Hướng dẫn sử dụng bút tiêm insulin

  02:52 PM 14/02/2022

PHẦN I. CÁC BƯỚC SỬ DỤNG

Bước 1: Chuẩn bị

Lấy bút ra khỏi tủ lạnh trước khi tiêm 30 phút để insulin trong bút về nhiệt độ phòng. Sau khi rửa tay sạch với xà phòng, bạn hãy tháo nắp bút bằng cách kéo thẳng. Tiếp đó, bạn lăn nhẹ bút trong lòng bàn tay 10 lần, dốc ngược bút lên xuống 10 lần để trộn đều insulin trong bút.

Trước khi gắn kim, bạn nên sát khuẩn khu vực nệm cao su bằng bông tẩm cồn và tháo bỏ miếng dán bảo vệ ở kim tiêm. Kim tiêm được gắn vào bút bằng cách xoay theo chiều kim đồng hồ 3 – 4 vòng. Lưu ý không nên vặn quá chặt vì bạn sẽ phải lấy đầu kim này ra khỏi bút tiêm sau khi sử dụng.

Mỗi kim sẽ có 2 nắp, nắp ngoài và nắp trong. Sau khi tháo 2 nắp này, bạn nên giữ lại nắp ngoài.  Chiếc nắp này sẽ giúp bạn tháo kim tiêm dễ dàng hơn.

Bước 2. Đuổi bọt khí

Bạn cần nhìn vào đầu bút, ở đó sẽ có 1 cửa sổ nhỏ ghi các số 1, 2, 3… Bạn xoay vòng chọn liều theo chiều kim đồng hồ đến vạch số “2”.  Sau đó dựng thẳng bút, búng nhẹ vào buồng chứa insulin để bọt khí nổi lên trên và nhấn nút tiêm để đẩy bọt khí. Nếu không thấy có giọt insulin ở đầu kim, thử lại từ bước chọn vạch số “2”. Kết thúc bước này, cửa sổ chỉ liều phải ở vạch “0”.

Bước 3. Chọn liều insulin

Bạn xoay vòng chọn liều theo chiều kim đồng hồ cho đến khi trên cửa sổ hiện số đơn vị insulin mà bạn được chỉ định. Nếu vô tình chọn sai, hãy xoay ngược lại về đúng con số cần tiêm.
Bước 4. Tiêm insulin

Dùng cồn làm sạch da vùng tiêm, sau đó cầm bút tiêm như cách bạn cầm bút bình thường. Đâm kim vuông góc vào bề mặt da và nhấn nút tiêm từ từ cho đến khi cửa sổ chỉ liều về số “0”. Khi này, bạn nên chờ khoảng 5 – 10 giây sau đó mới rút kim ra.

Bạn có thể thấy còn 1 giọt insulin ở đầu kim, tuy nhiên đây là hiện tượng bình thường. Bạn không cần lo lắng, mình chưa tiêm đủ insulin.

Bước 5. Tháo và hủy kim tiêm

Lấy nắp ngoài của kim tiêm, lắp lại vào bút. Sau đó bạn xoay cả nắp và kim bên trong theo chiều ngược kim đồng hồ để loại bỏ đầu kim ra khỏi bút. Cuối cùng đóng nắp bút và bảo quản cho các lần tiêm kế tiếp.

PHẦN 2. CÁCH BẢO QUẢN BÚT TIÊM INSULIN

Các yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến tác dụng của insulin. Do đó, bạn cần biết cách bảo quản để đảm bảo hiệu quả của bút tiêm.

Với các bút tiêm đã được sử dụng, bạn để ở nhiệt độ phòng (< 30*C), tại nơi không bị ánh sáng chiếu trực tiếp. Trường hợp bút tiêm insulin mới mua, bạn bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (2 – 8 *C). Bạn nên đặt bút tiêm ở khu vực giữa tủ lạnh, không đặt quá sâu hoặc ở cửa tủ. Bởi nhiệt độ ở những vị trí này không ổn định hoặc thường xuyên bị rung lắc, có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của insulin.

PHẦN 3. LƯU Ý KHI DÙNG BÚT TIÊM INSULIN

Ngoài việc nắm rõ các bước sử dụng bút tiêm, bạn cần thực hiện đúng các lưu ý sau để đảm bảo an toàn và có hiệu quả giảm đường huyết tốt nhất.

Kiểm tra hạn sử dụng của bút tiêm trước khi dùng.

Insulin quá hạn sẽ giảm tác dụng và ảnh hưởng xấu đến đường huyết của bạn. Do đó, trước khi dùng, bạn cần kiểm tra hạn sử dụng của bút tiêm.

Tuổi thọ của bút tiêm mới thường là 1 năm. Với các bút tiêm đã dùng thì hạn sử dụng sẽ rơi vào khoảng 10 – 28 ngày.

PHẦN 4. CHỌN ĐÚNG VỊ TRÍ TIÊM

4 vị trí tiêm insulin tốt nhất

Vị trí tiêm tốt nhất là vùng bụng, mặt ngoài cánh tay, mông và đùi. Bạn nên tiêm insulin xoay vòng, không lặp lại vị trí tiêm trong 15 ngày để tránh bị nổi cục. Ngoài ra, các vùng da thâm tím, sưng, đau, vết thương hở, sát rốn hay các vết sẹo cũng không nên tiêm insulin.

Chia sẻ