Ý nghĩa của những đơn vị máu

  04:53 PM 19/08/2020
Việc trở thành bác sĩ viện Bệnh viện TWQĐ 108, và lại là bác sĩ Khoa Truyền máu, dường như là một mối duyên, trong rất nhiều những mối duyên đã gắn bó tôi với bệnh viện, từ khi sinh ra cho tới tận ngày hôm nay.

Tôi được sinh ra tại Quân y viện 108 vào năm 1957, khi Bệnh viện mới thành lập được 6 năm. Nói một cách hoa mỹ, cuộc đời tôi đã gắn bó với viện 108 ngay từ khi lọt lòng mẹ. Khi sinh tôi, mẹ tôi đã bị băng huyết nặng. May
nhờ có một người bạn của bố tôi là Bác sĩ Nguyễn Cận -
Chủ nhiệm khoa Sản lúc bấy giờ (sau này là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW) đã nhiệt tình giúp đỡ, truyền cho mẹ tôi mấy đơn vị máu, bà mới qua khỏi được cơn nguy kịch. Bố tôi khi đó vẫn đang phải công tác xa nhà. Nếu không có được sự tận tình giúp đỡ của các y bác sĩ trong bệnh viện, có lẽ gia đình tôi cũng không có được ngày hôm nay.

Rồi khi chưa tròn 3 tháng tuổi, tôi lại có “cơ hội” được quay trở lại Quân y viện 108, mà là quay lại trong một thời gian khá dài: 8 tháng. Nói đùa là “cơ hội”, chứ quả thực, giờ qua lời kể của bố mẹ, tôi cũng cảm nhận được những ngày tháng hết sức đau đớn mà tôi đau một, có lẽ bố mẹ tôi còn xót xa mười. Hồi đó, tôi bị một căn bệnh, mà nghe qua tưởng chừng như cũng không có gì quá nghiêm trọng: Eczema (hay dân gian vẫn gọi là Chàm), nhưng không phải là 1 vết nhỏ, mà kinh khủng hơn rất nhiều, là Eczema toàn thân. Tám tháng trời nằm ở Quân y viện 108 ấy là tám tháng trời toàn thân ngứa ngáy, trầy da, mưng mủ khắp người. Khi ấy, tôi còn bé quá, nên cũng chưa có được trí nhớ, chỉ nghe bố mẹ kể lại, là tôi đã phải điều trị nội trú tại khoa da liễu của Quân y viện 108 trong suốt 8 tháng trời, và bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền ( sau này là giáo sư chủ nhiêm khoa da liễu của bệnh viện ) là người đã trực tiếp điều trị cho tôi. Vậy là từ khi sinh ra cho tới khi tròn một tuổi, thời gian tôi ở Viện 108 còn nhiều hơn ở nhà.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, theo nghiệp cha, tôi đã vào học tại Học viện Quân y. Ra trường, tôi về công tác tại bệnh viện của một binh đoàn đóng quân ở phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1987 khi đội tiếp huyết phía Bắc thuộc bệnh viện 108 thành lập, tôi được điều về công tác tại đây dưới sự chỉ bảo, dìu dắt của Giáo sư Trương Xuân Đàn. Đây cũng là khoảng thời gian rất có giá trị cho công việc của tôi sau này. Từ lời kể của bố mẹ về những năm tháng khi tôi chào đời, nhờ có những đơn vị máu quí giá trong lúc nguy cấp mà mẹ tôi mới qua được cơn nguy kich., tôi đã cảm nhận được tầm quan trọng của máu trong việc điều trị cứu người. Nhưng phải qua những năm tháng làm việc cùng giáo sư Đàn, qua những chuyến đi thực tế, tôi mới thực sự nhận thức được một cách rõ ràng ý nghĩa của công tác truyền máu trong hoạt động cứu chữa bệnh nhân.

 

Đối với người bệnh, máu có ý nghĩa hơn cả khi đó là phương thuốc đặc biệt và duy nhất có thể cứu sống họ qua cơn hiểm nghèo khi bị mất máu hoặc thiếu máu. Hằng năm, trên thế giới cần 2% dân số cho máu 1 lần/ năm nghĩa là khoảng khoảng 130 triệu đơn vị máu phục vụ cho điều trị, cấp cứu và dự phòng thảm họa và máu lại là một loại thuốc đặc biệt hiện tại chưa có chế phẩm nào thay thế được. Có thể nói, những kỉ niệm thời thơ ấu, cùng với những kinh nghiệm, những kiến thức thu nhận được trong suốt thời gian học tập và công tác, đã giúp tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình, đồng thời không ngừng tìm hiểu những kĩ thuật mới góp phần cùng khoa phát triển công tác truyền máu của Bệnh viện.

Từ kỷ niệm của bản thân cùng với sự chứng kiến trong quá trình công tác, đối với nhiều bệnh nhân, chỉ cần một đơn vị máu thôi - họ như được sinh ra lần thứ hai. Không đủ máu phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị là trăn trở của những người làm công tác truyền máu. Từ đó mỗi lần cùng các đồng nghiệp đi lấy máu nhân đạo, song song với việc hoàn thành công việc chuyên môn, tôi cũng cố gắng giúp những người hiến máu, đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ, hiểu rõ hơn ý nghĩa của công tác hiến máu nhân đạo, nhất là trong hoàn cảnh lượng máu dự trữ tại các
ngân hàng máu của ta hiện này chưa đáp
ứng đủ cho nhu cầu sử dụng.

Qua câu chuyện này, tôi mong muốn các bạn thanh niên - Thế hệ trẻ của Bệnh viện TWQĐ 108 Anh hùng hãy nêu cao truyền thống của Bệnh viên, phát huy tấm lòng nhân ái tham gia hiến máu khi cần, các bạn chính là kho máu sống vô cùng quý giá của Bệnh viện. Mỗi giọt máu một tấm lòng.

“ Hôm nay hiến giọt máu đào
Ngày mai cứu sống biết bao nhiêu người”

Ngày 19/11/1992

Đại tá Bác sỹ CKII. Nguyễn Duy Hải, Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Truyền máu, Bệnh viện TWQĐ 108 

Chia sẻ