Dấu chân trên đại lộ đầy chông gai

  10:30 AM 22/04/2021

Thiếu tướng GS.TSKH.TTND Nguyễn Huy Phan

 

 “Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: Đại lộ đầy chông gai” là tiêu đề bài báo đăng trên Vietnamnet ngày 15/7/2010 rất được dư luận quan tâm. Bài báo tường thuật lại cuộc trò chuyện của phóng viên báo Thế giới và Việt Nam với Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước, một trong những nhân vật chủ chốt nhất “kiến tạo” việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ hơn 20 năm trước. Trong lời kể của mình, lần đầu tiên Đại tướng Lê Đức Anh đã công bố những điều tuyệt mật của thời kỳ ấy. Ông kể: “… Lúc đó tôi đương làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được Bộ Chính trị giao cho việc tìm cách nào đó để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ… Lúc đó giữa Việt Nam và Mỹ không có một kênh tiếp cận nào cả nên rất khó làm. Vả lại chiến tranh mới kết thúc hơn 10 năm, sự hận thù vẫn còn sâu sắc lắm. Không thể tiếp cận với nhau bằng chính trị, kinh tế thì phải tìm ở lĩnh vực khoa học - Kỹ thuật vậy. Cuối cùng ta đã chọn được một người làm khoa học - kỹ thuật là Bác sĩ Nguyễn Huy Phan ở Quân y Viện 108”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên là Bác sĩ Nguyễn Huy Phan có biết công việc có tính chất “sứ mệnh” của mình không, Đại tướng Lê Đức Anh nói: “Tất nhiên là biết nhiệm vụ của mình chứ. Tuy nhiên, công việc của anh Phan là tuyệt mật, tôi chỉ báo cáo với Bộ Chính trị thôi”. Ông kể tiếp: “Bình thường hóa quan hệ với Mỹ là chuyện khó ngay từ nội bộ ta lúc bấy giờ. Cán bộ và nhân dân ta chưa đồng tình. 20 năm chiến tranh tàn khốc còn để lại bao vết thương trên cơ thể đất nước và trong tâm lý mọi người. Lúc đó mà nói đến chuyện lập quan hệ ngoại giao với Mỹ là bị quy kết liền. Anh Phan không tránh khỏi và anh Thạch (tức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thời kỳ đó - NV) cũng bị một chút. Anh Phan bị đơn vị cho nghỉ việc và tước bỏ các quyền lợi, các danh hiệu. Đặc biệt là thời kỳ tôi bị xuất huyết não phải nằm viện giữa nhiệm kỳ Chủ tịch nước, anh Phan chỉ còn biết khóc bởi bất lực. Ra viện, trở lại Phủ Chủ tịch, tôi đã khôi phục lại danh dự cho anh Phan, tặng Huân chương cho anh, nhưng lúc đó anh đã suy sụp, đổ bệnh và qua đời…”.

Như vậy, với sứ mệnh được giao, GS.TS Nguyễn Huy Phan là người đã đặt những dấu chân đầu tiên trên “đại lộ đầy chông gai” trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Thật tiếc là nhân dịp kỷ niệm 15 năm hai nước bình thường hóa quan hệ, khi lần đầu tiên “sứ mệnh” tuyệt mật ấy được Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước công bố thì GS.TS Nguyễn Huy Phan đã không còn nữa. Nhiều bí mật và không ít những câu chuyện hấp dẫn, ý nghĩa của những năm tháng đầu tiên trên lộ trình đầy chông gai ấy đã vĩnh viễn khép lại. Đó cũng là một thiệt thòi không nhỏ cho những mong muốn tìm hiểu, suy ngẫm của những người quan tâm tới thời cuộc hôm nay.

