Chiếc máy đốt điện lưỡng cực đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

  03:08 PM 05/10/2020
Như chúng ta đã biết, để tiến hành Kỹ thuật Vi phẫu (KTVP) cần phải có kính hiển vi phẫu thuật, máy đốt điện lưỡng cực và các dụng cụ cỡ nhỏ, trong đó kính hiển vi phẫu thuật và máy đốt điện lưỡng cực là khó nhất, chúng ta không thể tự sản xuất được trong thời kỳ mà đất nước chúng ta sau một cuộc kháng chiến toàn dân giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đang sống trong thời kỳ hậu chiến với chế độ kinh tế bao cấp, đời sống muôn vàn khó khăn vất vả.

Năm 1978, khi kết thúc những năm học tập tại Viện Phẫu thuật thần kinh (PTTK) tại Thủ đô Sofia (Bulgary), một Viện mà ngoài những phẫu thuật của chuyên khoa còn đặc biệt chuyên sâu về Vi phẫu thuật (VPT). Trước khi về, GS Kar- raguiozob hỏi tôi có yêu cầu gì không? Đúng như những gì tôi đã suy nghĩ và trăn trở, tôi trả lời ngay với GS Karagu-iozob là tôi cần một máy đốt điện lưỡng cực xách tay để về triển khai kỹ thuật vi phẫu (KTVP) ở Việt Nam. GS đồng ý và hứa sẽ biếu tôi một chiếc máy mới, do Bulgary sản xuất, như loại máy ông đang dùng ở Viện. Tháng 6/1978, khi về nước, tôi báo cáo tình hình học tập với Giáo sư Nguyễn Huy Phan, lúc đó là Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình và là Phó Giám đốc Bệnh viện, phụ trách về ngoại khoa, là tôi có mang về một máy đốt điện lưỡng cực và một số kim, chỉ khâu siêu mảnh, nhãn hiệu Ethicon của Mỹ, từ số 8/0, 9/0 đến số 12/0 dùng cho mổ VPT mạch máu và thần kinh. Anh Phan thân mật vỗ vai tôi và nói: “Thế thì tốt quá, tôi đang rất cần một máy đốt điện lưỡng cực để triển khai KTVP, nếu anh đồng ý, tôi sẽ đưa chiếc máy anh mang về, cho Viện Vật lý Hà Nội, sẽ tháo ra nghiên cứu và sẽ sản xuất cho chúng ta những máy lưỡng cực dùng trong Bệnh viện”. Tôi trả lời “Thế thì còn gì bằng, anh cứ thực hiện theo ý anh”. Sau một thời gian khẩn trương, năm 1978, những máy đốt điện lưỡng cực đầu tiên của Việt Nam mang nhãn hiệu “Bipo lar Microcoagulator, Institute of Physic, Hanoi” ra đời và trang bị cho một số khoa ngoại, khoa thực nghiệm của bệnh viện chúng ta.

Với máy đốt điện lưỡng cực, tác dụng đốt chỉ hạn chế ở các vi mạch hoặc các tổ chức rất tinh vi, bị kẹp ở đầu nên rất nhỏ, không lan tỏa ra bên ngoài nên vùng đốt được khu trú rất hạn chế, rất hẹp và không gây tổn thương cho các tổ chức xung quanh vùng cần đốt. Sau đó chẳng bao lâu, với tinh thần khẩn trương và đầu óc tổ chức sáng tạo, sự tháo vát và lòng say mê, GS Phan đã có được một kính hiển vi phẫu thuật, nhãn hiệu Xeiss thế hệ III và các dụng cụ VPT từ những nguồn khác nhau và một phòng mổ thực nghiệm mà BS Nguyễn Thế Trang, sau những tháng học và tham quan ở Pháp về làm Chủ nhiệm khoa. Từ đó, các cán bộ Khoa Phẫu thuật tạo hình (PTTH) và PTTK bắt đầu chăm chỉ mổ thực nghiệm KTVP trên chuột và thỏ.

