Giáo sư Phan Chúc Lâm và “những điểm yếu dễ thương”

  11:18 AM 08/01/2021
Đã qua cái tuổi “tri thiên mệnh” 30 năm, bây giờ ông có thể bình thản nói về những điểm yếu của mình. Nhưng riêng tôi lại thấy đó là những điểm yếu dễ thương mà nếu không có nó, chưa chắc ông đã là ông như hôm nay. Ông là Giáo sư Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Phan Chúc Lâm, chuyên gia đầu ngành thần kinh quân đội, Chủ tịch và nay là Chủ tịch danh dự vĩnh viễn Hội Thần kinh học Việt Nam.

 

Ông sinh năm 1932 tại thành phố Nam Định. Năm nay 80 tuổi, Giáo sư Lâm vẫn còn đọc sách để tìm hiểu về siêu tốc, tư duy nhanh, sáng tạo nhanh và ông thấy nó hoàn toàn phù hợp với quy luật sinh lý thần kinh, có kỹ thuật để thực hiện hẳn hoi. Ông bảo, thế hệ ông khi xưa có cái thiệt thòi là không được học những kỹ năng sống cần thiết như hiện nay. Thuở nhỏ sống với cha là nhà nho ở đất học Nam Định thì chỉ được dạy phải giữ đạo Nho. Khi lớn đi học thì vào thời kháng chiến phải tự mình rèn dũa trí tuệ, mà cũng chỉ lo mỗi việc phát triển trí tuệ thôi, nên rõ là lệch. Lẽ ra phải rèn cả thế lực, cả tinh thần (hướng tư duy tích cực) và nhất là quan hệ xã hội. Ông nói: Quan hệ xã hội kém thì thường thiệt thòi và cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự thành đạt của mình. Tôi là người như vậy, cả lớp Y50 chúng tôi như vậy.

Tôi phản biện:

- Nhưng rõ ràng, Giáo sư cũng đã rất thành đạt trong sự nghiệp chuyên môn của mình đây thôi?

Giáo sư Phan Chúc Lâm không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà kể ra bảy thói quen của người thành đạt: “Tích cực, chủ động có mục đích, hành động thực hiện mục đích, tư duy cùng thắng, lắng nghe, hợp tác, rèn giũa bản thân”. Và ông bảo: “Nếu so vào mình, tôi thiếu ba trong bảy thói quen đó. Mà gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách thì gặt sự nghiệp. Kể ra, tôi cũng đã có thành công là phục vụ tốt cho chuyên ngành thần kinh của mình, nhưng lẽ ra có thể thành công hơn nữa, và cũng phần nào đỡ thiệt thòi...”.

 

Như để minh chứng cho lời nói của mình, Giáo sư Lâm kể về cuộc đời mình với những dấu mốc khó quên:

Vào ngành y năm 1950, năm 1957 tốt nghiệp với luận văn xuất sắc về “Kỹ thuật đo thời gian đông máu” và năm 1960, ông chính thức gắn bó với chuyên khoa thần kinh. Ngay từ những năm học Y50, ông đã từng nhiều lần đi chiến dịch. Những năm đầu thập kỷ 70, ông là Trưởng đoàn phục vụ Sư đoàn 320 chiến đấu ở Đường 9 Nam Lào, chứng kiến cuộc đọ sức giữa hai tướng họ Cao (Cao Văn Khánh - ta và Cao Văn Viên - địch). Thời kỳ này, quân số giảm nhiều do bệnh sốt rét, đoàn phục vụ của Giáo sư Lâm có nhiệm vụ phải thanh toán sốt rét để giữ quân số đảm
bảo cho mặt trận. Hoàn thành nhiệm vụ này, Giáo sư Lâm đi tiếp vào mặt trận B3 (Tây Nguyên) và quay về với chuyên khoa của mình là thần kinh, tâm thần.
Chẳng có thuốc thang gì, phải tận dụng chiến lợi phẩm mà chữa cho thương bệnh binh, ngoài ra là áp dụng phương pháp tập luyện. Các cơ sở giữ bệnh nhân thần kinh là phải tường cao cồng chắc, đằng này ở chiến trường thì cứ giữa rừng mênh mông thế, chỉ có người giữ và lá cây giúp an tĩnh, vô cùng vất vả. Vào đến cửa ngõ Sài Gòn tháng 4 - 1975, lại “chiến đấu” với hơn 2000 thương bệnh binh thần kinh, tâm thần của các mặt trận đổ về. Hình ảnh Giáo sư Lâm với các bệnh nhân đặc biệt này đã để lại nhiều ấn tượng đẹp và niềm tin yêu của chỉ huy chiến trường. Sau thống nhất, họ giới thiệu ra Cục cán bộ cho ông được đi học nước ngoài để nâng cao trình độ tiếp tục phục vụ tốt hơn. Ông nộp giấy tờ lên Học viện Quân y và Cục cán bộ nhưng Học viện lại nói là để nhường suất này cho người lớn tuổi hơn, ông cũng vui vẻ chấp nhận mà không có ý kiến gì.

