Hội thảo khoa học Cập nhật những tiến bộ trong điều trị ung thư thực quản và đại-trực tràng giai đoạn muộn

  10:12 AM 27/02/2020
Ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ cho ung thư thực quản trong năm 2016 có khoảng 16.910 trường hợp ung thư thực quản mới được chẩn đoán (13.460 ở nam giới và 3.450 phụ nữ). Bệnh gặp xảy ra ở nam cao gấp 3 – 4 lần ở nữ. Nguy cơ ung thư thực quản trong một đời người ở Mỹ là khoảng 1/ 125 ở nam giới và khoảng 1/435 phụ nữ. Ung thư thực quản có tiên lượng nghèo nàn bậc nhất vì khi phát hiện được trên lâm sàng, u thường đã ở giai đoạn tiến triển.

Ung thư thực quản giai đoạn 1,2,3 là giai đoạn có thể cắt bỏ được khối u, phương pháp điều trị theo hướng dẫn của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ được chấp nhận và áp dụng rộng rãi: Hoá xạ trị tiền phẫu sau đó tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thực quản, nạo vét hạch rộng rãi. Tuy nhiên, phương pháp điều trị cho những bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn, khối u ở giai đoạn T4b, tức là có xâm lấn vào những tổ chức nguy hiểm ở xung quanh như: khí quản, màng ngoài tim, động mạch chủ bụng, phế quản gốc 2 bên... vẫn đang là một khó khăn lớn và tranh cãi.

Phương pháp chủ yếu được đưa ra hiện nay trong những trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn này đó là: Hoá xạ trị triệt căn ( Liều xạ trị là 60Gy) và không có khả năng phẫu thuật sau hoá xạ trị do tình trạng dính sau mổ, nguy cơ tử vong trong phẫu thuật do tổn thương những cấu trúc quan trọng trong lồng ngực. Phẫu thuật tạm thời được tiến hành là mở thông dạ dày nuôi dưỡng. Tiên lượng nghèo nàn, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 1 năm. Do đó tìm một hướng tiếp cận hiệu quả là một đòi hỏi cấp thiết.

 

Hội thảo đã mời Giáo sư Kazuhiko Yamada – Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Trung tâm chăm sóc sức khoẻ toàn cầu NCGM – Tokyo – Nhật Bản tham dự. Tại hội thảo, ông đã trình bày hướng tiếp cận được áp dụng hiện nay tại Nhật Bản đó là: Tiến hành hoá trị tiền phẫu bằng DCF, sau đó xạ trị với liều 40 Gy, bệnh nhân được đánh giá kết quả sau xạ trị, tiếp tục xạ trị kéo dài với liều 60Gy, Bệnh nhân được nghỉ trong vòng 4 tuần, được đánh giá đáp ứng tốt với xạ trị sẽ được tiến hành phẫu thuật. Hiện nay tại bệnh viện của ông đã tiến hành được 22 bệnh nhân, kết quả bước đầu mang lại đầy hy vọng (Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ: bệnh nhân không còn tổn thương trên thực quản được cắt bỏ pT0N0M0). Với nghiên cứu này mở ra hi vọng cho những bệnh nhân được đánh giá là không còn khả năng phẫu thuật theo Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ trước đây.

Tại Hội thảo, giáo sư Kiyomatsu – Trưởng khoa phẫu thuật đại-trực tràng Trung tâm chăm sóc sức khoẻ toàn cầu NCGM – Tokyo – Nhật Bản cũng trình bày báo cáo cập nhật về điều trị ung thư đại trực tràng đã có di căn phúc mạc. Những bệnh nhân này hiện nay vẫn rất khó điều trị, thường tử vong sớm. Tác giả đã báo cáo hướng điều trị đang được áp dụng tại bệnh viện của ông là: Phẫu thuật cắt toàn bộ lá thành phúc mạc (Peritonectomy) kết hợp với hoá nhiệt trong phúc mạc (Hyperthermic intraperitoneal chemotherapy- HIPEC). Kết quả áp dụng cho trên 300 bệnh nhân ung thư đại trực tràng và ung thư buồng trứng có di căn phúc mạc đã mang lại hiệu quả tốt. Đây cũng là một hướng đi tốt trong những bệnh nhân tưởng chừng đã cạn kiệt hi vọng này.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 

 

 

 

 

ThS.BS. Phạm Văn Hiệp - Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa

Chia sẻ