Cảnh báo đuối nước mùa mưa lũ

  04:01 PM 06/05/2021
Trong tháng 4/2021, Khoa Hồi sức Nội & Chống độc-Trung tâm Hồi sức Tích cực, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp đuối nước biến chứng suy hô hấp nặng, sốc nhiễm khuẩn và được điều trị thành công. Đuối nước là tai nạn thường gặp ở Việt Nam, đặc biệt vào mùa hè.

Trường hợp thứ nhất bị đuối nước khi đang tập bơi, được sơ cứu tại chỗ và đưa vào Bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, huyết áp tụt. Trường hợp thứ 2 xảy ra khi đi xe đạp trên đường cạnh hồ nước (không có lan can chắn) thì chệch tay lái và ngã xuống hồ, sau tai nạn được cấp cứu tại bệnh viện tuyến trước, đặt nội khí quản, thở máy, và vận mạch để nâng huyết áp. Các trường hợp khi đưa đến Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng rất nặng, ý thức hôn mê, suy hô hấp, được thông khí nhân tạo, thuốc vận mạch, kháng sinh, chăm sóc hô hấp, soi phế quản thấy toàn bộ thành các phế quản viêm phù nề, nhiều mủ, giả mạc và hoại tử.

Sau 1 thời gian điều trị, cả 2 trường hợp đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, tự thở, Xquang 2 phổi về bình thường, người bệnh được ra viện sau đó.

Hình ảnh XQ phổi trường hợp thứ nhất lúc nhập viện

Hình ảnh người bệnh 2 sau khi điều trị tại khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện TWQĐ 108

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐUỐI NƯỚC

Nguyên nhân đuối nước

- Do người không biết bơi không may bị ngã xuống nước.    

- Do ngất đột ngột khi mới tiếp xúc với nước, sốc do nước hay còn gọi là nước giật

- Do lặn quá sâu dưới nước rồi bị ngạt, có thể bị ngất trong các tình huống chấn thương do tăng áp lực tai, tăng áp lực trong lồng ngực (khi không mặc áo lặn), phản xạ hít vào sau khi nhịn thở kéo dài, thiếu máu não do kiềm hô hấp, ngất do phản xạ phó giao cảm, tai biến do giảm áp quá nhanh…

- Do kiệt sức trong quá trình bơi rồi ngất đi, hay gọi là ngạt nước.   

Xử trí tại chỗ

 * Cấp cứu đuối nước phải tiến hành ngay khi nạn nhân còn ở dưới nước

- Phải nhanh chóng vớt nạn nhân ra khỏi nước (dùng sào, phao, người cứu hộ).

- Tìm cách đưa mặt người bệnh nhô khỏi mặt nước, móc họng làm giảm tắc đường hô hấp, hà hơi thổi ngạt. Tốt nhất đặt được nạn nhân lên 1 tấm ván, vừa bơi vừa làm hô hấp nhân tạo.

* Khi đưa nạn nhân ra khỏi nước:

- Cởi quần áo, lau mình, quấn vải khô, ủ ấm nạn nhân, để nơi kín gió.

- Để nạn nhân nằm ưỡn cổ, lấy khăn lau sạch mũi, họng, miệng, rồi tiến hành ngay hô hấp nhân tạo. Nếu có ngừng tim phải kết hợp ép tim ngoài lồng ngực.

Lưu ý: Không nên làm động tác dốc ngược nạn nhân vì:

      + Biện pháp này chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng.

+ Thường chỉ có ít nước trong phổi và nếu là nước ngọt thì sẽ được hấp thu ngay sau vài phút.

+ Nguy cơ sặc vào phổi

Cần tiến hành hô hấp miệng-miệng và ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi kíp cấp cứu đến hoặc cho đến khi tim đập trở lại và hoạt động hô hấp trở lại.

Mùa hè là mùa của các hoạt động vui chơi giải trí, trong dịp này học sinh, sinh viên thường được đi chơi tại các bãi biển, khu nghỉ mát… nếu không cẩn trọng, có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Bên cạnh đó, theo đặc điểm khí hậu của Việt Nam, thường có mưa nhiều vào mùa hè, dễ gây ngập lụt, trơn trượt gây nguy hiểm cho người dân. Vì vậy, bên cạnh việc tận hưởng kỳ nghỉ, người dân cần cẩn thận hơn khi đi lại và tham gia các hoạt động gần nơi có ao, hồ, biển.

 

 

Thực hiện: BSCKI Bùi Viết Hoàn-Khoa Hồi sức Nội & Chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện TWQĐ 108

                   Mai Hằng-Truyền thông Bệnh viện

Chia sẻ