Suy kiệt thể trạng do viêm loét họng

  04:43 PM 15/06/2019
Chị B.T.T (31 tuổi, Hải Phòng) bị sụt 14kg trong một năm do không ăn, uống được thời gian dài. Trong vòng một tháng gần đây, từ tháng 4 đến tháng 5/2019 chị T có biểu hiện nuốt đau và vướng hơn và đã được chuyển từ Bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện TWQĐ 108.

Khi nhập viện chị T trong thể trạng sa sút, mệt lả, ăn uống kém, không nói, không cười được, qua thăm khám nội soi thấy có khối sùi loét thành sau họng bên phải, áp xe vùng hạ họng.

Hình ảnh nội soi viêm loét thành sau họng, bệnh nhân B.T.T

Bác sĩ Nguyễn Việt Hưng, Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, sau khi khám và nội soi hình ảnh cùng kết quả CT xác định bệnh nhân bị viêm loét thành sau họng do nấm. Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân được chú trọng nâng đỡ cơ thể, cải thiện toàn trạng, nuôi dưỡng chống nhiễm khuẩn tốt. Song song với đó, khoa cũng đã làm các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh bao gồm : sinh thiết tổ chức sùi, cấy dịch nhầy ổ viêm loét, xét nghiệm ngoại trừ lao,…  

Bác sĩ Nguyễn Việt Hưng, khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện TWQĐ kiểm tra nội soi họng bệnh nhân sau quá trình điều trị tại Bệnh viện

Sau hơn 3 tuần điều trị, toàn trạng bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt, nuốt không đau và có thể ăn uống bình thường qua đường miệng, nội soi thành sau họng không còn ổ viêm loét hoại tử.

Bệnh nhân đã ổn định và được ra viện ngày 10/6 với nụ cười rạng rỡ trên mặt.

Theo đó, mọi người cần lưu ý thăm khám sức khỏe thường xuyên. Nếu có biểu hiện bệnh viêm loét họng nên đến các cơ sở y tế uy tín để các Bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám và điều trị, không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị.

Nấm họng cũng như các bệnh nấm nói chung là khó chữa do nấm có một lớp vỏ chitin rất khó ngấm thuốc. Vì vậy, khi đã điều trị, cần trao đổi cụ thể với bệnh nhân để họ có thể phối hợp điều trị dài ngày, kết hợp dùng thuốc với việc loại bỏ các yếu tố thuận lợi để bệnh nấm phát sinh. Tùy theo mức độ bệnh, sức đề kháng của từng người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp và các thuốc điều trị khác nhau cho phù hợp

Các việc giúp phòng chống bệnh nhiễm nấm họng - miệng:

- Vệ sinh răng miệng: đánh răng và súc miệng sau khi ăn, đặc biệt sau khi dùng các loại thuốc xịt họng có corticoides.

- Khám răng định kỳ, nhất là khi có mang răng giả thì phải làm sạch mỗi đêm trước khi ngủ.

- Ăn nhiều sữa chua, rau xanh cùng với siêng năng vận động thể chất. Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường.

- Hạn chế hoặc không hút thuốc lá.

An Ngọc – Truyền thông Bệnh viện TWQĐ 108

 

Chia sẻ