Tổ Quân Y Bệnh viện TƯQĐ 108 trên xã Đảo Song Tử Tây, Trường Sa

  09:34 AM 27/08/2013
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cử các tổ quân y luân phiên làm nhiệm vụ tại bệnh xá trên xã đảo Song Tử Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Tổ quân y thực hiện công tác bảo đảm y tế cho bộ đội và nhân dân trên đảo, ngoài ra còn đảm trách việc cấp cứu, điều trị cho ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa nếu không may mắc bệnh hay bị tai nạn lao động.

      Theo đánh giá của quân y Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, Bệnh xá đảo Song Tử Tây là đơn vị quân y trên quần đảo Trường Sa tổ chức cấp cứu cho ngư dân nhiều nhất, cũng là nơi gặp những ca bệnh hiểm nghèo nhất như: nhồi máu cơ tim cấp, viêm phúc mạc toàn thể do thủng dạ dày, viêm ruột thừa cấp, vết thương chi thể mức độ nặng, hội chứng giảm áp do lặn sâu… Có thể nói, cán bộ chiến sĩ quân y Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã mang lại niềm tin vững chắc, sự yên tâm cho bộ đội và nhân dân trên đảo, của ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Những ngày đầu tháng 4/2013, trong thành phần đoàn công tác số 4 (năm 2013) trên con tàu quân y HQ 561 ra thăm và làm việc tại một số đảo ở Trường Sa do Quân chủng Hải quân tổ chức, tìm hiểu hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân đã được cấp cứu, điều trị tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây, tiếp xúc với bộ đội và nhân dân trên đảo, chúng tôi đã cảm nhận được điều đó.
      Bệnh xá đảo Song Tử Tây có biên chế 2 bác sĩ, 4 y sĩ và 1 điều dưỡng trung cấp. Từ tháng 4/2012 đến tháng 5/2013 bệnh xá do đại úy bác sĩ Kiều Đức Vinh (thạc sĩ chuyên ngành ngoại tiết niệu) làm Bệnh xá trưởng. Tính từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2013, các thầy thuốc của bệnh xá đã khám bệnh và cấp cứu 1159 lượt bệnh nhân (gồm 507 lượt bộ đội, 108 lượt viên chức nhà nước và nhân dân trên đảo, 544 lượt ngư dân trong khu vực). Trong số bệnh nhân trên, có 46 trường hợp cấp cứu (4 trường hợp là bộ đội, 6 trường hợp là viên chức nhà nước và nhân dân trên đảo, 36 trường hợp là ngư dân trên biển). Trong quá trình điều trị, có 45 bệnh nhân được phẫu thuật (trong đó có 11 phẫu thuật loại I và 6 phẫu thuật loại II). Với trách nhiệm của những người thầy thuốc quân đội và sự cẩn trọng ở từng ca bệnh, hầu hết các trường hợp đưa đến Bệnh xá đảo Song Tử Tây đều được xử trí kịp thời, đúng phương pháp và bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe, chỉ có 1 trường hợp bị tử vong do đuối nước (nạn nhân đã ngừng tim, ngừng hô hấp trước khi đưa tới bệnh xá).
     Ngư dân Nguyễn Thanh Dũng (54 tuổi, quê ở Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), làm việc trên tầu cá QNg 90188-TS, được đưa vào bệnh xá đảo cấp cứu lúc 10 giờ 15 phút ngày 21/7/2012. Bệnh nhân bị đau thắt khắp vùng ngực, đau nhiều ở ngực trái, lan lên bả vai, khó thở, môi tím tái, nhịp tim nhanh. Qua các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nên tiến hành làm điện tâm đồ, kết quả cho thấy hình ảnh ST chênh lên hơn 2 mm ở các đạo trình DI, aVL và V1-V5; ST chênh xuống ở các đạo trình DIII và aVF. Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim cấp, sau 16 ngày điều trị đã dần hồi phục sức khỏe và được bàn giao cho tàu cá để đưa vào đất liền trong tình trạng sức khỏe ổn định. Trước khi rời đảo, ông Dũng rưng rưng cảm động: “Tấm lòng của các thầy thuốc ở Trường Sa đúng như mẹ hiền”, ông xin được nhận bác sĩ Vinh là ân nhân và là người thân trong gia đình. 

