“Con được gặp người mẹ hiền thứ hai ở Bệnh viện TWQĐ 108”

  09:51 AM 15/05/2024
Tiếng thở thật êm, bên cạnh tiếng máy monitor đều đặn, những âm thanh bình yên này khác hẳn mọi ngày. Đêm nay S. được ngủ ngon, một giấc ngủ sâu, sau bao ngay vật vã với cơn khó thở, đau đớn và sợ hãi.

 

S. (16 tuổi, Quảng Ngãi) bị di chứng do pháo tự chế nổ cách đây vài tháng, với tổn thương phức tạp cả ở mặt, cổ, 02 bàn tay. S. được cấp cứu mở khí quản, qua nhiều cuộc phẫu thuật cắt lọc, sửa sẹo nhằm giữ lại tính mạng và hồi phục chức năng. Mẹ đẻ của S. đã đưa em hết viện này lại viện khác. Và gần một tháng nay, cơn khó thở xuất hiện thường xuyên liên tục tăng dần, làm nỗi sợ hãi cũng tăng dần với hai mẹ con. Lại một lần nữa hai mẹ con tiếp tục đi tìm sự sống, mỗi lần bị từ chối điều trị là môt lần hai mẹ con thêm tuyệt vọng.

“Bệnh của con em khó lắm phải không bác sỹ?”, mẹ của em lo lắng hỏi.

“Chị yên tâm, vẫn còn cơ hội để điều trị khỏi cho cháu!”, bác sỹ giải thích cho mẹ của em.

Tình trạng bệnh của em rất nặng, viêm nhiễm phần mềm, bạch cầu tăng cao, suy kiệt, chưa thể mổ ngay. Mỗi ngày điều trị, chờ mổ là nguy cơ suy hô hấp luôn rình rập, Mẹ của S. chưa đêm nào được ngủ một giấc tròn, người mẹ đã gầy rộc đi, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ.

Rồi em trải qua ca phẫu thuật khó khăn: Cắt nối khí quản tận tận một thì do sẹo hẹp khí quản và tổn thương da, phần mềm vùng cổ. Ca mổ thành công. Sau bao ngày em chưa tìm được một giấc ngủ ngon, mẹ của em chưa hôm nào được ngủ sâu giấc, giật mình mỗi khi con lên cơn khó thở và tá hỏa tìm các bác sỹ, điều dưỡng để ngay lập tức cấp cứu điều trị cơn suy hô hấp cho em.

Hôm nay em thở êm rồi, không còn thở rít thường xuyên, cả đêm máy monitor chưa rung lên hồi chuông báo động lần nào, mẹ em cũng có một giấc ngủ tròn, nhẹ nhàng, êm ái. Hình ảnh này rất đỗi bình thường mà giờ đây, sao nó thật giá trị biết bao.

Tôi được phân công chăm sóc, theo dõi và tham gia điều trị cho em từ ngày đâu tiên vào khoa. Tôi cảm nhận sâu sắc sự đau đớn và sợ hãi những cơn khó thở của em qua ánh mắt em, qua khuôn mặt của mẹ em. Tôi cũng rất lo lắng, lo lắng vì em có thể bị một cơn suy hô hấp cấp do ùn tắc đờm rãi, rồi sẹo hẹp tiến triển mà không còn cơ hội cứu chữa.

Từng ngày tiếp xúc động viên, chỉ bảo em cách ho khạc đờm, tập thở, ăn uống sao cho không bị sặc, vệ sinh răng miệng sao cho không bị viêm nhiễm để chuẩn bị tốt cho ca mổ. Em khỏe lên từng ngày, tìm lại được nụ cười gượng gạo, có niềm tin mình sẽ được chữa khỏi bệnh, điều này thực sự quan trọng. Phải nói thêm rằng, em bị bỏng và tổn thương cả 2 bàn tay, nên gặp khó khăn trong việc tự phục vụ bản thân. Mọi công việc như vệ sinh, ăn uống, em đều cần sự hỗ trợ của mẹ đẻ và đội ngũ điều dưỡng.

Sẽ tiếp tục là những ngày điều trị hậu phẫu tích cực, dù biết sẽ còn rất vất vả, đau đớn, khó khăn, nhưng trong lòng chúng tôi lại có niềm tin mãnh liệt vào kết quả điều trị tốt.

“Con hết khó thở rồi cô ạ, chắc là con khỏi hẳn rồi cô nhỉ”, S. chia sẻ

“Đúng rồi, vài hôm nữa là con ra viện rồi, cố gắng thêm một chút nữa nhé!”, tôi đáp lời S.

“Con cảm ơn cô nhiều lắm ạ”, S. nói

Nói đến đó, không hiểu sao bất chợt nước mắt em trào ra, còn tôi, dù bao nhiêu năm trong nghề, chăm sóc và điều trị bao nhiêu người bệnh, mà hôm nay mắt cũng ướt nhòe.

“Cảm ơn cô, cô chăm sóc cháu còn hơn cả mẹ cháu, nhờ có cô và các bác sỹ ở đây mà mẹ con em được cứu sống cô ạ. Con được gặp người mẹ hiền thứ hai ở Bệnh viện TWQĐ 108 ạ”, mẹ của S. chia sẻ.

Niềm hạnh phúc của mỗi người sẽ thật khác nhau, còn niềm hạnh phúc của điều dưỡng chúng tôi là góp phần đem lại niềm tin, hy vọng và sức khỏe cho mọi người.

                                                              Điều dưỡng Trần Thị Nhinh

– Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