Chỉ số đường huyết của thực phẩm- một chỉ số quan trong trong lựa chọn thực phẩm cho người bệnh tiểu đường!

  08:47 AM 21/05/2020
Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường) hiện đang là bệnh lý rất phổ biến, là gánh nặng y tế cho toàn xã hội. Để kiểm soát tốt đường máu, bên cạnh việc sử dụng thuốc hạ đường máu và chế độ sinh hoạt, tập luyện hợp lý thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường) hiện đang là bệnh lý rất phổ biến, là gánh nặng y tế cho toàn xã hội. Để kiểm soát tốt đường máu, bên cạnh việc sử dụng thuốc hạ đường máu và chế độ sinh hoạt, tập luyện hợp lý thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường, đa số chúng ta đều biết nguyên tắc đầu tiên là hạn chế ăn các thực phẩm thuộc nhóm glucid (tinh bột, đường). Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào thuộc nhóm glucid khi ăn vào cũng đều làm tăng lượng đường trong máu như nhau mà còn phụ thuộc vào một chỉ số gọi là chỉ số đường huyết của thực phẩm. Vậy, chỉ số đường huyết của thực phẩm là gì? Chỉ số này có phải là chỉ số đường huyết có trên các phiếu xét nghiệm máu của bệnh nhân tiểu đường hay không? Cách lựa chọn thực phẩm theo chỉ số đường huyết tốt cho người bệnh tiểu đường như thế nào? Đây là các thông tin vô cùng hữu ích đối với người bệnh đã hoặc đang có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường!

1. Chỉ số đường huyết của thực phẩm là gì?

Trước hết phải khẳng định chỉ số đường huyết của thực phẩm là một chỉ số dùng cho thực phẩm, không phải chỉ số đường máu trong phiếu xét nghiệm của người bệnh tiểu đường. Các loại thực phẩm giả sử chứa cùng một lượng đường nhưng sau khi ăn sẽ tăng đường huyết với mức độ khác nhau. Khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn của thực phẩm được gọi là chỉ số đường huyết của thực phẩm đó. Chỉ số đường huyết được coi là một chỉ tiêu để lựa chọn thực phẩm. Các thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp làm tăng đường máu từ từ và thấp sau ăn. Các thực phẩm với chỉ số đường huyết cao làm đường máu tăng nhanh và cao sau ăn.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết của thực phẩm bao gồm lượng đường, loại đường có trong thực phẩm đó, quá trình nấu và chế biến thực phẩm. Có vài nghiên cứu chỉ ra là hàm lượng chất xơ có thể coi là chỉ điểm thay thế cho chỉ số đường huyết của thực phẩm. Các thực phẩm nhiều chất xơ, đặc biệt là loại hòa tan, có chỉ số đường huyết thấp.

2. Cách lựa chọn thực phẩm theo chỉ số đường huyết tốt cho người bệnh tiểu đường?

Theo phân loại quốc tế, chỉ số đường huyết của thực phẩm ở các mức: cao khi > 70%, trung bình khi từ 56-69%, thấp khi từ 40-55% và rất thấp khi<40%. Dựa vào mức phân loại này và bảng chỉ số đường huyết của các loại thực phẩm thông dụng, chúng ta có thể lựa chọn được các thực phẩm phù hợp với tình trạng đường máu của mình theo nguyên tắc các thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp làm tăng đường máu từ từ và thấp sau ăn. Các thực phẩm với chỉ số đường huyết cao làm đường máu tăng nhanh và cao sau ăn.

Bảng chỉ số đường huyết (GI) của một số thực phẩm thông dụng

Cũng cần lưu ý là ngoài việc quan tâm đến chỉ số đường huyết của thực phẩm, chúng ta cũng cần lưu ý đến hàm lượng đường có trong 100g của thực phẩm đó. Một thực phẩm lý tưởng không làm tăng lượng đường trong máu là ngoài có chỉ số đường huyết thấp phải kèm theo có hàm lượng đường thấp. Việc lựa chọn này nghe có vẻ khó khăn, tuy nhiên khi thật sự quan tâm và trong thời đại công nghệ thông tin như ngày này, việc tìm hiểu kỹ về thực phẩm nào thật sự tốt cho bệnh tiểu đường được nhiều người bệnh thực hiện khá dễ dàng. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng cần biết các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến đáp ứng glucose máu sau ăn như glucose máu lúc đói, glucose máu trước bữa ăn, phân bố các đa chất dinh dưỡng của bữa ăn, sự kháng insulin...và đặc biệt tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sỹ chuyên khoa để có thể kiểm soát tốt nhất tình trạng đường máu của mình.

TS.BS. Đoàn Huy Cường

Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chia sẻ