Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

  03:54 PM 07/09/2023
Ung thư tuyến tiền liệt (hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến) là bệnh lý ác tính phát triển trong tuyến tiền liệt, gặp ở nam giới, đặc biệt là độ tuổi trên 50. Theo dữ liệu GLOBOCAN năm 2020, ở nam giới, ung thư tuyến tiền liệt đứng hàng thứ 2 về tỷ lệ mới mắc các loại ung thư trên toàn thế giới với hơn 1,4 triệu ca. Ở Việt Nam, bệnh lý này đứng hàng thứ 5 về tỷ lệ mắc với 6.248 ca mắc mới ở nam giới.

Tuyến tiền liệt là bộ phận quan trọng trong hệ sinh dục chỉ có ở nam giới, nặng khoảng 20-25 gam. Kích thước của tuyến này thay đổi theo độ tuổi, phát triển từ khi dậy thì và ổn định từ tuổi 30, sau đó tiếp tục lớn hơn khi nam giới về già. Tuyến tiền liệt nằm phía dưới bàng quang và phía trên trực tràng, cạnh túi tinh. Đường dẫn nước tiểu đi xuyên qua trung tâm tuyến tiền liệt, ra ngoài dương vật. Tuyết tiền liệt có nhiệm vụ tạo ra tinh dịch.

Sự phát triển bất thường, mất kiểm soát của các tế bào tuyến tiền liệt sẽ hình thành khối u ác tính tại đây, dẫn đến ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh thường phát triển rất chậm và không có biểu hiện về bệnh lý ở giai đoạn đầu.

Đối tượng nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt: nam giới > 50 tuổi; tiền sử gia đình có người mắc ung thư tuyến tiền liệt, mắc các bệnh liên quan đến hệ niệu đạo, gặp các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, rối loạn cương dương, xuất hiện máu trong tinh dịch, táo bón...

Hiện tại, không có một xét nghiệm nào được coi là tiêu chuẩn trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Trong thực hành lâm sàng, thường sử dụng 2 phương pháp sau để tầm soát bệnh lý này:

1. Xét nghiệm định lượng PSA trong máu.

PSA (Prostate Specific Antigen) là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt, được tạo ra bởi các tế bào trong tuyến tiền liệt (cả tế bào bình thường và tế bào ung thư). PSA chủ yếu được tìm thấy trong tinh dịch, nhưng một lượng nhỏ cũng được tìm thấy trong máu.

Mức PSA trong máu được đo bằng đơn vị nanogram trên mililit (ng/ml). Khả năng mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt tăng lên khi mắc PSA tăng lên nhưng không có điểm giới hạn chính xác nào để khẳng định chắc chắn một người đàn ông có bị ung thư tuyến tiền liệt hay không.

a. PSA toàn phần

Trong thực hành lâm sàng, các bác sĩ sử dụng ngưỡng giới hạn PSA toàn phần là 4 mg/mL để quyết định xem có cần làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán hay không. Ở một số bệnh nhân, có thể bắt đầu với ngưỡng PSA thấp hơn như 2,5 hoặc 3.

Hầu hết đàn ông không bị ung thư tuyến tiền liệt có nồng độ PSA toàn phần/máu dưới 4 ng/mL. Tuy nhiên, PSA < 4 ng/mL không khẳng định được người đó không mắc ung thư tuyến tiền liệt.

¼ đàn ông có mức PSA từ 4 đến 10 ng/mL có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Và nếu > 10ng/mL, thì tỷ lệ này tăng lên 50%.

b. PSA tự do

PSA tồn tại trong máu ở 2 dạng: PSA gắn protein vá PSA tự do. Phần trăm PSA tự do (%fPSA) là tỷ lệ giữa PSA lưu hành tự do và PSA toàn phần. Tỷ lệ này ở nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt thường thấp hơn nhóm nam giới không mắc bệnh.

Nếu PSA toàn phần từ 4-10 ng/mL, có thể làm thêm xét nghiệm PSA tự do để đưa ra các chỉ định xét nghiệm khác, thậm chí là sinh thiết tuyến tiền liệt.

- %fPSA ≤ 10%: nên sinh thiết tuyến tiền liệt chẩn đoán.

- %fPSA từ 10 – 25%: cân nhắc áp dụng sinh thiết để chẩn đoán.

2. Thăm tuyến tiền liệt qua trực tràng.

Bác sĩ sẽ đeo găng, bôi trơn và thăm trực tràng của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ cảm nhận được các bất thường do của khối u tuyến tiền liệt trong lòng trực tràng. Qua đánh giá đặc điểm u về kích thước, mật độ, bề mặt, ranh giới, còn hay mất rãnh liên thuỳ tuyến tiền liệt, có đau vùng u hay có máu chảy ra theo găng không; bác sĩ sẽ nhận định được khả năng có u hay không và khối u này là lành hay ác tính để định hướng các xét nghiệm tiếp theo.

3. Các xét nghiệm khác:

Nếu có bất thường trên xét nghiệm định lượng PSA trong máu hoặc khi thăm trực tràng, có thể sử dụng một số phương pháp khác để xác định tình trạng có mắc ung thư tuyến tiền liệt hay không:

- Xét nghiệm lại nồng độ PSA trong máu vào thời điểm khác, thường là sau 1 tháng. Cách này thường áp dụng cho nhóm có nồng độ PSA thấp từ 4-7 ng/ml. Với nồng độ cao hơn, chúng ta nên sử dụng biện pháp khác.

- Làm thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ chẩn đoán như:

+ Xét nghiệm các chỉ số PSA đặc hiệu khác, chỉ số sức khoẻ tuyến tiền liệt (Prostate Health Index - PHI), 4Kscore, tốc độ tăng PSA (PSA velocity), mật độ PSA (PSA density)...

+ Siêu âm cắt ngang, chụp cộng hưởng từ.

- Tiến hành sinh thiết tuyến tiền liệt để chẩn đoán xác định.

Việc lựa chọn phương án nào phải cần có sự thống nhất giữa bác sĩ và bệnh nhân dựa trên việc đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ khi tiến hành các phương pháp chẩn đoán trên từng bệnh nhân cụ thể.

Tác giả: BSNT. BSCK1. Phạm Đình Phúc, khoa Ung thư Tổng hợp, Viện Ung thư, Bệnh viện TƯQĐ 108.

Chia sẻ