Thuốc dự phòng bệnh ung thư vú: Tóm tắt hai nghiên cứu IBIS-I và IBIS-II

  04:47 PM 31/03/2022
Theo Globocan 2020, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc phải cao nhất ở phụ nữ. Một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn số còn lại. Các nhà khoa học đã tìm ra hai nhóm thuốc làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú ở những người có nguy cơ cao. Bài này sẽ tóm tắt hai nghiên cứu đánh giá hiệu quả của hai thuốc tamoxifen và anastrozol trong dự phòng ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao.

Theo Globocan 2020, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc phải cao nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng [3,4]. Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng tỷ lệ gặp phải ung thư vú ở phụ nữ bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình và một số tình trạng tiền ung thư vú.

Dựa trên việc đánh giá nguy cơ, các nhà khoa học đã đưa ra hai nhóm thuốc làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao, bao gồm nhóm thuốc điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc (selective estrogen receptor modulators – SERMs) và nhóm thuốc ức chế aromatase (aromatase inhibitors – AIs). FDA đã phê duyệt hai thuốc tamoxifen và raloxifen thuộc nhóm SERMs cho dự phòng sơ cấp ung thư vú. Tuy nhiên, chưa có thuốc nào thuộc nhóm AIs được FDA phê duyệt cho chỉ định này.

Bài này sẽ trình bày về hai nghiên cứu đánh giá hiệu quả của tamoxifen – một thuốc thuộc nhóm SERMs và anastrozol – một thuốc thuộc nhóm AIs trong việc dự phòng ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao.

Nghiên cứu can thiệp ung thư vú quốc tế (International Breast Cancer Intervention Studies – IBIS)

Nghiên cứu Can thiệp Ung thư Vú Quốc tế I (IBIS-I) được thiết kế để nghiên cứu về việc sử dụng tamoxifen trong việc ngăn ngừa ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ. Việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu cho IBIS-I kết thúc vào tháng 3 năm 2001 và đã lựa chọn được 7154 phụ nữ từ 36 trung tâm ở 9 quốc gia.

Nghiên cứu IBIS-II được thiết kế để tiếp tục công việc bắt đầu từ IBIS-I bằng cách xem xét vai trò của anastrozol trong việc ngăn ngừa ung thư vú với hy vọng sẽ làm giảm tỉ lệ mắc ung thư vú nhiều hơn so với tamoxifen và tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn.

Một số điểm chính trong hai nghiên cứu được trình bày trong bảng sau.

 

IBIS – I [1]

IBIS – II [2]

Thuốc nghiên cứu

Tamoxifen so với giả dược

Anastrozol so với giả dược

Đối tượng nghiên cứu

Phụ nữ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh trong độ tuổi 35 – 70, có nguy cơ mắc ung thư vú cao

Phụ nữ mãn kinh trong độ tuổi từ 40 – 70, có nguy cơ mắc ung thư vú cao

Thời gian nghiên cứu

5 năm

Theo dõi tiếp 16 năm trong nghiên cứu dài hạn

5 năm

Theo dõi tiếp 12 năm trong nghiên cứu dài hạn

Tiêu chí chính

Ung thư vú (bao gồm ung thư biểu mô tuyến vú thể ống tuyến không xâm nhập)

Ung thư vú (bao gồm ung thư biểu mô tuyến vú thể ống tuyến không xâm nhập)

Tiêu chí phụ

Ung thư vú xâm lấn dương tính với thụ thể estrogen, tử vong do mọi nguyên nhân và các biến cố bất lợi.

Ung thư vú xâm lấn dương tính với thụ thể estrogen, tử vong do ung thư vú, các bệnh ung thư khác, bệnh tim mạch, gãy xương và tử vong do mọi nguyên nhân.

Phương pháp

Thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên

Thử nghiệm lâm sàng quốc tế, ngẫu nhiên, mù đôi, kiểm soát giả dược

Kết quả

Tiêu chí chính

Trong 10 năm đầu (5 năm thử nghiệm, 5 năm theo dõi tiếp)

  • 3579 phụ nữ sử dụng tamoxifen: 163 ca phát hiện ung thư vú
  • 3575 phụ nữ sử dụng giả dược: 226 ca phát hiện ung thư vú
  • Tamoxifen làm giảm 28% nguy cơ mắc ung thư vú so với giả dược. HR = 0,72 (95% CI 0,59 – 0,88, p = 0,0011)

Trong 5 năm đầu thử nghiệm

  • 1920 phụ nữ sử dụng anastrozol: 85 ca phát hiện ung thư vú
  • 1944 phụ nữ sử dụng giả dược: 165 ca phát hiện ung thư vú
  • Anastrozol làm giảm 61% nguy cơ mắc ung thư vú so với giả dược. HR = 0,39 (95% CI 0,27 – 0,58, p < 0,0001)

