Hội chứng Mallory Weiss

  04:45 PM 07/09/2022
Vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận và cấp cứu thành công bệnh nhân mắc hội chứng Mallory Weiss.

Bệnh nhân nữ N.T.H 67 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 điều trị thường xuyên, động kinh không điều trị. Cách vào viện 1 ngày bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thể, được bệnh viện tuyến trước cấp cứu và đặt ống nội khí quản, chuyển bệnh viện 108. Bệnh nhân vào khoa cấp cứu trong tình trạng : ý thức lơ mơ, mạch 107 chu kỳ/phút, huyết áp 66/44mmHg, thở máy, sonde dạ dày ra máu số lượng nhiều.

 

Khi khai thác bệnh sử từ người nhà bệnh nhân, cách vào viện khoảng 2h bệnh nhân nôn khan rất nhiều lần. Khi đó, bác sĩ cấp cứu hướng tới chẩn đoán sốc mất máu theo dõi do xuất huyết tiêu hóa đường tiêu hóa trên, nghĩ nhiều tới hội chứng Mallory - Weiss. Ngay lập tức các bác sĩ khoa cấp cứu đã truyền dịch tích cực, dùng thuốc ức chế tiết axit, bất động bệnh nhân bằng thuốc an thần, kiểm soát tốt hô hấp, tuần hoàn. Khi làm xét nghiệm công thức máu, kết quả hồng cầu 2.21 T/L, huyết sắc tố 61 g/L, càng khẳng định cho chẩn đoán ban đầu. Các bác sĩ đã chỉ định nội soi dạ dày tá tràng ống mềm cấp cứu phục vụ chẩn đoán và điều trị. Kết quả nội soi là xuất huyết tiêu hóa (Forrest IB) do rách phần đứng bờ cong nhỏ  và tiến hành kẹp 12 clip cầm máu. Bệnh nhân được chẩn đoán Hội chứng Mallory Weiss, được điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu tiêu hóa với các phương pháp gồm bất động, an thần, bù khối lượng tuần hoàn, ổn định cục máu đông. Bệnh tiến triển tốt, toàn trạng ổn định, ra viện sau 1 tuần điều trị.

Hội chứng Mallory-Weiss được đặc trưng bởi xuất huyết tiêu hóa cấp tính do vết rách niêm mạc dọc tại phần xa thực quản và/hoặc phần gần dạ dày do áp lực ổ bụng tăng mạnh và đột ngột.

Bệnh nhân vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 do mắc hội chứng Mallory Weiss

Hội chứng Mallory-Weiss chiếm khoảng 8-15% trong tổng số trường hợp xuất huyết tiêu hoá trên. Trong đa số các trường hợp, chảy máu có thể tự cầm. Tuy nhiên, chảy máu dữ dội có thể xảy ra ở khoảng 10% số bệnh nhân mắc hội chứng này.

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra là do nôn mửa, ho, co giật, chấn thương bụng, căng thẳng, đại tiện khó, hồi sinh tim phổi. Cùng với đó, các yếu tố nguy cơ góp phần thúc đẩy tình trạng này như: uống rượu, thoát vị dạ dày gián đoạn, ăn uống vô độ thiếu kiểm soát, chứng đái dầm, hay hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trong đó, uống rượu nặng được coi là một trong những yếu tố gây nguy cơ quan trọng nhất vì khoảng 50% đến 70% bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Mallory-Weiss đều có tiền sử uống rượu.

Hội chứng Mallory Weiss là một cấp cứu tiêu hoá, nên việc ổn định huyết động bằng truyền dịch và/ hoặc truyền máu là mục tiêu đầu tiên và bắt buộc. Bên cạnh đó, EGD (Esophagogastroduodenoscopy - Nội soi đường tiêu hóa trên) được sử dụng trong chẩn đoán hội chứng Mallory-Weiss và điều trị hội chứng này. Nếu EGD không thành công, chụp mạch có thể được xem xét để thắt động mạch vị trái hoặc động mạch mạc treo tràng trên. Phẫu thuật hiếm khi được chỉ định. Điều trị bằng thuốc (ví dụ, liệu pháp chống nôn, ức chế axit) nên được bắt đầu ở tất cả bệnh nhân mắc hội chứng Mallory-Weiss.

Để dự phòng xuất huyết tiêu hoá nói chung và hội chứng Mallory-Weiss nói riêng thì thói quen sống, sinh hoạt, chế độ ăn uống lành mạnh là vô cùng quan trọng, bao gồm:

Ăn uống khoa học, trong đo ưu tiên chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin

Hạn chế uống rượu bia, đồ ăn nhanh (gà rán, thịt đông lạnh…); hạn chế ăn cay, nóng, chua, mặn gây hại cho dạ dày, ruột hoặc các thực phẩm gây kích thích dạ dày khác.

Duy trì chế độ vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp nhu động ruột hoạt động thuận lợi.

Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, không vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn để tránh nguy cơ đau dạ dày, trào ngược dạ dày- thực quản.

Giữ thói quen chăm sóc hệ tiêu hóa để nâng cao miễn dịch bằng cách tẩy giun theo định kỳ, bổ sung men tiêu hóa, collagen và các loại vitamin…

Khi có các triệu chứng nghi ngờ xuất huyết tiêu hoá, cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời:

Phân lẫn máu hoặc lau giấy có dính máu, phân màu đen bóng

Nôn ra máu

Xanh xao, chóng mặt, mệt mỏi

Đau ngực

Đau bụng

Vã mồ hôi, chân tay yếu

Tụt huyết áp, ngất xỉu nếu xuất huyết trầm trọng

 

Bác sĩ Phạm Duy Hoàng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