Các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em, bố mẹ cần lưu ý:
- Tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm
- Nhiễm siêu vi (sốt virus, cảm cúm, sởi, thủy đậu, rubella…)
- Bệnh tay chân miệng
- Viêm đường hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm họng…)
- Rôm sảy, viêm da do nóng ẩm
- Sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não
Nguyên tắc phòng bệnh mùa hè cho trẻ
- Tiêm chủng đầy đủ: Đảm bảo trẻ được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, cúm, rubella, sốt xuất huyết Dengue... đúng lịch để tăng sức đề kháng và phòng bệnh hiệu quả
- Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Không cho trẻ ngậm đồ chơi, mút tay, ăn bốc; Đồ chơi, dụng cụ ăn uống, khăn mặt, khăn tay phải dùng riêng, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày; Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày; Nhà cửa, phòng ở cần thông thoáng, sạch sẽ, lau dọn thường xuyên.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung đầy đủ chất đạm, rau xanh, trái cây tươi, vitamin và khoáng chất; Đảm bảo thực phẩm an toàn, tươi sạch, bảo quản cẩn thận, tránh ăn thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc; Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày (1 – 1,5 lít), tránh nước ngọt có ga, nước đá lạnh
- Sinh hoạt khoa học: Hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời nắng gắt, đặc biệt vào trưa và xế chiều; Không để trẻ chơi quá lâu trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột; Thay quần áo khi trẻ ra nhiều mồ hôi, không để trẻ mặc đồ ướt, tránh bị cảm lạnh; Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc (8-10 tiếng/ngày), không để trẻ thức khuya
- Phòng tránh côn trùng đốt, sốt xuất huyết: Cho trẻ nằm màn kể cả ban ngày; Loại bỏ nước đọng quanh nhà, dọn dẹp sạch sẽ nơi ở để hạn chế muỗi sinh sản.
Chăm sóc trẻ khi mắc một số bệnh mùa hè thường gặp
Tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm:
- Bù nước và điện giải (oresol) đúng chỉ dẫn, cho trẻ uống nước trái cây, nước lọc.
- Tiếp tục cho trẻ ăn, chia nhỏ bữa, ưu tiên thức ăn dễ tiêu.
- Giữ vệ sinh cá nhân, môi trường, đồ dùng của trẻ sạch sẽ
Nhiễm virus (sốt virus, cảm cúm, thủy đậu…):
- Cho trẻ nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát.
- Lau mát bằng nước ấm khi sốt cao, chỉ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định.
- Bù nước, cho ăn đồ lỏng, dễ tiêu, bổ sung hoa quả, rau củ tăng sức đề kháng.
- Đưa trẻ đi khám nếu có dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài, co giật, li bì, khó thở
Bệnh sởi:
· Cho trẻ nằm phòng riêng hạn chế tiếp xúc; mang khẩu trang
· Cho trẻ uống thuốc theo đơn và hướng dẫn, dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh da, mắt mũi miệng.
· Đưa trẻ tái khám ngay khi có 1 trong các dấu hiệu bất thường sau: Không ăn uống được, nôn mọi thứ; tím tái; thở nhanh; rối loạn tri giác.
· Hướng dẫn phòng ngừa tránh lây chéo: Không đến nơi công cộng, nghỉ học 4 ngày sau phát ban; tiêm chủng sởi cho người phơi nhiễm sởi chưa tiêm chủng.
Bệnh tay chân miệng:
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, để nguội mát, chia nhiều bữa nhỏ. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
- Vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý. Không làm vỡ các mụn nước, có thể bôi dung dịch sát khuẩn vào các mụn nước vỡ
- Cách ly trẻ bệnh, vệ sinh đồ dùng, quần áo riêng biệt. Cho trẻ nghỉ học, sau 7-10 ngày kể từ khi phát bệnh mới cho trẻ đi học lại.
- Tái khám mỗi 1 - 2 ngày trong 7-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
- Đưa trẻ đi viện ngay nếu có 1 trong các dấu hiệu sau: Sốt trên 39°C hoặc kéo dài trên 48 giờ; nôn ói nhiều; lừ đừ hoặc kích thích; không bú hoặc ăn bú quá ít; giật mình; thở nhanh, khó thở; da nổi vân tím (nổi bông); hôn mê, co giật; trẻ có dấu hiệu bất thường hoặc cha mẹ lo lắng.
Rôm sảy, viêm da do nóng ẩm:
- Cho trẻ mặc quần áo mỏng, rộng, thấm hút mồ hôi.
- Tắm rửa hàng ngày, giữ da khô thoáng, tránh xoa phấn rôm khi da còn ướt.
- Không tự ý dùng thuốc bôi, tránh để trẻ gãi ngứa gây trầy xước da
Viêm đường hô hấp:
- Giữ ấm cho trẻ khi thay đổi nhiệt độ, tránh để trẻ ra vào nơi có sự chênh lệch nhiệt độ lớn.
- Vệ sinh mũi họng, cho trẻ uống đủ nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
- Đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu nặng: sốt cao, khó thở, thở nhanh, bỏ bú, li bì.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
- Sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, co giật, li bì, bỏ ăn uống, nôn nhiều, tiêu chảy mất nước nặng.
- Có dấu hiệu thần kinh: run chi, co giật, lơ mơ, hốt hoảng.
- Khó thở, thở nhanh, tím tái, đau bụng dữ dội, phát ban toàn thân.
- Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khiến cha mẹ lo lắng
Cha mẹ hãy chủ động trang bị các kiến thức và bảo vệ sức khỏe trẻ em để trẻ có một mùa hè vui tươi, khỏe mạnh!
BS. Lê Trương Tuyết Minh
Khoa Nhi – Bệnh viện TWQĐ 108