BN Trần Thanh D. Bình phục sau khi được cấp cứu, điều trị NMCT cấp

      Ngư dân Tiêu Viết Hoàng (35 tuổi, quê ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), làm việc trên tầu cá QNg 90181, được đưa vào bệnh xá cấp cứu ngày 10/9/2012 trong tình trạng khó thở, da và môi tím tái, liệt hai chân, mất cảm giác từ ngang rốn trở xuống, bí tiểu. Sau khi khám xét, bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng giảm áp do lặn sâu. Việc cấp cứu, điều trị được tiến hành khẩn trương và chỉ sau ít ngày bệnh nhân đã qua khỏi tình trạng nguy kịch, được chuyển vào đất liền an toàn.BN Trần Thanh D. Bình phục sau khi được cấp cứu, điều trị NMCT cấp
     Ngư dân Trần Văn Thông (35 tuổi, quê ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), làm việc trên tầu cá PY 92122. Trường hợp này bị tai nạn do sơ ý đã đưa cả bàn tay phải vào máy nghiền đá lạnh để ướp cá, bàn tay bị giập nát gần hoàn toàn cả xương và phần mềm. Do đang ở khu vực khơi xa nên thuyền cá phải chạy hơn 1 ngày mới đến được đảo Song Tử Tây. Khi vào bệnh xá, khám thấy vết thương khá nặng, bàn tay của bệnh nhân không thể điều trị bảo tồn được, các bác sĩ buộc lòng phải cắt cụt bàn tay phải của bệnh nhân theo chỉ đạo chuyên môn của các thầy Khoa vi phẫu và bàn tay, Viện chấn thương chỉnh hình, bệnh viện TWQĐ 108 sau đó tạo hình mỏm cụt.
Lúc 16 giờ 30 phút ngày 27/0/2012, ngư dân Ngô Văn Sang, thuyền viên tàu QNa 91964 TS, quê ở Quảng Nam được đưa vào Bệnh xá đảo cấp cứu vì đau bụng. Bệnh nhận được chẩn đoán xác định là Viêm ruột thừa cấp giờ thứ 20. Ca mổ được thực hiện thành công trên đảo kéo dài trong 1 giờ với chẩn đoán sau mổ là viêm ruột thừa mủ.
      Cũng là bệnh cấp cứu viêm ruột thừa cấp, Bệnh xá đảo Song Tây còn phẫu thuật một số trường hợp khác nữa như là Bệnh nhân Trần Đình Hội, trung úy chuyên nghiệp, thuộc đơn vị Trạm Rada 21; Bệnh nhân Hồ Văn Hiệp, thiếu úy chuyên nghiệp, thuộc tổ phục vụ đoàn kiểm tra toàn diện đảo Song Tử Tây đầu năm 2013 của vùng 4 HảI Quân. Đúng 16 giờ ngày 27/2/2013 Bệnh nhân Hiệp được đưa đến bệnh xá với triệu chứng đau âm ỉ, liên tục và tăng dần vùng hố chậu phải. Qua thăm khám lâm sàng và siêu âm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp giờ thứ 14 và có chỉ định mổ cấp cứu. Bác sĩ Kiều Đức Vinh cùng kíp mổ thực hiện ca phẫu thuật thành công lúc 23 giờ cùng ngày.

