Chẩn đoán, theo dõi và tư vấn bệnh suy tim tại Khoa Khám bệnh Cán bộ cao cấp C1-2

  04:21 PM 26/08/2021
Suy tim là một hội chứng bệnh lý thường gặp, là giai đoạn cuối của nhiều bệnh lý tim mạch khác như: Tăng huyết áp, Đái tháo đường, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, …

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 60 triệu người bị suy tim, số bệnh nhân suy tim nhiều gấp 3 lần số bệnh nhân ung thư; đặc biệt, 50% người bệnh suy tim có phân suất tống máu (EF) giảm sẽ tử vong trong 5 năm đầu, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện ở bệnh nhân trên 65 tuổi. Dựa trên thông số phân suất tống máu, suy tim được chia ra làm 2 loại chính: suy tim phân suất tống máu bảo tồn (EFpHF) tức là EF ≥ 55% và suy tim phân suất tống máu giảm (EFrHF) EF < 40%. Suy tim phân suất tống máu bảo tồn  trước đây thường bỏ sót; hiện nay rất được quan tâm do tỷ lệ mắc ngày càng cao, tăng 1% mỗi năm và chiếm khoảng 1-2% dân số; thể bệnh cũng chiếm 50% người bệnh suy tim và tiên lượng sống giữa nhóm EFpHF tương đương với nhóm EFrHF. Tại Việt Nam, theo dự báo của Hội tim mạch Việt Nam có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc bệnh suy tim (1 đến 1,5% dân số).

 

Tại Khoa khám bệnh cán bộ cao cấp C1-2, nhiều năm nay chúng tôi đã cùng với các chuyên khoa tim mạch, theo dõi và quản lý ngoại trú chặt chẽ các bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm (EF < 40%); hướng dẫn người bệnh điều trị ngoại trú, tư vấn để người bệnh hiểu và tuân thủ để đạt được phác đồ điều trị tối ưu nhất, cập nhật nhất như: SGLT2, ARNI, CRT-D.. theo hướng dẫn của Bộ Y tế (năm 2020), khuyến cáo của Hội tim mạch Việt Nam (năm 2017), Hội tim mạch Châu Âu (năm 2016) và Hội tim mạch Mỹ (năm 2021).

Với đặc điểm người bệnh Khoa quản lý chủ yếu là trên 65 tuổi, có rất nhiều bệnh tim mạch nền kết hợp; chúng tôi đã xác định được nguy cơ và tính thời sự, cấp thiết trong chẩn đoán, điều trị ngoại trú người bệnh suy tim phân suất tống máu bảo tồn (EF ≥ 50%). Vì vậy, chúng tôi không ngừng đào tạo nhân lực về chuyên môn, quy trình để triển khai khám sàng lọc chẩn đoán để tiếp tục quản lý đối tượng bệnh nhân này.

Chúng tôi xác định, những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của suy tim như khó thở, khó thở khi gắng sức, mệt, giảm khả năng gắng sức, phù nhẹ mắt cá chân… kèm theo các bệnh tim mạch nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, bệnh động mạch vành… sẽ được đánh giá kỹ về tim mạch. Mặc dù các xét nghiệm như: siêu âm tim có phân suất tống máu trên 50%, các xét nghiệm như điện tim, Xquang tim phổi, sinh hóa máu cơ bản.. không có biến đổi đáng kể; khi khám sàng lọc nghi nghờ, chúng tôi sẽ làm thêm xét nghiệm peptid lợi niệu (NT-ProBNP), siêu âm tim chuyên sâu bởi các bác sỹ chuyên khoa Tim mạch (đánh giá chức năng tâm trương, sức căng dọc thất trái GLS, đánh dấu mô, 3D…) hoặc Holter điện tim, huyết áp 24 giờ và các nghiệm pháp gắng sức nếu cần thiết; một số trường hợp khó chẩn đoán người bệnh sẽ nhập viện để chụp động mạch vành, thông tim.

Do phác đồ điều trị của bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn (EFpHF) còn gặp nhiều khó khăn và khác với suy tim phân suất tống máu giảm (EFrHF), nên các bệnh nhân được chẩn đoán EFpHF sẽ được quản lý, tư vấn, theo dõi ngoại trú tại khoa C1-2, đặc biệt xây dựng chiến lược đánh giá nhận thức, tư vấn và theo dõi của người bệnh, giúp người bệnh tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật và những phác đồ điều trị mới nhất, làm giảm tỷ lệ tái nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống.

BSCKI Lương Hải Đăng -

Khoa Khám bệnh Cán bộ cấp cao

Chia sẻ