Lồi xương hàm Torus

  02:19 PM 05/04/2021
Lồi xương hàm- Torus xương hàm (torus khẩu cái và torus hàm dưới) là một vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm, đây là một u xương lành tính ở xương hàm có nguyên nhân do di truyền chiếm 70%, do môi trường chiếm 30%. Tỷ lệ người Việt nam có torus khá cao (68,5%), lồi xương hàm bình thường không cần phẫu thuật, chỉ can thiệp phẫu thuật khi nó phát triển quá lớn làm ảnh hưởng đến tâm lý, chức năng nhai, nuốt, nói và làm cản trở khi điều trị phục hình răng giả. Đến nay nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên các nhóm chủng tộc khác nhau và kết quả thu được trên mỗi nhóm chủng tộc này cũng rất khác nhau.

Người Việt nam, cùng với các nhóm dân khác như Nhật bản, Thái lan đều thường xuyên dùng đồ biển trong các bữa ăn hàng ngày, mà các thực phẩm này rất giàu Vitamine D (chủ yếu trong gan cá) và acid béo g3-polinsatures (thường có trong mỡ cá). Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sự hiện diện của Vitamine D làm tăng sự hiện diện của một loại proteine cảm ứng tạo xương. Còn acid béo y3- polinsatures là chất quan trọng có tác dụng kích thích quá trình tăng trưởng và phát triển của protein TGF b (Tumor Growth Factor), thành phần của protein này chứa đựng BMP (Bone Morphogenetic Protein), đây cũng là loại protein làm kích thích sự tạo xương. Vì vậy, tần suất xuất hiện torus khá cao trong các nhóm dân này. Tỷ lệ có torus khẩu cái ở nữ (73%) cao hơn so với nam (61,1%) một cách có ý nghĩa. Torus hàm dưới có tỷ lệ thấp và xuất hiện ở nam (4,8%) nhiều hơn nữ (3%). Tỷ lệ nam vừa có torus khẩu cái, vừa có torus hàm dưới (31,6%) nhiều hơn nữ (16%).

           

Torus hàm dưới                                          

Torus hàm trên

Hình dạng của torus:

Torus phẳng: Là lồi xương rộng, dẹt và phẳng, nằm ở hai bên đường ráp của xương hàm trên. Đáy torus thường rộng.

Torus hình thoi: Thường thấy ở vùng đường ráp hai xương hàm trên. Torus thường hẹp, dài, có thể kéo dài từ vùng gai cửa đến vùng giới hạn sau của khẩu cái cứng

Torus dạng hòn: Là những hòn xương nhỏ, rời rạc, thường xuất hiện hai bên đường giữa. Khi những lồi xương này tập hợp lại thành một lồi xương duy nhất, có thể thấy những rãnh xuất hiện giữa những hòn xương.

Torus dạng thùy: Hòn xương duy nhất, lớn hơn hẳn so với các dạng trên, đáy rộng và có cuống.

Kích thước

Vết: phát hiện khi sờ bằng tay, cảm giác một hòn xương hơi lồi hơn so với xung quanh.

Nhỏ: khi chiều cao của torus dưới 3mm.

Vừa: chiều cao torus từ 3- 5mm.

Lớn: chiều cao của torus trên 5mm.

    Ở hàm trên tỷ lệ có torus khẩu cái ở nữ (73%) cao hơn so với nam (61,1%). Torus khẩu cái xuất hiện sớm, đặc biệt torus ghi nhận ở trẻ em Việt Nam trong thời kỳ răng sữa (nghiên cứu của Nguyễn Quang Quyền trên sọ khô là 41,9%), tỷ lệ có torus rất cao ở nhóm trẻ tuổi (tuổi 15-19) lên đến 68,9%, ở lứa tuổi này torus có kích thước nhỏ, torus phát triển kích thước lớn hơn ở nhóm tuổi 30-49 rồi giảm dần kích thước ở nhóm tuổi lớn hơn 50 tuổi. Điều này nói lên rằng sự tăng kích thước của torus có liên quan đến sự quá tải lực nhai. Kích thước của torus khẩu cái thường là nhỏ hoặc vừa, hiếm thấy torus đạt kích thước lớn.     