Mổ viêm ruột thừa cấp cho thiếu úy Hồ Văn H

      Ngư dân Lê Bá Quốc (25 tuổi, quê ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định), làm việc trên tầu cá BĐ 96614-TS, là một trường hợp bị tai nạn đặc biệt. Ngày 13/3/2013, trong khi thả lưới xuống biển, ngư dân này bị dây lưới quấn vào ngang khe khớp gối trái, lưới kéo chân bệnh nhân lôi cả người xuống biển. Khi được bạn tầu cứu lên thì cẳng chân trái chỉ còn lại duy nhất đoạn xương chầy. Nạn nhân được các thuyền viên sơ cứu tạm thời (nhưng không đúng kỹ thuật), rồi đưa vào bệnh xá sau khi bị nạn 5 giờ trong tình trạng rất nguy kịch do mất máu nhiều, đang trong giai đoạn tiền sốc với biểu hiện da và niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh (140 lần/phút), huyết áp tăng nhẹ (145/85 mmHg), vết thương đã được garô nhưng không đủ chặt nên vẫn chảy máu rỉ rả. Các thầy thuốc bệnh xá đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp điều trị tích cực: phòng chống sốc và dùng kháng sinh sớm. Dưới sự chỉ đạo, tư vấn của các chuyên gia từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kíp mổ của bệnh xá đã tiến hành phẫu thuật tháo khớp gối trái cấp cứu nhằm cứu sống bệnh nhân. Vết thương được cầm máu, tuy nhiên do bệnh nhân bị mất máu quá nhiều nên toàn trạng rất yếu, mạch vẫn nhanh (nhịp mạch liên tục 130-140 lần/phút), có nguy cơ lớn dẫn đến các rối loạn khác, đe dọa tính mạng, cần phải được truyền máu kịp thời. Dưới sự tổ chức của chỉ huy đảo, một chiến sĩ hải quân đã hiến tặng bệnh nhân 350 ml máu. Sau khi được truyền máu, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt dần. Ngày 31/3/2013, bệnh nhân được tầu hải quân đưa vào đất liền an toàn. 

Lúc vào cấp cứu                                                                  Chăm sóc mỏm cụt sau mổ

Bệnh nhân Lê Bá Q. Lóc toàn bộ phần mền và xương nhỏ cẳng bàng chân T do tai nạn lao động trên biển.

      Ngư dân Phạm Văn Xiêm (44 tuổi, quê Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định), làm việc trên tầu cá BĐ 95232-TS. Lúc 17 giờ ngày 14/3/2013, trong khi đang lao động thì xuất hiện cơn đau bụng đột ngột dữ dội vùng thượng vị, sau đó đau lan ra khắp ổ bụng và đau liên tục. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh xá đảo Song Tử Tây lúc 10 giờ 45 phút ngày 15/3/2013. Sau khi khám, siêu âm bụng thấy có dịch ở hai hố chậu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng giờ thứ 18 và có chỉ định mổ cấp cứu. Trường hợp này tiên lượng rất nặng, có nguy cơ tử vong nếu không được xử trí sớm. Sau khi báo cáo với thủ trưởng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và nhận được chỉ đạo của các chuyên gia, ca mổ đã được tiến hành lúc 16 giờ 30 phút cùng ngày. Sau hơn 2 giờ, ca mổ được thực hiện thành công với chẩn đoán xác định: viêm phúc mạc toàn thể do thủng ổ loét mặt trước trên hang vị dạ dày. Sau mổ 4 ngày, bệnh nhân đã lưu thông tiêu hóa, toàn trạng cải thiện rất tốt. Do điều kiện trang thiết bị và thuốc men ở bệnh xá hạn chế, nên bệnh nhân được máy bay trực thăng (chở đoàn cán bộ ra đảo công tác) đưa vào đất liền điều trị tiếp. Một bác sĩ của bệnh xá đã hộ tống bệnh nhân về bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận an toàn.