Trong 10 năm sau khi kết thúc thử nghiệm

  • 3343 phụ nữ sử dụng tamoxifen: 35 ca phát hiện ung thư vú
  • 3295 phụ nữ sử dụng giả dược: 89 ca phát hiện ung thư vú
  • Tamoxifen làm giảm 31% nguy cơ mắc ung thư vú so với giả dược. HR = 0,69 (95% CI 0,53 – 0,91, p = 0,0075)

Trong 5 năm sau khi kết thúc thử nghiệm

  • 1866 phụ nữ sử dụng anastrozol: 50 ca phát hiện ung thư vú
  • 1838 phụ nữ sử dụng giả dược: 76 ca phát hiện ung thư vú
  • Anastrozol làm giảm 37% nguy cơ mắc ung thư vú so với giả dược. HR = 0,64 (95% CI 0,45 – 0,91, p = 0,014)

Tổng sau 20 năm theo dõi

  • 3579 phụ nữ sử dụng tamoxifen: 251 ca phát hiện ung thư vú
  • 3575 phụ nữ sử dụng giả dược: 350 ca phát hiện ung thư vú
  • Tamoxifen làm giảm 29% nguy cơ mắc ung thư vú so với giả dược. HR = 0,71 (95% CI 0,60 – 0,83, p < 0,0001)

Tổng sau 12 năm theo dõi

  • 698 phụ nữ sử dụng anastrozol: 85 ca phát hiện ung thư vú
  • 681 phụ nữ sử dụng giả dược: 165 ca phát hiện ung thư vú
  • Anastrozol làm giảm 49% nguy cơ mắc ung thư vú so với giả dược. HR = 0,51 (95% CI 0,39 – 0,66, p < 0,0001)

Tiêu chí phụ

  • Ung thư vú xâm lấn dương tính với thụ thể estrogen: nguy cơ ở nhóm dùng tamoxifen thấp hơn 44% so với giả dược (HR = 0,66 [95% CI 0,54–0,81], p <0,0001)
  • Tử vong do mọi nguyên nhân: không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (OR = 1,10 [95% CI 0,88–1,37], p = 0,4).
  • Biến cố bất lợi: nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu ở nhóm tamoxifen cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê so với nhóm giả dược (OR = 1,73 [95% CI 1,07 – 2,85]. P = 0,02. Tuy nhiên nguy cơ chỉ tăng trong 10 năm đầu theo dõi. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các biến cố tim mạch lớn (OR = 0,76 [95% CI 1,07 – 2,85], p = 0,02) hoặc tai biến mạch máu não (OR = 1,07 [95% CI 0,62 – 1,86], p = 0,80)
  • Ung thư vú xâm lấn dương tính với thụ thể estrogen: nguy cơ ở nhóm dùng anastrozol thấp hơn 54% so với giả dược (HR = 0,46 95% CI 0,33–0,65, p <0,0001)
  • Tỷ lệ tử vong do ung thư vú: anastrozol không ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong do ung thư vú, tuy nhiên số lượng bệnh nhân rất ít (2 bệnh nhân dùng anastrozol và 3 bệnh nhân dùng giả dược)
  • Các bệnh ung thư khác, bệnh tim mạch, gãy xương: anastrozol không ảnh hưởng đến số lượng các biến cố bất lợi lớn.
  • Tử vong do mọi nguyên nhân: không có sự khác biệt giữa hai nhóm điều trị (HR = 0,96 95% CI 0,69–1,34, p = 0,82)

Kết luận

Tamoxifen có tác dụng kéo dài sau 5 năm dự phòng ung thư vú cho đến 20 năm. Không có độc tính muộn nào được phát hiện.

Anastrozol có tác dụng kéo dài liên tục sau 5 năm trong việc dự phòng ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ cao. Không có biến cố bất lợi lớn mới vào được phát hiện.

 

Biên soạn: DS. Nguyễn Thị Hải Yến (A) - Khoa Dược, BV TWQĐ 108

Hiệu đính: DS. Lê Minh Hồng - Khoa Dược, BV TWQĐ 108

 

Tài liệu tham khảo

1. Cuzick, J., Sestak, I., Cawthorn, S., Hamed, H., Holli, K., Howell, A., Forbes, J. F., & IBIS-I Investigators (2015). Tamoxifen for prevention of breast cancer: extended long-term follow-up of the IBIS-I breast cancer prevention trial. The Lancet. Oncology16(1), 67–75. https://doi.org/10.1016/S1470-2045(14)71171-4

2. Cuzick, J., Sestak, I., Forbes, J. F., Dowsett, M., Cawthorn, S., Mansel, R. E., Loibl, S., Bonanni, B., Evans, D. G., Howell, A., & IBIS-II investigators (2020). Use of anastrozole for breast cancer prevention (IBIS-II): long-term results of a randomised controlled trial. Lancet (London, England)395(10218), 117–122. https://doi.org/10.1016/S0140-6736(19)32955-1

3. Globocan 2020 Vietnam Fact Sheet

4. Globocan 2020 World Fact Sheet

Chia sẻ