp chân hút máu no to bằng những quả sim chín, chúng mới lăn ra khắp chiếu...

CHUYỆN HỔ BÊN RỪNG.

  Cách khu thương binh ở khoảng 250 mét về phía rừng, có một con suối chảy bên đồi, cây cối um tùm, tôi tìm thấy một dòng nước nóng phun lên. Tôi thường ra đấy tắm gội và nghĩ sẽ gọi cả chị Lê Hương ra nữa. Mấy ngày sau Có hai ông cháu người ở bản gần đấy đến săn và bắn được con hổ vằn, thì tôi mới biết là nơi đấy có hổ. Hai chị em ra xem thì đúng là một con hổ rất lớn. Ông Ké nói: "Còn một con nữa!”. Vậy mà tôi không biết cứ ra tắm giặt thoải mái. Như vậy tính ra tôi đã ba lần thoát nạn hổ. Nghĩ lại, nếu mình hi sinh thì phải trên chiến trường mới có ý nghĩa, chứ nếu bị hổ xơi thì chán quá!

  Về công tác ở Quân y 108, Công việc nhiều, không sôi động như ở các mặt trận chiến dịch. Nhân viên ít nên phải kiêm nhiệm, thức cả đêm cấp cứu, hôm sau không được nghỉ ngơi, rồi lại bị sốt rét nhiều, liên tục nên sức khỏe tôi giảm sút. Mỗi lần sốt dậy, da tôi vàng suộm, lách to, đi không vững phải ôm bụng sợ ngã vỡ lách. Lúc đau yếu tôi càng nhớ các bạn ở Quân y E28, nhớ U Tầng thân thiết... Nhớ quê hương, nhớ ngôi nhà đã phải tiêu thổ kháng chiến để ngăn địch chiếm đóng, nhớ người mẹ hiền đã bị bọn Quốc dân đảng sát hại đầu năm 1946, nhớ hai người chị góa bụa sớm vì chồng và con là liệt sỹ ngay từ đầu kháng chiến, những đêm dài ngồi bên đống lửa sưởi ấm, tôi đã viết mấy dòng như nói cùng các bạn:

“Nơi đây rừng cọ, núi đồi

 Phủ che mái lán cho người thương binh

 Nơi đây, nơi đã khai sinh

Quân y linh tám (108) ẩn mình rừng sâu.

  Hơn ba năm công tác ở Quân y 108, xa các bạn ở Quân y E28 khi xưa, nỗi nhớ bạn bè xưa, trường xưa, nỗi nhớ quê hương và người mẹ bất hạnh đã bị sát hại, nỗi nhớ được tạm quên đi khi Công việc đến nhiều và có chị Lê Hương ở gần.

  Thời gian này chúng tôi mới được phát quân phục, mũ mềm mặc vào trông giống như nữ giải phóng quân Trung Quốc. Tôi quý nhất chiếc áo trấn thủ, lần bông tuy mỏng nhưng cũng làm cho chúng tôi đỡ rét qua ngày đông.

  Cuối cùng thì tôi cũng được nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng lịch sử đã kết thúc 9 năm kháng chiến gian khổ của quân dân ta. Hòa bình đã trở lại, niềm vui lớn cho nhân dân cả nước. Giữa những ngày vui ấy tôi vẫn bị những cơn sốt cao hành hạ, bị sốt rét ác tính rất nặng phải nằm ở đội điều trị còn ở Việt Bắc, trong khi đó Quân y 108 về tiếp quản Thủ đô.

  Khi rút những cơn sốt, tôi được nghỉ dưỡng sức ba tháng, sau đó tôi được điều về Cục Quân y.

 

Bác sĩ Lê Thị Hoàng

Nguyên Tổ trưởng Tổ điều trị

Bệnh viện Trung ương Yên Trạch

Chia sẻ