BN bình phục sau mổ                                                               Vận chuyển vào bờ bằng trực thăng

      BN Phạm Văn X. Mổ cấp cứu viêm phúc mạc toàn thể do thủng dạ dày

      Không ồn ào, dữ dội như những con sóng giữa biển Đông, các cán bộ nhân viên quân y nơi đảo xa Song Tử Tây luôn lặng lẽ và rất nhiệt tâm với công việc khám, chữa bệnh cứu người. Là những thầy thuốc quân y, họ coi đây là một niềm vinh dự lớn lao. Trao đổi với chúng tôi, Bệnh xá trưởng Kiều Đức Vinh cho biết: bệnh nhân nặng ở bệnh xá đảo chủ yếu là ngư dân đánh bắt hải sản ngoài biển khơi với các công việc lao động vất vả, nguy cơ rủi ro cao, trong khi kiến thức về y học thường thức rất ít, vì vậy khả năng sơ cứu của họ rất hạn chế, có khi làm bệnh nặng hơn trong quá trình vận chuyển bệnh nhân đến bệnh xá đảo. Trên đảo, khối lượng công việc rất nhiều và đa dạng hơn so với đất liền vì các thầy thuốc phải xử lý tất cả các mặt bệnh, từ nội khoa, ngoại khoa cho đến nhi khoa, sản khoa và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện đảo Trường Sa tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên đảo. Khi ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, họ làm việc theo chuyên khoa sâu; nhưng để đáp ứng được yêu cầu công tác ngoài đảo xa, các y, bác sĩ đều được bệnh viện tổ chức huấn luyện các chuyên khoa cần thiết trước khi đi, mặc dù vậy anh em vẫn phải tự học thêm nhiều qua các tài liệu chuyên ngành. Đối với những bác sĩ trẻ như đại úy Kiều Đức Vinh, thực hiện một ca mổ trong bệnh viện ở đất liền đã là một công việc không đơn giản thì ở giữa đảo xa, trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, khi cần chỉ có thể nhận được sự chỉ đạo của các chuyên gia trong đất liền qua điện thoại, vì thế công việc này càng khó khăn gấp bội. Yếu tố quyết định sự thành công của mỗi ca mổ ở bệnh xá đảo là bản lĩnh, trình độ và tâm đức của các y, bác sĩ. Không dựa hoàn toàn vào tân dược và trang thiết bị, các thầy thuốc ở đảo còn áp dụng nhiều cách chữa bệnh khác như các phương pháp vật lý trị liệu đơn giản như giác hút, điện châm và sử dụng cây, con thuốc có sẵn trên đảo (tuy nhiên rất hiếm) như cây chó đẻ răng cưa, lá hẹ, lá hương nhu, bạc hà... Một số trường hợp mất ngủ kéo dài, liệt dây thần kinh VII ngoại vi đã được điều trị có hiệu quả tốt. Ở đảo, ngoài công việc chuyên môn, các thầy thuốc của bệnh xá còn tham gia hầu hết các công việc, hoạt động từ lao động giản đơn như quét dọn vệ sinh, đến lao động nặng nhọc như bốc vác hàng hóa, vật liệu xây dựng từ tầu lên đảo và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện quân sự, huấn luyện tổ chức chỉ huy quân y trên biển đảo, gác đêm… như tất cả những người lính hảI quân nào có mặt trên đảo, họ cũng luôn luôn sẵn sàng hi sinh để chiến đấu bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
      Ở nơi trùng khơi, hải đảo xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống còn nhiều khó khăn, công việc vất vả, xa hơi ấm gia đình, nhưng các chiến sĩ quân y Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên đảo Song Tử Tây đều có tinh thần lạc quan, vui vẻ. Màu áo blue trắng của các anh đã và đang trở thành chỗ dựa vững chắc cho những người lính kiên trung giữ vững chủ quyền biển đảo, giúp các viên chức nhà nước và người dân trên đảo an tâm xây dựng Tổ quốc nơi địa đầu sóng gió, giúp các ngư dân ngày đêm dãi dầu mưa nắng thêm vững vàng bám biển.

Bài: BS Kiều Đức Vinh
Chia sẻ