Xét nghiệm magiê

  07:31 PM 25/10/2017

1. Nguồn gốc và thải trừ
Magiê là một cation quan trọng đối với cơ thể. Magiê có mặt trong thành phần khoảng 300 enzym khác nhau, có vai trò điều hoà các chức năng và nhiều qúa trình chuyển hoá năng lượng. Khoảng 50 – 70% lượng magiê trong cơ thể tập trung ở xương, phần còn lại phân bố ở tổ chức cơ, tổ chức mô mềm và một lượng nhỏ (khoảng 1%) trong máu. Lượng magiê trong máu luôn được duy trì ở mức ổn định để đảm bảo mọi hoạt động của cơ thể diễn ra bình thường. Magiê cũng góp phần quan trọng trong chức năng hoạt động của tim.

Magiê đi vào cơ thể qua ăn uống, được hấp thụ bởi ruột non và đại tràng. Các thực phẩm chứa một lượng nhỏ magiê gồm các loại rau lá xanh như rau chân vịt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt. Các loại thực phẩm có chất xơ thường cũng là nguồn cung cấp magiê. Cơ thể duy trì nồng độ magiê bằng cách điều hòa sự hấp thu và đào thải hoặc tái hấp thu ở thận.

Sự thiếu hụt magiê trong máu có thể gặp ở tình trạng suy dinh dưỡng, kém hấp thu và với sự đào thải quá nhiều magiê qua thận. Sự thiếu hụt magiê nhẹ và vừa có thể không có hoặc có rất ít các triệu chứng không đặc hiệu. Sự thiếu hụt kéo dài hoặc nặng có thể gây buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, lú lẫn, co thắt cơ, co giật, thay đổi nhịp tim và cảm giác tê hoặc ngứa. Sự thiếu hụt magiê cũng có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi canxi và làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt canxi.

Sự dư thừa magiê trong máu có thể gặp khi uống thuốc kháng acid chứa có magiê và khi thận giảm khả năng bài tiết magiê. Các triệu chứng của sự dư thừa magiê cũng có thể tương tự như khi thiếu hụt magiê gồm: Buồn nôn, yếu cơ, mất cảm giác ngon miệng và nhịp tim không đều.
2. Bản chất của chất của xét nghiệm:
Xét nghiệm magiê được sử dụng để xác định nồng độ của magiê trong máu. Nồng độ bất thường của magiê thường thấy nhiều nhất trong các nguyên nhân hoặc các bệnh gây bài tiết bị suy yếu (suy thận) hoặc hấp thụ magiê quá mức trong ruột. Nồng độ magiê được kiểm tra để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vấn đề về thận và hoặc của bệnh tiểu đường không được kiểm soát và có thể hỗ trợ trong việc chẩn đoán các rối loạn tiêu hóa.

3. Giá trị tham chiếu bình thường: Magiê = 0.7 – 1.1mmol/L.
4. Magiê tăng cao trong các trường hợp:
Sự tăng nồng độ magiê trong máu hiếm khi do các nguồn thực phẩm mà thường là bài tiết giảm hoặc bổ sung quá mức. Sự tăng nồng độ magiê trong máu thường thấy trong:
- Suy thận.
- Cường cận giáp, suy giáp.
- Mất nước.
- Nhiễm acid do đái tháo đường.
- Bệnh Addison.
- Sử dụng các thuốc kháng acid chứa magiê hoặc thuốc nhuận tràng.

5. Magiê giảm trong các trường hợp:
Nồng độ magiê trong máu thấp có thể chỉ ra rằng một người không hấp thụ đủ hoặc bị bài tiết quá nhiều magiê. Sự giảm magiê máu cũng có thể là nguyên nhân của giảm canxi máu và cũng thường liên quan đến giảm Kali máu. Sự thiếu hụt magiê thường thấy trong:
- Chế độ ăn uống kém (có thể gặp ở người cao tuổi, suy dinh dưỡng và nghiện rượu).
- Rối loạn tiêu hóa (bệnh Crohn).
- Đái tháo đường mất kiểm soát.
- Suy tuyến cận giáp.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu dài ngày.
- Tiêu chảy kéo dài.
- Sau phẫu thuật.
- Bỏng nặng.
- Nhiễm độc thai nghén khi mang thai.
Các dấu hiệu lâm sàng của thiếu hụt magiê có thể chỉ xuất hiện khi nồng độ magiê huyết thanh < 0,5mmol/L.

6. Chỉ định xét nghiệm:
Thử nghiệm magiê có thể được chỉ định để theo dõi khi nồng độ canxi và kali thấp mạn tính. Nó cũng có thể được chỉ định khi một người có triệu chứng có thể là do thiếu magiê, chẳng hạn như yếu cơ, co giật, co thắt, lú lẫn, rối loạn nhịp tim, và động kinh.

Kiểm tra thiếu hụt magiê là một phần của việc đánh giá kém hấp thu, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, hoặc nghiện rượu. Khi đang dùng thuốc có thể gây ra thận tăng bài tiết magiê, thực hiện kiểm tra là cần thiết. Khi cần bổ sung magiê và / hoặc canxi, định lượng magiê trong máu có thể được thực hiện trong khoảng thời gian sau đó để theo dõi hiệu quả điều trị.

Khi có một rối loạn chức năng thận hoặc tiểu đường không kiểm soát được, xác định lượng magiê có thể được chỉ định định kỳ, cùng với các xét nghiệm chức năng thận như urea và creatinine, để giúp theo dõi chức năng thận và xác định là magiê không bị đào thải hay giữ lại quá nhiều.

Các loại thuốc có thể làm tăng nồng độ magiê trong máu bao gồm lithium, aspirin, thuốc tuyến giáp, một số thuốc kháng sinh và các sản phẩm có chứa magiê.

Các loại thuốc có thể làm giảm lượng magiê bao gồm digoxin, cyclosporin, thuốc lợi tiểu, insulin, một số thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, phenytoin.
7. Cách lấy mẫu:
Mẫu máu được lấy vào buổi sáng: 2ml máu, không chống đông hoặc chống đông bằng lithiheparin (không dùng chống đông EDTA).

Thời gian làm xét nghiệm mất 1 giờ. Bệnh nhân không cần chuẩn bị gì đặc biệt.

Khoa Sinh hóa – Bệnh viện TƯQĐ 108
Chia sẻ