“Sen Việt” trên đất Bentiu, Nam Sudan

  10:53 AM 22/07/2021
Bentiu, Nam Sudan là vùng đất khô cằn, thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, nhiệt độ ngoài trời từ 45 đến 50 độ C, tưởng chừng chỉ những cây bụi gai không lá và cỏ dại mới có thể tồn tại được, nhưng cũng tại nơi đó, những “đóa sen Việt” vẫn tỏa hương thơm ngát. Đó là 13 nữ quân nhân tại Bệnh viện dã chiến 2.3 (BVDC 2.3) đang hàng ngày, hàng giờ mang tâm hồn, khí chất của phụ nữ Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Một trong 13 “đóa sen” đó chính là điều dưỡng trẻ, Thượng úy CN Trần Thị Mai Liên, đến từ Bệnh viện TWQĐ 108.

Vượt qua khó khăn và hành trình trở thành lính “mũ nồi xanh” ...

Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) đã đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình. 7 năm qua, Việt Nam đã cử 33 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2, riêng Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 có 13 đồng chí, cao hơn 15% tỷ lệ khuyến khích do Liên hợp quốc đưa ra. Trong cả 3 thê đội Bệnh viện dã chiến đã triển khai, Bệnh viện TWQĐ 108 luôn có bác sĩ, điều dưỡng tham gia vào đội hình chiến sĩ mũ nồi xanh gìn giữ hòa bình. Vượt qua nhiều khó khăn vất vả, một nữ điều dưỡng của Bệnh viện TWQĐ 108 đã xuất sắc đứng trong đội ngũ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.

Liên hệ với đồng chí Trần Thị Mai Liên, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 tại Nam Sudan, tôi cảm nhận được niềm xúc động, tự hào của đội quân “mũ nồi xanh” Việt Nam khi được đứng dưới cờ Tổ quốc bên cạnh cờ Liên hợp quốc, tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở một đất nước cách xa Việt Nam hàng nghìn km…

Chia sẻ với tôi, chị xúc động kể lại: “Đang trong quá trình học Thạc sĩ Điều dưỡng, với ngoại ngữ được trau dồi liên tục tại khoa và Bệnh viện, cũng như đủ điều kiện sức khỏe, chị được tuyển chọn tham gia Bệnh viện Dã chiến 2.3. Gác lại mọi công việc vẫn đang dở dang, với tinh thần của người lính bộ đội Cụ Hồ, chị nhanh chóng nhận nhiệm vụ và lên đường đi huấn luyện”.

 

Thượng úy CN Điều dưỡng viên Trần Thị Mai Liên, khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 báo cáo tại Hội nghị khoa học điều dưỡng quốc tế lần thứ 2, tổ chức tại bệnh viện Bạch Mai, với sự tham gia báo cáo của chuyên gia về điều dưỡng của nhiều nước trên thế giới năm 2018 (trong ảnh thứ 3 từ trái sang)

Tiếp lời, chị nói: “Gia đình, đã ủng hộ rất nhiều để chị yên tâm lên đường thực hiện nhiệm vụ mặc dù bố mẹ hai bên già yếu bệnh tật, con cái còn nhỏ. Trong thời gian huấn luyện tại Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, mẹ đẻ chị đã trải qua hai cuộc phẫu thuật và ngay sát ngày lên đường sang Bentiu, mẹ chồng chị phải nhập viện cấp cứu vì áp xe ruột thừa. Cả hai lần chị và gia đình đều được lãnh đạo bệnh viện, các khoa ban của Bệnh viện TWQĐ 108 quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ để chị có thể yên tâm lên đường thực hiện nhiệm vụ…” Chị nói với tôi trong sự trân trọng, niềm tự hào khi mình là một thành viên của gia đình 108 thân yêu.

…Và dấu ấn “Hương Sen Việt” trên đất Bentiu, Nam Sudan

Tại Bentiu, nơi mảnh đất khô cằn, nắng, gió, bụi đỏ, mùa mưa thì lầy lội khó di chuyển, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam không những đối mặt với thách thức của đại dịch Covid-19 đang tiềm ẩn mà còn đối mặt với hàng loạt các nguy cơ khác như: dịch bệnh Ebola, sốt rét, viêm màng não. Không chỉ có vậy, họ còn luôn phải đối mặt với tình trạng bạo lực sắc tộc, bất ổn về an ninh, đói nghèo, chiến tranh… luôn rình rập.

Thượng úy CN Trần Thị Mai Liên với hình ảnh hoa sen việt tại BVDC 2.3, Bentiu, Nam Sudan

Đối mặt trước những thách thức đó, chị Liên và các đồng nghiệp của mình luôn trau dồi vốn tiếng Anh để có thể hoạt động được trong môi trường đa văn hoá, đa quốc gia. Bên cạnh đó, chị luôn quan tâm ôn luyện đầy đủ những kiến thức cần thiết về phòng chống, điều trị bệnh Covid-19, cập nhật các chương trình đào tạo chuyên môn trực tuyến từ Tổ chức Y tế Thế giới và các quy trình tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc. Trong điều kiện của một Bệnh viện dã chiến, có nhiều khác biệt và khó khăn hơn so với môi trường làm việc tại quê nhà, chị luôn cố gắng trau dồi kiến năng, kiến thức để nhanh chóng thích nghi với công việc.

Là một điều dưỡng trực thuộc khoa khám bệnh BVDC 2.3 với công việc chính là hàng ngày tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân nhân viên Liên Hiệp Quốc từ các quốc gia làm việc trong phái bộ. Không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn của một điều dưỡng viên, tại đây chị còn làm nhiệm vụ được giao của đơn vị như một người lính: trực gác an ninh, hậu cần, xây dựng củng cố doanh trại, giữ sạch môi trường địa bàn thực hiện nhiệm vụ, tặng quà cho trẻ em địa phương, giao lưu văn hoá người dân đại phương và các đơn vị bạn từ các quốc gia trên thế giới đóng quân tại phái bộ… Tất cả những việc làm trên đã làm đẹp thêm hình ảnh phụ nữ Quân đội nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.

 

Công việc hàng ngày của chị Trần Thị Mai Liên ở BVDC 2.3

Với năng khiếu của mình, Chị Liên còn được Ban Giám đốc BVDC 2.3 tin tưởng giao nhiệm vụ làm Trưởng nhóm truyền thông của BVDC 2.3. Hoạt động truyền thông như các bài báo, bài thơ về đời sống sinh hoạt và việc thực hiện nhiệm vụ của các chiến sĩ mũ nồi xanh trên trang fanpage của BVDC 2.3 do nhóm thực hiện bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ khi được đông đảo độc giả nhân dân quan tâm, yêu thích, được lãnh đạo và thủ trưởng Cục gìn giữ hoà bình Việt Nam viết thư khen ngợi, động viên.

Chúng ta tin tưởng rằng đồng chí Trần Thị Mai Liên và những “đóa sen Việt”  cùng các đồng đội của mình tại BVDC 2.3 sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu, gửi gắm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó. Qua các đồng chí, hy vọng bạn bè quốc tế và người dân Nam Sudan sẽ hiểu hơn về Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình./.

An Ngọc

 

 

Chia sẻ