Vị Tướng Quân Y thầm lặng giữ lời thề Hy-po-crat

  09:35 AM 15/11/2018
Trung tướng GS.TS. Nguyễn Thế Khánh sinh trưởng trong một gia đình trí thức, được nuôi dạy cơ bản ngay từ thuở ấu thơ. Với trí thông minh sẵn có cộng với truyền thống của gia đình, ông đã tự hướng nghiệp cho mình đến với ngành y với mong muốn được đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho nhân dân.

Từ năm 1943, chàng sinh viên trẻ Nguyễn Thế Khánh đã tốt nghiệp xuất sắc Trường Y Hà Nội và được giữ lại làm giảng viên. Tháng 8 năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, chính quyền cách mạng về tay nhân dân, từ một người làm công tác khoa học đơn thuần, ông bắt đầu tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, ông tự nguyện, hòa mình vào công cuộc hồi sinh dân tộc.

Số bác sĩ và sinh viên y khoa thời gian đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ chỉ đếm được trên đầu ngón tay và ông là một trong số đó đã hăng hái xung phong vào quân đội phục vụ ở nhiều chiến trường. Sau này, ông về làm Viện trưởng Viện Quân y 108, nơi Bác Hồ đã đến thăm nhiều lần. Bác dặn dò nhiều điều cụ thể, nhất là định hướng cho con đường phát triển của y tế cách mạng là phải “vừa hồng, vừa chuyên” có nghĩa là “người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”. Ông thấm thía, khắc sâu những lời dạy của Bác trong lòng để thực hiện. Ở cương vị là người lãnh đạo Bệnh viện, ông luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ: Trước hết là phải đoàn kết, không những tập hợp được mọi lực lượng và sử dụng được hết tài năng trí tuệ của mọi cán bộ, công nhân viên trong Bệnh viện mà còn giúp đỡ xây dựng cho nhiều viện quân y khác như: Viện Quân y 103, Viện Quân y 211, Viện Quân y 175, Học viện Quân y... Thời gian ông làm Viện trưởng, sau gọi là Giám đốc Bệnh viện, ông đã tích cực cùng nhiều chuyên gia của bệnh viện đi giúp bạn Lào và Campu-chia, đào tạo cán bộ ở mọi lĩnh vực chuyên khoa sâu, nhất là về chuyên khoa tim mạch. Ông đã cùng GS. Phạm Tử Dương và các đồng chí lãnh đạo khác chọn lựa những bác sĩ tài năng, có nhiều triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng và cho đi thực tập ở nước ngoài, tạo ra một thế hệ thầy thuốc vững mạnh của Bệnh viện cho đến ngày hôm nay. Do có tầm nhìn xa trông rộng như vậy, nên đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã có một Viện Tim mạch Quân đội đủ sức đáp ứng yêu cầu khám, chữa các bệnh về tim mạch cho bộ đội và nhân dân. Không những thế, Viện Tim mạch Quân đội còn tích cực tham gia chương trình quân dân y kết hợp, đào tạo nhiều tiến sĩ chuyên sâu cho ngành tim mạch của cả nước, giải quyết được nhiều trường hợp khó, hóc búa” bằng các kỹ thuật phức tạp với phương tiện máy móc hiện đại ngang tầm các viện tim mạch trong khu vực và thế giới hiện nay.

Bác sĩ Lê Ngọc Hà, một trong những học trò trẻ của ông kể rằng: “Tôi may mắn được công tác và học tập dưới thời GS Nguyễn Thế Khánh làm Viện trưởng. Tôi luôn cảm nhận được ở thầy một nhà khoa học Có kiến thức sâu rộng và sắc sảo, nhưng cũng rất cụ thể, tỉ mỉ đối với từng người bệnh. Thầy Khánh thường hỏi bệnh, khám xét lâm sàng rất thận trọng. Có lần, trong lúc hội chẩn với GS Đặng Hiếu Trưng về một bệnh nhân ung thư vòm họng, thầy đã giảng giải với các sinh viên và bác sĩ dưới quyền rất chi tiết về cấu trúc của từng chi tiết giải phẫu, tổ chức học của vùng hầu họng, các đặc điểm về mô bệnh học kết quả sinh thiết bệnh nhân...

