Phẫu thuật tuyến giáp là gì?
Phẫu thuật tuyến giáp là một quy trình ngoại khoa được thực hiện trong phòng mổ, dưới tác dụng của gây mê, nhằm loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn tuyến giáp, tùy thuộc vào bệnh lý, giai đoạn, đáp ứng với điều trị nội khoa hay không. Phẫu thuật tuyến giáp được chỉ định cho các bệnh lý: nhân tuyến giáp, bệnh Basedow, ung thư tuyến giáp…
Tại khoa Phẫu Thuật Lồng Ngực – Bệnh Viện TWQĐ 108 phẫu thuật tuyến giáp được thực hiện thường quy với kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao kết hợp cùng công nghệ hiện đại người bệnh không phải dùng kháng sinh trước, trong và sau phẫu thuật, tỷ lệ biến chứng rất thấp, giảm thiểu chi phí trong sử dụng thuốc mà vẫn đạt hiệu quả tối ưu. Người bệnh phục hồi nhanh chóng và thường ra viện vào ngày thứ 2 sau phẫu thuật.

Các vấn đề cần quan tâm sau phẫu thuật tuyến giáp?
* Tại chỗ:
-Vết mổ: Vùng cổ, đa số bác sĩ sẽ khâu chỉ tự tiêu, điều này giúp người bệnh tránh được phiền toái là phải cắt chỉ, thông thường chỉ tự tiêu sẽ tiêu hết trong sau khoảng 60 ngày.
Trường hợp khâu chỉ không tiêu (chỉ Nilon) thì thời gian cắt chỉ là 7-8 ngày sau mổ tại các cơ sở y tế xã, phường hoặc 1 phòng khám.
Sau mổ vùng cổ có thể hơi tấy đỏ, hoặc hơi nề nhẹ, điều này là bình thường
Người bệnh sau mổ 3 – 5 ngày có thể bỏ băng, chỉ cần giữ sạch vết mổ, sau khi tắm thấm khô và bôi qua dung dịch sát khuẩn (cồn iot, betadin) sau đó để vết mổ tự khô.
-Dẫn lưu vết mổ: Người bệnh thường được đặt 1 ống dẫn lưu sau phẫu thuật ở vùng cổ trước, ống này có tác dụng hút dịch và máu vào 1 bình dẫn lưu, trong trường hợp dịch ra quá nhiều( >100ml, dịch máu đỏ tươi) người bệnh cần báo ngay cho nhân viên y tế. Hàng ngày người bệnh được nhân viên y tế thay đổ dịch dẫn lưu vết mổ, kiểm tra, theo dõi sát và đánh giá quá trình hồi phục vết mổ. Dẫn lưu này thường được rút 24h – 48h sau mổ.
* Một số triệu chứng có thể gặp sau mổ:
- Buồn nôn, nôn đây có thể là tác dụng phụ ngay sau mổ của thuốc gây mê, tùy vào thể trạng đáp ứng thuốc của mỗi người bệnh sẽ có những biểu hiện nặng nhẹ khác nhau. Nếu tình trạng buồn nôn và nôn gây khó chịu nhiều, bạn có thể được cho dùng thuốc chống buồn nôn và các hướng dẫn, chăm sóc cụ thể từ nhân viên y tế
- Sốt rất ít gặp sau phẫu tuyến giáp, nhưng nếu sốt cao (> 38,5 độ C) tại vết mổ nề đỏ, sưng tấy có dịch thấm băng cần đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị hợp lý
- Hiện tại với ứng dụng kỹ thuật mới hiện đại, người bệnh được sử dụng gói giảm đau tại chỗ giúp đỡ đau vết mổ, nhanh hồi phục, có thể sau mổ tê bì da vùng mổ và vùng sau tai đây là hiện tượng bình thường và sẽ hết dần trong 1 vài giờ đầu đến 1 ngày sau mổ
- Tê bì nhẹ đầu ngón tay chân hai bên, cảm giác lăn tăn kiến bò sẽ hồi phục sau 1-2 tuần sau mổ, nếu tình trạng này tăng nặng hoặc có rút cơ, đau cơ người bệnh cần báo nhân viên y tế để được kiểm tra, lấy máu xét nghiệm và truyền hoặc uống calci.