Trong sự sắp đặt ngẫu nhiên của cuộc sống, tôi có cơ duyên được GS.TS Nguyễn Huy Phan tâm sự, chia sẻ không ít điều trong những năm tháng ấy. Số là đầu tháng 4 - 1992 tôi bị tai nạn giao thông rất nặng, gãy chân và mất một bên mắt. Bệnh viện Việt - Đức và Viện Mắt Trung ương sau ba ca mổ cứu sống được tôi nhưng không thể lắp mắt giả cho tôi và tôi bị vỡ trán và mất toàn bộ cung mày mắt trái. Tôi được giới thiệu tới GS.TS Nguyễn Huy Phan, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tạo hình. Thật may mắn tôi được Giáo sư biết tới khi ông từng đọc một số bài báo và tác phẩm văn học của tôi. Sau khi khám rất kỹ, ông nhận chữa cho tôi. Bao năm rồi tôi vẫn nhớ câu nói của ông hôm ấy: “Việc tạo hình, dựng lại cung mày để lắp mắt giả cho anh là rất khó, trong điều kiện Việt Nam hiện nay đó là điều gần như không thể. Nhưng rất may chuyến thăm Mỹ vừa rồi tôi được tặng một loại vật liệu y học mới. Đó là những miếng silicôn đặc nhiều hình dạng, có thể dùng chúng để dựng lại cung mày bị mất của anh”. Ông nắm chặt tay tôi, thân tình và giản dị: “Anh cứ yên tâm. Ta sẽ làm việc với nhau”. Vậy là, trong suốt gần hai năm trời tôi là bệnh nhân riêng của ông với bốn lần được ông trực tiếp mổ, mỗi ca mổ kéo dài từ 3 đến 4 tiếng. Tôi không bị gây tê toàn thân mà chỉ gây mê bộ phận bằng tiêm nôvôcain trực tiếp vào vùng phẫu thuật nên vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Ông vừa mổ vừa chuyện trò thân tình với tôi. Tôi nhớ ca mổ lần thứ hai diễn ra vào cuối tháng 9/1992. Kỳ đó ông nói với tôi rằng, mổ cho tôi xong là ông sẽ đi Mỹ và đây là chuyến đi rất quan trọng của ông. Ông nhờ tôi chuẩn bị giúp một số tài liệu về nước Mỹ, về một số nơi ở Mỹ mà ông sẽ tới trong chuyến đi. Công tác ở Thông tấn xã Việt Nam nên việc đó với tôi cũng không khó khăn lắm. Tôi còn chuẩn bị cho ông một máy ghi âm mini. Và lúc ông về, cũng chính tôi cặm cụi giải băng ghi âm thành văn bản cho ông. Ông coi tôi như một người bạn thân tình dù tôi kém ông tới hơn chục tuổi. Tôi và ông có nhiều dịp trò chuyện hàng giờ, khi thì ở phòng làm việc của ông tại Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình Quân y Viện 108, khi thì ở nhà riêng của ông ở đường Hoàng Diệu. Nghe ông kể về chuyến đi và từ nội dung các cuốn băng ghi âm ông mang về, nhạy cảm nghề nghiệp mách bảo tôi hình như ông đang đảm nhiệm một sứ mệnh gì đó rất quan trọng trong các chuyến đi Mỹ “dày đặc” của ông. Tôi ngỏ ý làm cuộc phỏng vấn ông về chuyến đi Mỹ mới nhất này. Ông vui vẻ nhận lời. Khi bản thảo hoàn thành, ông chăm chú đọc lại, trao đổi rất kỹ với tôi từng đoạn, thậm chí từng câu chữ. Tôi nói với ông, đây là bài phỏng vấn về một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, không biết Tổng biên tập có dám duyệt không, đăng rồi trên “thổi còi” thì liệu có giải trình ổn không, liệu có gì rắc rối với ông không? Ông suy nghĩ một lát rồi nói với tôi: “Tôi sẽ trình xin ý kiến anh Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng nay đã là Chủ tịch nước duyệt cho phép đăng bài báo này. Anh yên tâm được chưa?” Tôi thực sự mừng và ngỡ ngàng, không ngờ sự việc được giải quyết nhanh và tốt như vậy, không ngờ Giáo sư có mối quan hệ gần gũi với Chủ tịch Nước đến thế.

Rất nhanh, ngay ngày hôm sau tôi đã nhận được điện thoại Giáo sư báo tới nhận lại bài phỏng vấn đã được duyệt. Kèm theo bản thảo của tôi là Phiếu chuyển công văn của Văn phòng Bộ Quốc phòng đề ngày 30/11/1992, nội dung như sau:

“Kính gửi Anh Phan Tôi đã đọc anh Sáu nghe, theo ý kiến anh Sáu bỏ một đoạn tôi đã gạch trong văn bản. Xin kính chuyển đến anh để đăng và phát tin…Kính…Bá Ngọc”.

Bản thảo và phiếu chuyển công văn của Văn phòng Bộ Quốc phòng ngày ấy tôi vấn lưu giữ đến giờ. Bài phỏng vấn được đăng ngay trên báo Tuần tin tức của TTXVN (lúc đó tôi là Phó Tổng biên tập thường trực) và đồng thời đăng trên Tạp chí Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam lúc đó tôi là Tổng biên tập. Không ít chuyện và dư luận xung quanh bài phỏng vấn này. Nhưng đó là câu chuyện của gần 20 năm về trước…

