CHẨN ĐOÁN VÀ HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ NHIỄM NẤM DO Talaromyces marneffei

  10:17 AM 04/04/2022

Talaromyces Marneffei, trước đây gọi là Penicillium marneffei là một trong những tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất trên bệnh nhân AIDS sống hoặc ở những người bị suy giảm miễn dịch khác sống hoặc có đi đến vùng Đông Nam Á hay Nam Trung Quốc. Bệnh vẫn có thể xảy ra trên những người khỏe mạnh. Trước đây bệnh này có tên là Penicilliosis, từ 2015 đã được đổi tên Talaromycosis.

Biểu hiện lâm sàng: Nhiễm nấm thường theo sau sự hít phải nấm và bệnh thường xảy ra ban đầu ở phổi. Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện nấm lan tỏa và thường bệnh tiến triển mạn tính. Các triệu chứng thường gặp là sốt, sụt cân, suy nhược, tổn thương da nhiều mảng sẩn, viêm hạch bạch huyết toàn thân và gan lách to. Bệnh thường tử vong nếu không được điều trị.

Chẩn đoán xét nghiệm: Chẩn đoán xác định thường được thực hiện bằng cách nuôi cấy phân lập từ các bệnh phẩm lâm sàng khác nhau. Nuôi cấy sinh thiết tủy xương và hạch bạch huyết là nhạy cảm nhất, sau đó làm nuôi cấy tổn thương và máu, việc cấy máu có thể tìm được nấm dương tính trong >70% các trường hợp bệnh nhân AIDS. Bên cạnh đó, T.marneffei cũng được phân lập từ nuôi cấy phân, nước tiểu, dịch não tủy và dịch khớp, đờm và dịch rửa phế quản, phế nang. Vi nấm thường mất bốn đến bảy ngày để phát triển, tuy nhiên sự phát triển có thể mất một vài tuần để xảy ra. Cấy nấm sợi sau 1 tuần ở nhiệt độ 25-30°C trên môi trường thạch não tim, một đặc điểm có thể dùng để phân biệt loại gây bệnh với loại Penicillium spp khác trong môi trường là các loại này không tạo nấm men ở nhiệt độ 37°C. Tuy nhiên, do cần điều trị sớm có thể được chẩn đoán giả định bằng cách phát hiện các hình thái học đặc trưng của nấm này qua kính hiển vi. Dưới kính hiển vi tế bào nấm có hình tròn, bầu dục hoặc elip, thường có vách ngăn ở trung tâm được xác định rõ, thấy được trên phết nhuộm Wright của tủy xương hoặc phết nhuộm sinh thiết da, hạch lympho.

Hướng dẫn điều trị: Nên bắt đầu thuốc kháng nấm ngay khi được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Theo báo cáo ghi nhận 97% tỉ lệ bệnh nhân sẽ tử vong nếu không điều trị khi nhiễm Tarlamyces marneffei, đặc biệt ở những bệnh nhân mức độ nhiễm vừa và nặng. Việc sử dụng thuốc kháng nấm mang lại hiệu quả điều trị cao trên lâm sàng và diệt được cả vi sinh trên 95% bệnh nhân.

Phương pháp điều trị thuốc kháng nấm ở bệnh nhân nhiễm hay không nhiễm HIV là giống nhau và phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Có 3 mức phân loại mức độ như sau:

+ Nặng: đặc trưng bởi tổn thương nhiều cơ quan kèm suy hô hấp hoặc suy tuần hoàn.

+ Trung bình: đặc trưng bởi tổn thương nhiều cơ quan KHÔNG kèm suy hô hấp hoặc suy tuần hoàn.

+ Nhẹ: chỉ có tổn thương da và không có nhiễm nấm máu.

Các phác đồ cụ thể:

Bệnh nhân nhiễm nấm do Talarmyces marneffei nên được điều trị liệu pháp thuốc kháng nấm tấn công trong khoảng 2 tuần, sau đó liều kháng nấm duy trì trong ít nhất 10 tuần. Bệnh nhân mức độ trung bình đến nặng nên được khởi đầu bằng amphotericin B sau đó chuyển sang itraconazol. Với những bệnh nhân mức độ nhẹ có thể sử dụng itraconazol trong suốt cả quá trình điều trị. Voriconazol là thuốc thay thế khi người bệnh không thể dùng amphotericin B hoặc itraconazol. Fluconazol có hoạt tính kém trên Talaromycosis và không đủ chứng cứ lâm sàng để điều trị cùng enchinocandin.

          Dẫn xuất lipid của amphotericin B được ưu tiên dùng hơn amphotericin B deoxycholate, tuy nhiên amphotericin B deoxycholate được dùng thay thế khi dạng dẫn xuất lipid của amphotericin B không có sẵn. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào so sánh hiệu quả điều trị giữa dạng liposome và dạng thông thường ở bệnh nhân nhiễm Talaromycosis nhưng dẫn xuất lipid của amphotericin B ít độc tính hơn (độc tính trên thận, phản ứng lúc truyền, tình trạng thiếu máu…).

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định 3429/QĐ-BYT (2021): “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn - Bộ Y tế”.
  2. Uptodate (2022): “Diagnose and treatment of Talarmyces (Penicillium) marneffei infection”.

DS. Lê Thị Mỹ

Chia sẻ