- Đau họng có thể kèm theo ho và ít đờm là hiện tượng bình thường sau mổ, thường kéo dài 5-7 ngày , người bệnh nên uống thêm nhiều nước ấm và được nhân viên y tế hướng dẫn cách ho khạc hiệu quả
- Khàn tiếng và nuốt sặc có thể gặp trong vài tuần sẽ hồi phục. Hiếm khi khàn tiếng là vĩnh viễn (< 3%).
* Điều trị I ốt phóng xạ:
Người bệnh ung thư tuyến giáp, nếu chỉ cắt 1 thùy thì không phải điều trị I ốt 131. Trường hợp cắt toàn bộ tuyến giáp (có hoặc có vét hạch trung tâm - hạch nhóm 6) có điều trị I ốt phòng xạ hay không phụ thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh sau mổ, xét nghiệm máu và xạ hình sau mổ. Người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể khi tái khám lần đầu (thường sau khi ra viện 10 ngày đến 2 tuần).
* Các thuốc sau mổ: Hormon tuyến giáp, Calci 6v calci carbonat
Cơn đau sau mổ tuyến giáp thường là nhẹ, chỉ cần dùng thuốc uống, giảm đau tuần đầu, efferangan codein
* Dinh dưỡng:
- Nuốt đau hoặc vướng trong tuần đầu hoặc có thể kéo dài 2 tuần, sau đó sẽ trở lại bình thường, vì vậy nên ăn thức ăn mềm, từng miếng nhỏ. Nếu người bệnh gặp vấn đề về ăn uống như sặc khi uống đồ lỏng, hãy từ từ làm quen bằng cách dùng ống hút để uống chậm và ít một, sau đó tăng dần lượng lên, hoặc uống từ đặc đến lỏng
- Để đảm bảo sức khỏe thì các chế độ ăn kiêng không được khuyến khích sau mổ. Người bệnh cần ăn chế độ đầy đủ chất, giàu đạm trừ khi có kết hợp bệnh lý thì cần phải ăn theo chế độ đó.
* Hoạt động:
Thông thường người bệnh cần giữ đầu cao, cằm hơi nâng nhẹ để giảm khó chịu và phù nề do sau mổ sẽ có xu hướng cổ hơi cúi. Tránh việc dày dính vết mổ, người bệnh cần vận động cổ với các bài tập cổ sớm sau 3-5 ngày sau mổ. Các hoạt động chân tay nên nhẹ nhàng trong tuần đầu, bạn có thể vận động trở lại bình thường sau tuần đó và tham gia các hoạt động thể thao sau 1 tháng.
*Các giấy tờ, lịch hẹn:
Trước khi ra viện, người bệnh được nhân viên y tế hoàn thành hồ sơ bệnh án, hướng dẫn thủ tục ra viện cụ thể, ngoài ra người bệnh có thể quét mã QR được dán tại từng buồng bệnh để người bệnh có thể dễ dàng tra cứu các thông tin cần thiết
Sau khi thanh toán ra viện tại phòng tài chính của Bệnh viện người bệnh sẽ nhận được các giấy tờ sau:
-Giấy ra viện ghi rõ chẩn đoán, hướng điều trị và lịch khám lại
-Phiếu mổ: ghi rõ thời gian, chẩn đoán và phương pháp mổ
-Giấy hẹn (nếu người bệnh có giấy chuyển bảo hiêm đúng tuyến) kèm theo 1 bản giấy chuyển tuyến photo từ tuyến trước
-Giấy kết quả giải phẫu bệnh thường được hẹn lấy sau 7-10 ngày làm việc tính từ ngày ra viện
-Giấy thanh toán ra viện và hóa đơn đỏ (nếu cần)
-Đơn xin sao bệnh án (nếu cần)
Khoa Phẫu Thuật Lồng Ngực thường xuyên có các hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe và hướng dẫn các bài vận động phục hồi chức năng sau mổ phù hợp bằng các hình thức tập trung hoặc trên từng người bệnh giúp người bệnh yên tâm điều trị và hiểu hơn về bệnh, các chăm sóc của nhân viên y tế
Thực hiện: Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hiền – Khoa Ngoại lồng ngực – Bệnh viện TWQĐ 108