Thông qua Kỹ thuật mới “Định lượng nồng độ thuốc chống thải ghép Everolimus trong máu bệnh nhân ghép Gan, Thận, Tim bằng máy COBAS e601 (ROCHE-Mỹ)”

  03:03 PM 15/09/2022
Chiều ngày 14/9/2022, Thường trực Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện đã họp thông qua kỹ thuật mới: “Định lượng nồng độ thuốc chống thải ghép Everolimus trong máu bệnh nhân ghép Gan, Thận, Tim bằng máy COBAS e601 (ROCHE-Mỹ)”)” do Khoa Miễn dịch, Bệnh viện TWQĐ 108 là đơn vị chủ trì.

 

Theo dõi nồng độ thuốc trong trị liệu (Therapeutic Drug Monitoring: TDM) là một kỹ thuật lâm sàng liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau (như hóa phân tích, dược động học, dược lý…) nhằm tối ưu khả năng chăm sóc người bệnh bằng cách theo dõi nồng độ thuốc trong máu; cho phép các bác sĩ và dược sĩ cá thể hóa liều dùng của thuốc để nâng cao kết quả chữa bệnh. Việc theo dõi nồng độ thuốc điều trị là phương pháp tiếp cận được công nhận nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn cho liệu pháp theo dõi nồng độ thuốc ức chế miễn dịch sử dụng trong ghép tạng. Trong đó, thuốc ức chế miễn dịch Everolimus (EVR) được sử dụng trong chống thải ghép và điều trị nhiều loại ung thư, là thuốc có diện điều trị hẹp với sự biến thiên lớn về dược động học giữa các cá thể và mối liện hệ giữa dung nạp với đáp ứng điều trị. Đặc biệt, đối với bệnh nhân sau ghép tạng, việc quá liều EVR không chỉ có khả năng gây ra ngộ độc thuốc mà còn gây ra sự ức chế miễn dịch quá mức có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngược lại nếu sử dụng liều EVR dưới ngưỡng điều trị có khả năng cao gây ra thải ghép. Do đó, việc theo dõi nồng độ thuốc EVR ngay sau dùng trong và sau ghép tạng là rất cần thiết.

Năm 2014, ủy ban khoa học về thuốc ức chế miễn dịch theo dõi nồng độ thuốc điều trị và độc tính lâm sàng (IATDNCT) đã khuyến cáo những ưu việt của việc theo dõi nồng độ EVR trong điều trị. Trong những năm qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực ghép tạng với hơn 150 ca ghép thận và hơn 140 ca ghép gan. Số lượng bệnh nhân theo dõi sau ghép tại bệnh viện vì thế mà tăng nhanh, đặt ra nhu cầu cần có những thuốc mới trong theo dõi sau ghép và EVR là một trong những thuốc đã và đang được sử dụng. Trước những nhu cầu hiện tại, việc triển khai xét nghiệm định lượng EVR trong máu toàn phần bệnh nhân, để hỗ trợ theo dõi nồng độ thuốc chống thải ghép sau ghép tạng bằng máy Cobas e601 (Roche-Mỹ) với mục tiêu nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Thường trực Hội đồng Khoa học Bệnh viện đánh giá cao tính khả thi của kỹ thuật, cũng như lợi tích tối ưu của việc theo dõi nồng độ EVR trong điều trị, và chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ghép gan và ung thư gan. Thường trực Hội đồng Khoa học Bệnh viện nhất trí thông qua và cho tiến hành triển khai kỹ thuật tại Bệnh viện.

Phòng KHQS

Chia sẻ