 

Từ năm 1981, ông là ủy viên Hội đồng Sức khỏe Trung ương (chuyên lo chăm sóc sức khoẻ cho các tướng lĩnh trong quân đội và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước), Hội đồng do Ban Bí thư Trung ương Đảng phê duyệt. Công việc nhiều, áp lực lớn, 24/24 giờ trong tâm thế “sẵn sàng chiến đấu”. Đi ra khỏi Hà Nội là phải được phép của Ban Bí thư, dù là chuyên khoa thần kinh nhưng phải chịu trách nhiệm quyết định trong nhiều trường hợp...  nên trong ông thường trực một tâm niệm: Dốc toàn tâm lực để lo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được phân công.

 

 Có lần, lệnh cấp cứu buộc ông phải đi ngay, không kịp báo cáo lại với Viện trưởng:
Ông cũng nghĩ đơn giản là mình đang làm một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt, lại có quyết định từ cấp cao hơn Viện rồi. Nhưng không ngờ cũng lại có hiểu lầm xảy ra. Có một chuyện mà đến tận bây giờ ông vẫn trăn trở, không biết có phải vì cái “điểm yếu cổ hữu” của mình không? Đó là chuyện cái đề tài “Chữa bệnh nhược cơ bằng hoạt chất từ lá cây chay”, mang số hiệu ĐY1. Nghiên cứu này ông tiến hành từ hồi còn làm Chủ nhiệm khoa Thần kinh tâm thần ở Viện 103, đã từng được nghiệm thu cấp bộ với nhiều bằng chứng điều trị rất có giá trị thực tiễn, được thế giới rất quan tâm. Thế nhưng suốt 30 năm qua, không hiếu vì lý do gì mà đề tài vẫn không được cấp kinh phí để nghiên cứu tiếp, cũng không được triển khai sản xuất ứng dụng. Mới đây, tháng 6 - 2010, ông lại kiên trì đề nghị một lần nữa và kiên trì đợi các cơ quan chức năng xem xét. Bên cạnh đề tài này, Giáo sư Lâm còn nhiều sáng tạo khác nữa, nhưng tôi cứ thắc mắc không hiểu sao, với bề dày chuyên môn điều trị và giảng dạy như vậy, từng hướng dẫn bao nhiêu tiến sĩ, tham gia Hội đồng phản biện cũng không ít, thế mà sao ông không có học vị nào tương tự? Trả lời thắc mắc này của tôi, ông cười: “Tôi chẳng nghĩ đến chuyện làm tiến sĩ bao giờ cả, đó cũng là một điểm yếu của tôi. Nhưng nghĩ cho cùng, tôi đã được Nhà nước công nhận Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, trong Quân đội thì là chuyên gia đầu ngành thần kinh, được bạn bè đồng nghiệp cả trong và ngoài quân đội tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam rồi nay là Chủ tịch danh dự. Bây giờ vẫn tiếp tục làm chuyên môn, được anh em và bệnh nhân tín nhiệm, kể ra thế cũng
nên bằng lòng.

 

Tôi không trách ông về những điểm yếu này, bởi vì đó là những “điểm yếu dễ thương”, như là một quan điểm đúng về giá trị sống.

 

Nguyễn Thị Trâm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

 

Chia sẻ