Càng nhớ Bác trong ngày vui truyền thống

  10:26 AM 19/02/2021

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bệnh viện TƯQĐ 108 (1/4/1951-1/4/2011) hội tụ nhiều thế hệ qua các thời kỳ. Vui nhất được gặp các thầy lớp tuổi 90 như Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng, Bác sĩ Trần Bảo, người Viện trưởng đầu tiên, Giáo sư Trương Xuân Đàn; lớp trên 80 thì nhiều hơn như Giáo sư Bùi Đại, Vũ Trọng Kính, Đặng Hiếu Trưng, Nguyễn Tự, Nguyễn Tri Phương, Đỗ Thị Chu Ngân, Tường Vi, Nguyễn Thị Ngọc Toản, các chuyên viên giáo sư đầu ngành, nhiều bác sĩ, y tá, công nhân viên đã lớn tuổi; hầu hết đều còn khoẻ, minh mẫn v.v..., gia đình con cháu thành đạt. Nhưng cũng hẫng hụt, thiếu vắng các thầy, các anh lớn đã đi xa như Giáo sư Phạm Gia Triệu, Giáo sư Nguyễn Ngọc Doãn, Giáo sư Trần Văn Việp, Giáo sư Nguyễn Huy Phan, Giáo sư Nguyễn Văn Âu, Giáo sư Phạm Tử Dương, Bác sĩ Đỗ Hoài Nam, Bác sĩ Đào Trọng Xuân... Một sổ bác tuổi cao, sức yếu cũng không tới dự vui được như Giáo sư Nguyễn Thế Khánh, Võ Văn Vinh và khá nhiều người khác nữa.

Các thế hệ lãnh đạo Bệnh viện gặp mặt nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống

Nổi bật trong cuộc gặp gỡ lần này là có nhiều người thuộc các thế hệ trước đã được vinh dự gặp Bác Hồ đến thăm viện, trực tiếp nghe Bác căn dặn chỉ bảo. Khi Bác lâm bệnh nặng lại được vinh dự thay mặt Viện chăm lo săn sóc, phục vụ Bác như Giáo sư Nguyễn Thế Khánh, các y tá Trần Thị Quý, Ngô Thị Oanh, Nguyễn Thị Láng, Nguyễn Thị Thanh. Mọi người đều vui mừng thấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy từ viện đến các khoa, ban bây giờ hầu hết là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ trẻ đều là đội ngũ trưởng thành từ cơ sở, thế hiện quyết tâm học tập, rèn luyện, năng động, đổi mới, ngày càng phát huy truyền thống của Bệnh viện.

Khi gặp nhau, vui mừng, dốc bầu tâm sự, ôn cố tri tân hết chuyện đơn vị lại đến chuyện gia đình rồi sang chuyện cá nhân vui hết sảy và cũng mừng hết sảy. Xúc động nhất là chuyện đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, rồi Điện Biên Phủ trên không năm 1972 ở ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, trong đó có chuyện B52 Mỹ đã ném bom xuống đúng khu hầm trú ẩn của TBB, của cán bộ cao cấp và trúng ngay căn hầm làm phòng mổ trên bàn có thương binh đang mổ, nhưng may mắn là đều được an toàn. Trong cuộc đọ sức đỉnh cao này, ai cũng xung phong tình nguyện được ở lại bệnh viện để phục vụ chứ không muốn đi sơ tán. Người nào cũng muốn được đóng góp cao nhất cho cuộc chiến quyết tử này. Thật tự hào, phấn khởi và xúc động biết bao.

Trở lại câu chuyện, anh chị em thường tâm sự nhiều hơn về những khó khăn của khoa, ban mình. Chuyện được mọi người chú ý là của khoa Giải phẫu bệnh lý với cụm từ “Mổ không đau”, làm đẹp cho người xấu số và hài lòng cho người thân đi xa. Quan trọng là khoa đã giúp cho lâm sàng chẩn đoán bệnh được chính xác, là khoa có Giáo sư Nguyễn Gia Quyền được phục vụ bảo quản thi hài Bác đầu tiên cùng các chuyên gia Liên Xô. Nay Giáo sư Quyền đã đi xa, nhưng mọi người đều tâm niệm Ông vẫn được ở gần Bác để phục vụ Bác của chúng ta.

Một sự ngẫu nhiên là vị trí khoa và chỗ bảo quản thi hài Bác gần sát nhau, hàng ngày mọi người đi làm đều phải đi qua, cảm tưởng như Bác luôn ở Viện mình. Ai cũng suy ngẫm thương Bác, nghĩ đến lời dạy của Bác ở khoa, ai cũng tự hào vì đã yên tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề, học tập lớp người đi trước mà tiêu biểu là Giáo sư Quyền. Bây giờ là Thương tá Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chủ nhiệm khoa Trịnh Tuấn Dũng, ngay từ khi mới ra trường, anh đã xung phong về công tác tại khoa và chính anh là người nỗ lực học tập nghiên cứu tích cực nhất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều trị chất lượng cao của Viện. Trong ngày vui này, tôi còn được gặp bác sĩ Trần Liên, bác sĩ Nguyễn Viết Châu, bác sĩ Lê Hồng Trang, bác sĩ Chủ nhiệm khoa Nguyễn Phương Đông, anh Phong hộ sĩ trưởng, anh Mông cán bộ bảo vệ, một số hộ sĩ trong Khoa A11. Mọi người đều vui mừng, phấn khởi vì khoa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng mà từ trước đến giờ chưa ai dám nghĩ tới.
 

Nhớ lại lần cấp cứu một bệnh nhân “đặc biệt” tim đã ngừng đập; toàn khoa đã hợp đồng nhanh chóng, chẩn đoán chính xác, thao tác khéo léo, điều trị kịp thời nên đã cấp cứu thành công. Người chỉ huy cấp cứu bệnh nhân ấy chính là Giáo sư Viện trưởng, chuyên viên tim mạch Nguyễn Thế Khánh. Chuyện cấp cứu một bệnh nhân trước kia đã được gần Bác nhiều cũng là trường hợp đặc biệt vì ông tuổi đã cao mà bệnh tình lại rất nặng, nhưng nhờ có đội ngũ cán bộ chuyên sâu dày dạn kinh nghiệm dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình tiến hành điều trị bằng kỹ thuật cao không thua kém chuyên gia nước ngoài nên đã thành công mỹ mãn.

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm nay, nhiều tin vui, rất vui đến: Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên qua các thời kỳ về dự đông nhất trong đó có nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu thành lập viện đến nay. Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, huân chương cao quý nhất cho bệnh viện. Được giao nhiệm vụ xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia. Là một bệnh viện gắn bó với Bác lâu dài và sâu sắc nhất, bây giờ lại có một khu văn hoá “Tâm linh” độc đáo với Nhà tang lễ quốc gia, nhà lễ tang Viện 108 là một, sát ngay bên cạnh di tích bảo quản thi hài Bác, được nhân dân ca ngợi là Nhà tang lễ theo ý Đảng lòng dân.

Với khí thế phấn khởi chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XI thành công tốt đẹp, hơn lúc nào hết Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nguyện luôn luôn ra sức học tập, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội; học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh cụ thể đối với ngành y Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như là người mẹ hiền. Làm tròn nhiệm vụ Xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao cho.

Đại tá, BS Lê Văn Đính - Nguyên Phó giám đốc chính trị, Bí thư Đảng ủy Viện Quân y 108

Chia sẻ