Những năm 1980-1982, Khoa PTTH bắt đầu áp dụng KTVP trên lâm sàng và hàng loạt những vạt da, cơ và da cơ cấy tự do có nối mạch nuôi đã được sử dụng làm chất liệu tạo hình. Và cũng từ năm 1981, KTVP trên các dây thần kinh ngoại vi ở những vết thương chiến tranh chưa được xử trí triệt để cũng được xử trí triệt để bằng kĩ thuật nối các bó sợi thần kinh tại khoa Phẫu thuật Thần kinh. Những năm tiếp theo, Khoa Phẫu thuật tạo hình tiếp tục có nhiều thành công lớn của Giáo sư Nguyễn Huy Phan và bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng (Khoa Phẫu thuật Lồng ngực B5), Bác sĩ Trần Đức Hòe (Khoa Phẫu thuật Tiết niệu B2). Tại khoa Chấn thương B1 (nay là Viện Chấn thương Chỉnh hình Quân đội) Bác sĩ Nguyễn Việt Tiến đã tiến hành ghép xương vi phẫu bằng nối mạch nuôi với kết quả rất tốt. Khoa PTTK cũng tiến hành mổ, thắt túi phồng động mạch trong sọ và cùng khoa PTTH nối động mạch ngoài sọ với động mạch trong sọ…

Trong những năm gần đây, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thế giới, Bệnh viện chúng ta cũng được trang bị nhiều máy móc phương tiện hiện đại, nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại ra đời: Kỹ thuật nội soi, kỹ thuật thông mạch (angioplasty và stenting…) để điều trị các bệnh về tắc mạch, phẫu thuật bằng tia xạ (Radiosurgery như Cyberknife và Gamma knife) đã được thực hiện ở Bệnh viện chúng ta.

Đến nay, sau hơn 35 năm, từ những ngày đầu tiên triển khai KTVP ở nước ta, KTVP ở Bệnh viện chúng ta đã được nhiều khoa ngoại áp dụng và đã có nhiều bước tiến nhanh, ngoài sự tưởng tượng lúc đầu. Nhiều tổ chức siêu nhỏ đã được xử lý, nhiều vùng nguy hiểm, tế nhị đã được tiếp cận, nhiều tổn thương phức tạp đã được can thiệp nhưng phẫu thuật ghép tổ chức, ghép chi đứt rời, ghép tạng…mà với kỹ thuật ngoại khoa kinh điển không thực hiện được. Với khả năng phóng to những thương tổn, phóng to những chi tiết giải phẫu…KTVP giúp ta xử trí tốt hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn, thành công hơn những bệnh lý ngoại khoa phức tạp, phục hồi lại chức năng đã mất và mang tính chuẩn xác và bảo tồn cao đã được nhiều bác sĩ trẻ ở Bệnh viện 108 chúng ta thực hiện thành công.

Qua phần trình bày trên, về những ngày đầu của việc xây dựng và phát triển của KTVP ở Việt Nam, tôi xin phép được nêu lên những suy nghĩ sau đây:Bệnh viện chúng ta xây dựng Kỹ thuật vi phẫu, một kỹ thuật đỉnh cao của khoa học y học thế giới mà ở những nước tư bản phát triển cũng chỉ mới ra đời từ thập kỷ 1960 -1970, nhưng ở nước ta vào cuối năm 1978, KTVP đã được hình thành và phát triển trong những điều kiện vô cùng khó khăn như chúng tôi đã nêu ở trên. Sự ra đời của KTVP ở nước ta trong những giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn. Đó là một cố gắng đáng ghi nhớ của GS Tiến sĩ Nguyễn Huy Phan và những cộng sự của ông. Những máy móc, phương tiện, dụng cụ phục vụ trong thời gian này đã đi vào dĩ vãng, nhưng đã có một vai trò lịch sử quý giá đánh dấu một giai đoạn khó khăn của đất nước và những cố gắng vươn lên của những cán bộ của Bệnh viện 108 chúng ta trong giai đoạn ấy.

Một trong những chiếc máy đốt điện lưỡng cực trên được sử dụng ở Khoa PTTK chúng tôi hiện nay đang được Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam (Herit-ist) tại Hà Nội lưu giữ làm vật chứng.

Bệnh viện Trung ương Quân đội chúng ta đã hơn 60 năm tuổi, kể từ khi thành lập trong điều kiện vô cùng khó khăn thời kháng chiến chống Pháp. Đến hôm nay, Bệnh viện chúng ta đã trưởng thành nhanh chóng, không thua kém trình độ của Thế giới và khu vực. Tôi có dịp được gặp một số các trí thức trẻ của Bệnh viện, anh chị em thông minh, nhiệt tình và có nhiều khát vọng vươn lên những đỉnh cao mới. Bệnh viện chúng ta lại được Nhà nước và Bộ Quốc phòng rất quan tâm, bộ đội và nhân dân tin tưởng, yêu mến, xây dựng cơ sở một bệnh viện hiện đại, với đội ngũ cán bộ của Bệnh viện có trình độ chuyên môn giỏi, giàu nhiệt tình trách nhiệm, tôi tin tưởng và chắc chắn rằng, Bệnh viện Trung ương Quân đội chúng ta sẽ mãi mãi làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm của một Bệnh viện loại đặc biệt quốc gia./.

Đại tá PGS Lê Văn Tiến, Nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