Chăm sóc bệnh nhân sốt giảm bạch cầu hạt tại Khoa Huyết học lâm sàng (A18)

  02:45 PM 21/10/2021
Những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính được hóa trị sẽ có nguy cơ ức chế tủy xương dẫn đến giảm bạch cầu hạt và có thể sốt (sốt giảm bạch cầu hạt). Ở bệnh nhân như vậy, sốt thường là dấu hiệu của sự nhiễm trùng và có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến biến chứng đe dọa tính mạng (sốc nhiễm khuẩn, …). Do đó, theo dõi sát và phát hiện sớm các triệu chứng cũng như chăm sóc chu đáo bệnh nhân sốt giảm bạch cầu hạt đóng vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân tại khoa Huyết học lâm sàng (A18) Bệnh viện TWQĐ 108

Sốt giảm bạch cầu hạt là gì?              

Khi bệnh nhân có nhiệt độ cơ thể > 38,50 C hoặc có 2 lần đo nhiệt độ > 380 C (kéo dài trong 1 giờ hoặc lâu hơn), kèm theo có số lượng bạch cầu hạt < 0,5 G/L hoặc có nguy cơ sẽ hạ xuống dưới mức 0,5 G/L trong vòng 48 giờ tới.

Bệnh nhân nên đi gặp bác sỹ hoặc điều dưỡng khi nào?

Nếu bệnh nhân được hóa trị trong vòng 6 tuần hoặc đã được thông báo bị giảm bạch cầu hạt trong quá trình điều trị và sốt > 38,50 C hoặc có 2 lần đo nhiệt độ > 380 C (kéo dài trong 1 giờ hoặc lâu hơn) nên đến khoa cấp cứu ngay lập tức.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thông báo với bác sỹ hoặc điều dưỡng khi có các triệu chứng sau đây:

Ớn lạnh, vã mồ hôi.

Đau họng, viêm loét niêm mạc miệng.

Đau dạ dày, đau vùng hậu môn, tiểu buốt, tiểu rắt.

Tiêu chảy, loét vùng hậu môn.

Ho, khó thở.

Da đỏ, sưng, đau … ở vết thương hoặc vị trí tiêm truyền.

Cách chăm sóc bệnh nhân khi có triệu chứng sốt giảm bạch cầu hạt?

Một số bệnh nhân có thể về nhà và dùng kháng sinh đường uống sau khi đến bệnh viện hoặc sau khi theo dõi tại bệnh viện một thời gian ngắn. Đa số bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện bằng thuốc kháng sinh tiêm truyền tĩnh mạch. Khi bệnh nhân bị sốt giảm bạch cầu hạt, điều quan trọng là cần sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt. Bất kể sự chậm trễ nào trong việc bắt đầu điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng lan rộng hoặc thậm chí gây tử vong do sốc nhiễm khuẩn.

Đối với bệnh nhân nằm điều trị nội trú có giảm bạch cầu và sốt giảm bạch cầu, sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ, điều dưỡng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị.

Đầu tiên và quan trọng nhất đó là giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân để bệnh nhân có thể tự bảo vệ cho mình khỏi nhiễm trùng ngay từ đầu.

Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện:

 - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc cồn (đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh).

- Không dùng chung thức ăn, cốc, đồ dùng hoặc các vật dụng cá nhân khác, ví dụ như bàn chải đánh răng.

- Đánh răng và nướu mỗi ngày bằng bàn chải mềm, sử dụng nước súc miệng.

- Tắm rửa hàng ngày.

- Ăn thức ăn tại bệnh viện (đảm bảo đồ ăn chín).

- Rửa cẩn thận trái cây trước khi ăn.

Khi bệnh nhân có sốt giảm bạch cầu hạt:

- Kiểm tra các vị trí nhiễm trùng.

- Kiểm tra tình trạng mất nước.

- Khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước (2-3 lít/ngày).

- Lau người, chườm ấm cho bệnh nhân.

- Bệnh nhân mặc quần áo bệnh nhân của bệnh viện cấp, đảm bảo mỏng, rộng, nhẹ, thoải mái.

- Sử dụng vỏ chăn gấp nhỏ lại hoặc khăn bông cho bệnh nhân nằm trên đó để tạo cảm giác thoải mái cho bệnh nhân. Giúp thông thoáng để giúp việc hạ sốt được nhanh hơn

- Hạn chế nằm cùng phòng với bệnh nhân đang nhiễm trùng.

Đối với bệnh nhân nằm điều trị nội trú có giảm bạch cầu và sốt giảm bạch cầu, sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ, điều dưỡng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị.

- Kết hợp với nhân viên vệ sinh tại bệnh viện để giữ vệ sinh khoa phòng sạch sẽ.

- Thực hiện nghiêm chế độ chuyên môn trong công tác chống nhiễm khuẩn khi khám và thực hiện y lệnh điều trị giữa các bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo.

Với các biện pháp hỗ trợ chăm sóc có thể cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân, chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và hệ thống y tế.

  Thực hiện: Phan Văn Phương - Khoa Huyết học Lâm sàng (A18), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

 

Chia sẻ