Những điều cần biết về sinh thiết cột sống dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính

  02:34 PM 09/08/2022
Sinh thiết cột sống là một thủ thuật chọc xuyên một kim sinh thiết từ ngoài da vào đến vị trí đốt sống có tổn thương và lấy bệnh phẩm từ tổn thương này.

Hình ảnh minh họa

Mục đích của sinh thiết cột sống

- Nhằm chẩn đoán xác định bản chất của tổn thương là gì: lao, u nguyên phát, di căn…

- Đánh giá sự đáp ứng của u đã biết với điều trị hóa, xạ trị.

- Phân tích tổn thương viêm nhiễm ở phần mềm cạnh cột sống, khẳng định chẩn đoán, định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ...

- Sau khi có kết quả của sinh thiết bác sỹ lâm sàng sẽ có phương hướng điều trị chính xác cho bệnh nhân.

Những rủi ro, tai biến có thể gặp khi tiến hành kĩ thuật này

- Tụ máu phần mềm theo đường chọc kim.

- Nhiễm trùng tại vị trí chọc kim.

- Tác động vào các rễ thần kinh lân cận làm giảm cảm giác hoặc vận động.

- Chọc vào tủy sống hoặc các cơ quan lân cận.

- Phản ứng với các thuốc có thể phải dùng trong quá trình làm thủ thuật như: thuốc tê, thuốc giảm đau, thuốc cầm máu.

Trước khi sinh thiết bác sỹ sẽ tính toán kĩ lưỡng phương hướng đi kim sao cho hạn chế nhất các tai biến có thể xảy ra.

Bệnh nhân nào không được sinh thiết

- Bệnh nhân có rối loạn đông máu.

- Bệnh nhân đang có nhiễm trùng ngoài da vùng định chọc kim.

- Bệnh nhân có các bệnh tim mạch, hô hấp mà không thể nằm sấp lâu được.

- Tổn thương nghi ngờ có nguồn gốc từ mạch máu.

Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành sinh thiết?

Bệnh nhân cần được chụp phim cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để bác sỹ đánh giá tổn thương, đánh giá các nguy cơ và tính toán cách thức sinh thiết; Làm các xét nghiệm máu đảm bảo cho việc sinh thiết an toàn như: đông máu, công thức huyết học tổng quát.

Sau khi sinh thiết bệnh nhân cần làm gì?

Sau khi hoàn thành thủ thuật sinh thiết bệnh nhân sẽ được nằm theo dõi trong khoảng thời gian khoảng 1-2h, bác sỹ sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân về toàn trạng và tại chỗ xem có tai biến gì không. Thông thường bệnh nhân sẽ được về nhà và chờ đến khi có kết quả thì quay lại viện để được bác sỹ lâm sàng tư vấn. Bệnh nhân về nhà cần lưu ý: Không vận động mạnh, không làm việc gắng sức; Tự theo dõi tình trạng tại chỗ nếu sưng nóng đỏ hoặc tụ máu lớn thì phải quay lại cơ sở y tế để khám lại.

BS Nguyễn Ngọc Ấn – Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh

Chia sẻ