Chiếc áo chì có bao giờ là quá nặng

  10:59 AM 19/12/2022

Những ngày tháng 3 năm 2014 tôi được nhận về làm việc tại Bệnh viện TWQĐ 108, mang trong mình bầu nhiệt huyết của một bác sĩ mới ra trường, tôi đã ôm hoài bão để theo đuổi giấc mơ trở thành một bác sĩ ngoại khoa có thể trực tiếp đối diện xử trí các ca bệnh trong tình huống hiểm nghèo đem lại sức khoẻ và sự sống cho người bệnh. Tuy nhiên, theo sự phân công sắp xếp của Lãnh đạo bệnh viện tôi được bố trí về Khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch làm việc và học tập.

Áo chì - chiếc áo giáp ra trận của bác sĩ, kỹ thuật viên khi thực hiện kỹ thuật can thiệp

Với tôi, khái niệm về can thiệp tim mạch thời điểm đó là vô cùng mới mẻ, khái niệm trong tôi chỉ là lý thuyết mơ hồ bởi trong suốt quá trình học đại học tôi chưa bao giờ được đặt chân vào phòng can thiệp tim mạch, chưa thể hình dung được hết công việc mà mình cần phải làm cũng như những khó khăn mà tôi phải đối mặt. Vì vậy, tôi khá lo lắng và băn khoăn không biết bản thân có thể làm tốt công việc và phù hợp với chuyên ngành hay không, nhưng tôi biết đây là một chuyên ngành mới, nhiều tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Ngày đầu tiên đi làm, tôi được gặp Chủ nhiệm khoa - Đại tá PGS.TS. Lê Văn Trường, cảm nhận đầu tiên khi được gặp thầy là một người nghiêm nghị điềm tĩnh và tâm huyết với bệnh nhân, chính tâm huyết này của thầy có lẽ đã truyển lửa tới tất cả các anh em trong khoa thời điểm bấy giờ từ các bác sĩ, tới anh em kỹ thuật viên. Những ngày sau đó tôi bắt đầu làm quen với công việc, được chứng kiến thế nào là can thiệp và những mặt bệnh liên quan, tôi thực sự choáng ngợp bởi độ rộng của kiến thức cũng như những mảng kỹ thuật rất chuyên sâu mà các bác sĩ tại khoa đang thực hiện, từ các bệnh lý mạch máu thần kinh, cho tới bệnh lý tim mạch bệnh lý tại gan, đến mạch máu chi dưới, và thậm chí cả điều trị bệnh lý sản khoa u xơ tử cung… và các cấp cứu với tính chất khẩn cấp, gần như các bác sĩ phải có mặt tức thì khi có cấp cứu dù cho có đang làm việc gì ở nơi đâu thì đều phải sẵn sàng đến viện, trong khi chúng tôi chỉ có 4 bác sĩ thời điểm đó.

Tôi dần hiểu được sự vất vả trong chuyên ngành từ gánh nặng về kiến thức cần học hỏi cho đến gánh nặng về áp lực trong mỗi ca can thiệp và cường độ dày đặc của cấp cứu liên quan. Và một trong những gánh nặng hữu hình của ngành Can thiệp chính là bộ áo chì mà các bác sĩ kỹ thuật viên phải mang trên mình, nặng 8 đến 10 cân.

 

Khi còn là sinh viên y khoa, tôi chưa bao giờ e ngại phải đứng phụ một ca 5-6 tiếng nhưng khi được áo chì tuần đầu tiên tôi thực sự có cảm giác muốn khuỵ xuống. Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ với một bác sĩ can thiệp mạch thì chiếc áo chì là một hiện thân của những khó khăn, gánh nặng, trách nhiệm mà mình phải khoác lên vai khi đối diện với người bệnh, với những phút giây nguy hiểm nhất. Tôi cũng đã tự hỏi liệu mình có chịu đựng được chiếc áo chì này không? Liệu tôi có đủ sức đứng vững? Tuy nhiên mọi thứ dần nhanh chóng qua đi bởi tôi đã bắt đầu cảm nhận được một nguồn sức mạnh giúp tôi vượt qua, đó là tinh thần cứu chữa người bệnh của tất cả anh em bác sĩ kỹ thuật viên.

Tôi dần nhận ra ưu thế của chuyên ngành can thiệp đó là sang chấn tối thiểu nhưng đem lại lợi ích gần như tối đa với các bệnh lý mạch máu nói chung, từ đó giúp người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo.

Tôi vẫn còn nhớ anh Tuyển (TS. Nguyễn Trọng Tuyển) đã từng nói với tôi: Chuyên ngành này tuy vất vả thật đấy nhưng công việc này của mình rất có ý nghĩa”. Tôi dần cảm nhận được tâm huyết của các thầy, các anh. Với tôi, lúc đó một bác sĩ trẻ muốn được học hỏi được cống hiến thì có lẽ tôi đã ở đúng nơi mình cần ở.

Vì vậy dù có khó khăn bao nhiêu thì tôi tự nhủ nhất định mình sẽ phải cố gắng vượt qua, không bao giờ được lùi bước, phải nối tiếp bước con đường mà các anh đã vạch ra và trách nhiệm của lớp trẻ là phải phát huy hơn nữa, làm tốt hơn nữa để sau này không bao giờ phải hổ thẹn với tiền bối, không phải hổ thẹn với chính mình. Thế là dần dần tôi đã không còn cảm thấy chiếc áo chì nặng nề như ngày đầu tiên, từng bước tôi đã đứng vững trên đôi chân mình và khoác trên vai chiếc áo chì với niềm tin, lòng tự hào là một bác sĩ can thiệp mạch. Mỗi khi mặc áo chì là một lần khoác áo giáp ra trận chống lại bệnh tật bảo vệ sức khoẻ và tính mạng người bệnh.

Thực hiện: Đại úy Ths.BS Lê Hữu Khánh – Khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108.

Chia sẻ