Trong công tác, Trung tướng Nguyễn Thế Khánh là tấm gương mẫu mực về tinh thần y đức để mọi người học tập. Là người giữ chức Viện trưởng Viện Quân y 108 lâu nhất trong lịch sử Bệnh viện, GS Khánh để lại dấu ấn không phai trong lòng các thế hệ thầy thuốc của Bệnh viện về việc ông luôn nhắc nhở mọi người và bản thân mình là luôn đặt trách nhiệm phục vụ thương binh, bệnh binh, phục vụ bệnh nhân trên hết theo đúng lời Bác đã dạy. Là một nhà khoa học Có uy tín nhưng ông rất coi trọng nguyên tắc sinh hoạt Đảng, thực hiện nghiêm mọi chỉ thị của cấp trên và nghị quyết của Đảng ủy, gắn bó mật thiết với chính ủy theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong chuyên môn kỹ thuật, ông luôn tôn trọng mọi người, kể cả ý kiến đó là của hộ lý, y tá. Ông thường khuyên bảo Cô con gái Nguyễn Thị Thu Hà là phải khiêm tốn, học hỏi nhiều hơn nữa. Đến nay, chị Hà đã trưởng thành, là PGS, TS, thầy thuốc nhân dân, chuyên gia đầu ngành về chuyên ngành huyết học. Chị Có nhiều công trình khoa học, đặc biệt là tham gia nghiên cứu đề tài sử dụng tế bào gốc để chữa bệnh ung thư máu. Nhận nhiều giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như giải thưởng Kô-va-lép-xkai-a, “Phụ nữ tài năng”... Chị đều nói rằng: Nhờ những lời dạy của người cha thân yêu.

Một trong những chiến công to lớn mà GS Nguyễn Thế Khánh đã thầm lặng thực hiện khi được trao trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương. Với cương vị này, ông đã tham mưu cho Bộ Y tế tổ chức hội đồng gọn nhẹ, phát huy đầy đủ trí tuệ và tài năng của các chuyên khoa sâu khi cần, sử dụng thành thạo tối đa trang thiết bị máy móc y học hiện đại nhất hiện có vào công tác chẩn đoán và điều trị sớm cho người bệnh đạt hiệu quả cao.

 Đại tá, BS Lê Văn Đính, nguyên Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Tôi thuộc lớp học trò ông. Tuy nhiên, do khi ấy tôi là Bí thư Đảng ủy Bệnh viện nên thường xuyên cùng ông tâm sự, trao đổi công việc. Nhiều lần, ông tâm sự: “Trong cuộc đời làm thầy thuốc của mình, thời điểm mà tâm lý tội lo lắng nhất là giai đoạn được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ Bác Hồ”. Đặc biệt, khi Bác Hồ bị ốm nặng, GS Nguyễn T. Khánh là người trực tiếp cặp nhiệt bắt mạch, đo huyết áp, theo dõi các. số trên máy và các xét nghiệm. Ông Cũ là người trực tiếp giúp Bác uống thuốc Ông làm việc bằng tình cảm thân thiết của người con có hiếu với người cha. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. GS Nguyễn Thế Khánh để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Ông cùng GS Phạm Tử Dương viết cuốn sách “Xét nghiệm sử dụng trong lâm sàng”, là một tài liệu thuộc loại“gối đầu giường” của sinh viên ngành y. Mỗi khi đi khám hay hội chẩn bệnh nhân, ông thường xem xét và phân tích rất kỹ các xét nghiệm sinh hóa, hóa nghiệm, điện tim, X-quang... Đặc biệt, ông thường giải thích các xét nghiệm đó theo một tư duy lô-gích, đối chiếu kết quả cận lâm sàng với các triệu chứng lâm sàng của từng bệnh nhân. Vào khoảng năm 1997, khi ấy ông tuổi đã cao và ít khi đến Bệnh viện nhưng đọc được một báo cáo khoa học của đồng nghiệp về một bệnh nhân trẻ tuổi được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, ông tìm đến, hỏi rất kỹ về các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả chụp động mạch vành và đưa ra ý kiến của riêng mình. Các đồng nghiệp nói rằng: Chính từ tinh thần trách nhiệm tận tụy đó của ông, họ đã học đưa điều là tư duy đọc kết quả cận lâm sàng không thể tách rời tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

Trong cuộc sống hằng ngày, tấm gương đạo đức của GS Nguyễn Thế Khánh luôn làm bạn bè quý mến, cấp dưới quý trọng, nể phục. Biết gia đình ông có hai con gái lớn đã lập gia đình riêng cùng 3 cháu ngoại, đều ở chung trong căn hộ 35m2, Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đề nghị cấp trên xét cấp ông căn hộ theo tiêu chuẩn cấp tướng ở Liễu Giai. Được tin, ông vui vẻ nói: Tôi được Nhà nước cấp cho 35m2 nhà rồi cơ mà! Vậy tôi xin trả lại 35m2 ấy để Viện cấp cho người khác theo đúng chính sách.

Trung tướng GS. TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Khánh năm nay đã vào tuổi bách niên. Ông được coi là bậc cao niên mẫu mực của ngành y, tấm gương sáng tiêu biểu của lớp người trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

 

 

Nhóm  phóng viên CTĐ,CTCT

Báo Quân đội nhân dân

Chia sẻ