Thông qua Kỹ thuật mới “Bảo quản mô xương sọ phục vụ ghép”

  04:48 PM 14/09/2022
Chiều ngày 14/9/2022, Thường trực Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện đã họp thông qua kỹ thuật mới: “Bảo quản mô xương sọ phục vụ ghép” do Khoa Sinh học phân tử, Bệnh viện TWQĐ 108 là đơn vị chủ trì.

 

Xương vòm sọ là loại xương xốp cấu tạo gồm hai bản xương ngoài và trong, giữa hai bản xương là xương Havers xốp, trong có các hốc xương xốp có chứa tuỷ xương; mặt trong của xương vòm sọ (mặt não) là màng xương. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết sọ như chấn thương sọ não được đánh giá là nguyên nhân phổ biến nhất; sau đó là các bệnh lý khác như u não, phình mạch não, di chứng của vết thương chiến tranh và sau các phẫu thuật bệnh lý não. Từ khoảng 400 năm trước Công nguyên, người Andean đã hoàn thiện phẫu thuật tạo hình khuyết sọ bằng các vật liệu như vàng bạc; đến năm 1668, Ollier, người đi tiên phong trong tạo hình xương, đã đưa ra khái niệm phân biệt ghép tự thân (autograft), ghép đồng loài (allograft), ghép dị loài (xenograft). Từ đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu tạo hình khuyết sọ bằng các vật liệu kim loại khác như nhôm, vàng, bạc, trong đó Titan là hợp kim có thể tồn tại trước những thử thách của thời gian. Tuy nhiên titan không đồng nhất với xương vòm sọ, khó tạo hình theo đúng vùng khuyết trừ phương pháp 3D. Trong điều kiện thực tế hiện nay cho thấy việc sử dụng mảnh ghép xương tự thân/ đồng loại để ghép lại vẫn là lựa chọn tốt nhất bởi tính tiện lợi và mang lại hiệu quả chi phí. Để tiến hành điều kiện ghép lại cho các bệnh nhân, cần phải có các mảnh xương sọ, đồng thời bảo quản tốt mô/xương sọ với đặc tính giữ nguyên vẹn cấu trúc, đặc tính sinh học trong một thời gian dài ở điều kiện vô trùng. Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để bảo quan xương sọ gồm: vùi dưới da, bảo quản lạnh sâu và đông khô. Trong đó, phương pháp kỹ thuật bảo quản xương sọ ở nhiệt độ âm sâu với cơ chế là ngưng tạm thời mọi hoạt động chuyển hóa của tế bào thông qua ức chế hoạt tính cảu các enzym trong tế bào bằng “đông băng” môi trường trong và ngoài tế bào với tốc độ làm lạnh chậm (10C/phút) tới khoảng -300C và rồi làm lạnh nhanh tới -1960C  được áp dụng rộng rãi, dễ tiến hành trong bảo quản tế bào, mô, đặc biệt là bảo quản xương sọ.

 

Thường trực Hội đồng Khoa học Bệnh viện đánh giá cao tính khả thi của kỹ thuật, cũng như dựa trên nhu cầu và lợi ích của bệnh nhân, đồng thời kỹ thuật tận dụng tối đa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có của Bệnh viện. Thường trực Hội đồng Khoa học Bệnh viện nhất trí thông qua và cho tiến hành triển khai kỹ thuật bảo quản mô xương sọ phục vụ ghép tại Bệnh viện TWQĐ 108.

Phòng KHQS

Chia sẻ