 Vị trí thường thấy nhất của torus khẩu cái là 1/3 giữa khẩu cái và 1/3 giữa- sau. Hình dạng thường gặp nhất của torus khẩu cái là dạng hòn và có nhiều múi, kết quả này như nhau ở cả hai giới (44,7%). Dạng phẳng đứng hàng thứ hai (30,9%) và dạng thùy hiếm thấy nhất (1%). Dạng thùy thường chỉ thấy trong những trường hợp torus khẩu cái đạt kích thước lớn, thường gây khó chịu cho bệnh nhân, cần phải can thiệp phẫu thuật.

   Đối với torus hàm dưới, vị trí thường gặp nhất cũng là vị trí ở mặt lưỡi đối diện với vùng răng cối nhỏ, ở hai bên, đối xứng nhau. Người ta thường dựa vào thuyết cơ học để giải thích sự hiện diện của torus hàm dưới. Lực nhai có xu hướng đẩy các chóp răng cối nhỏ hàm dưới hướng vào phía lưỡi, điều này làm kích thích sự tăng sinh lớp xương ở phía trong của xương hàm dưới. Một số tác giả khác cho rằng torus hàm dưới xuất hiện là một dấu hiệu của tình trạng quá tải lực nhai trong quá khứ hoặc trong hiện tại, nhất là có liên quan với nghiến răng.

   Torus hàm dưới ở nam lại nhiều hơn nữ, hơn nữa nam vừa có torus khẩu cái vừa có torus hàm dưới với tỷ lệ cao gấp đôi nữ. Tỷ lệ nam chỉ có torus bên phải (11,8%) nhiều hơn so với nam chỉ có torus ở bên trái. Ngược lại, tỷ lệ nữ chỉ có torus bên trái (8,1%) nhiều hơn nữ chỉ có torus bên phải (6,8%). Có thể tỷ lệ hiện diện khác nhau của torus như trên là do thói quen nhai bên phải hay bên trái nhiều hơn. Nhưng tỷ lệ nam và nữ có torus ở cả hai bên là như nhau (trung bình là 82,6%). Nhìn chung ở cả hai giới, tỷ lệ có torus một hòn ở cả hai bên hàm dưới là cao nhất (38%), kế đến là các torus hàm dưới có ở một bên và dạng nhiều hòn (27,3%). Các trường hợp có torus ở hai bên hàm dưới nhưng số lượng không đối xứng như một bên 1 hòn, một bên nhiều hòn và trường hợp chỉ có torus ở một bên có tỷ lệ gần tương đương. Trường hợp torus hàm dưới chỉ có một bên với nhiều hòn là ít thấy nhất. Như vậy, torus hàm dưới có khuynh hướng phát triển đối xứng nhau ở hai bên xương hàm dưới.

  Torus hàm dưới ở nam nhiều hơn nữ, hơn nữa nam vừa có torus khẩu cái vừa có torus hàm dưới với tỷ lệ cao gấp đôi nữ. Sở dĩ torus hàm dưới xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ là do nam có cơ hàm khỏe hơn ở nữ. Người ta thường dựa vào thuyết cơ học để giải thích sự hiện diện của torus hàm dưới. Lực nhai có xu hướng đẩy các chóp răng cối nhỏ hàm dưới hướng vào phía lưỡi, điều này làm kích thích sự tăng sinh lớp xương ở phía trong của xương hàm dưới. Một số tác giả khác cho rằng torus hàm dưới xuất hiện là một dấu hiệu của tình trạng quá tải lực nhai trong quá khứ hoặc trong hiện tại, nhất là có liên quan với nghiến răng.

Bs: Nguyễn Duy Chiến

Khoa Răng- BVTƯQĐ108

 

Tài liệu tham khảo:

Vũ Trịnh Thành Ý, Huỳnh Anh Lan, Trần Kim Cúc (2007) “Đặc điểm lâm sàng của torus khẩu cái và torus hàm dưới trên 615 ca”, Tap chí y học Thành phố Hồ Chí Minh  số 2- tập 11- 2007, tr: 80- 85.

Chia sẻ