Năm tháng qua đi, biết bao biến cố xảy đến với mỗi cuộc đời. Tôi rất ít có dịp gặp Giáo sư, trong những lần gặp hiếm hoi đó, Giáo sư không hề nói với tôi một lời nào về bi kịch mà ông đang phải gánh chịu. Những bi kịch mà trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Vietnamnet, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói đến. Tháng 9/1997, trở về sau một chuyến công tác xa dài ngày, được tin Giáo sư Nguyễn Huy Phan lâm trọng bệnh, tôi vội vã vào thăm. Giáo sư nằm trong căn phòng dành cho cán bộ cao cấp trong khu A Quân y viện 108. Ba cô con gái suốt ngày đêm bên cạnh Giáo sư. Giáo sư nắm chặt tay tôi, nói với tôi trong cơn đau, giọng rất buồn: “Tôi bị ung thư đã ở giai đoạn cuối. Nếu phẫu thuật, dù rất ít hy vọng nhưng vẫn còn có cơ may sống sót. Nhưng không ai dám cầm dao mổ cho tôi vì sự rủi ro quá lớn. Tôi từng phẫu thuật cứu sống hàng vạn người, nhưng thời khắc hệ trọng này lại không thể tự mổ cho mình. Đó cũng là bi kịch của người thầy thuốc anh ạ”. Ông hỏi thăm công việc của tôi và nói, hạnh phúc lớn nhất của ông là đã cứu chữa được nhiều người bệnh, trong đó có tôi. Ông tuyệt nhiên không nói một lời nào về “sứ mệnh” tuyệt mật ông được giao trong các chuyến thăm Mỹ ngày ấy, và cũng tuyệt nhiên không nói một lời về những bi kịch xảy ra với ông ngay tại Quân y Viện 108, nơi ông làm việc. Tôi cũng có nghe về những chuyện buồn của ông nhưng không dám hé lời trong câu chuyện với ông buổi chiều hôm đó. Phút chia tay ông nói với tôi, giờ đây nhớ lại tôi thấy đó dường như điều nhắn gửi sâu xa của ông. Ông nói: “Báo và tạp chí đăng bài anh phỏng vấn tôi về chuyến đi Mỹ ngày ấy, tôi vẫn giữ. Bài báo được nhiều người đồng tình, hoan nghênh nhưng tôi cũng đã gặp không ít rắc rối. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã rõ. Đảng hiểu tôi, lãnh đạo hiểu tôi, đồng chí hiểu tôi. Như thế, có ra đi tôi cũng đã có được sự thanh thản anh ạ”.

Nghe ông nói tôi ứa nước mắt. Ông sinh trưởng ở Hà Nội và là một trong những trí thức cách mạng tiêu biểu, một Thiếu tướng Quân y của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một thầy thuốc nhân dân, một nhà khoa học đầy tài năng và nhân cách. Tại nhiều Hội nghị khoa học y khoa hàng đầu quốc tế, ông đã thuyết trình trong sự ngưỡng mộ của các đồng nghiệp, đã trả lời bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga trước câu hỏi của các cử tọa đến từ nhiều quốc gia. Vậy mà cuộc đời lao động khoa học không mệt mỏi của ông, không chỉ có vinh quang mà còn cả những bi kịch cay đắng. Nhà khoa học chân chính, đầy tài năng và nhân cách ấy đã có lúc, như lời kể của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, “chỉ biết khóc bởi bất lực”.

Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng được gặp ông. Hai hôm sau ông đã lặng lẽ ra đi. Tấm huân chương mà nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói tới trong bài trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, chính là tấm Huân chương Độc lập hạng nhất mà Đảng và Nhà nước trao tặng GS.TS Nguyễn Huy Phan ngày 1/9/1997, 16 ngày trước khi ông qua đời. Với tấm Huân chương ấy, ông được yên nghỉ tại Nghĩa trang Mai Dịch. Nhưng điều quan trọng hơn thế, tôi nghĩ, chính là tấm gương mà ông đã để lại cho đời trong sự kính trọng, ngưỡng mộ sâu sắc của mọi người và cả những xót thương, ngậm ngùi về bi kịch vô lý mà có lúc ông đã phải gánh chịu. Không chỉ là một nhà khoa học đầy tài năng và nhân cách, ông còn là một nhà ngoại giao xuất sắc đã đặt những dấu chân đầu tiên trên đại lộ đầy chông gai trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ. Có rất nhiều chuyện, nhiều tình huống trong các chuyến đi Mỹ ông đã kể tôi nghe. Nhưng giờ đây ông đã yên nghỉ. Tôi nghĩ tốt nhất là hãy để những câu chuyện ấy yên nghỉ cùng ông. Để thắp một nén hương tưởng nhớ ông, và để có thể hình dung phần nào về những dấu chân gian khó của ông trên đại lộ đầy trông gai của “hai quốc gia vĩ đại” (Lời trong văn bằng “CÔNG DÂN DANH DỰ” mà Thống đốc Bang Marilen Mỹ trao tặng ông. Trong bài trả lời phỏng vấn sau chuyến ông thăm Mỹ cuối năm 1992 mà tôi thực hiện, ông đã gửi gắm lặng lẽ và kín đáo trong đó không ít thông điệp. Đó cũng là thông điệp mà phía Việt Nam và Mỹ gửi cho nhau qua ông, vào những năm tháng đặc biệt khó khăn“… khi chiến tranh tàn khốc vẫn còn để lại bao vết thương trên cơ thể đất nước và tâm lý mọi người Việt Nam…” (Lời của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh)…

Nhà báo Trần Mai Hạnh-Báo VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam

Chia sẻ