Dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ

  10:38 AM 30/06/2015

Cùng với thuốc, điều trị thay thế thận (lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận) dinh dưỡng là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Suy dinh dưỡng là yếu tố dự báo làm gia tăng tỷ lệ bệnh cũng như tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lọc máu.

1. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng
- Thời gian trước lọc kiêng khem quá (hạn chế đạm và phốt pho).
- Dinh dưỡng không thích hợp vì: hội chứng biếng ăn, bệnh lý dạ dày/ruột, viêm, nhiễm trùng tái diễn, dùng thuốc gắn phốt pho, yếu tố tâm lý tâm lý (trầm cảm, nghèo đói, rượu), các yếu tố liên quan đến lọc máu (mệt mỏi sau lọc, Kt/V không hợp lý).
- Mất trong lọc máu
+ A xít béo tự do: mất 4-9 g sau mỗi cuộc lọc với màng lọc có hệ số siêu lọc thấp, mất 8g với màng lọc có hệ số siêu lọc cao.
+ Peptide: mất 2-3 g/ 1 lần lọc.
+ Glucose: mất 20-30g /1 lần lọc.
- Cường cận giáp thứ phát, tăng glucagon, hội chứng MIA (Malnutrition- Inflammation- Atherosclerosis: chán ăn, viêm, xơ vữa mạch máu).

2. Nguyên tắc dinh dưỡng
- Một: Ăn đủ protein tùy theo số lần lọc máu trong 1 tuần:
+ Lọc máu 1 lần/tuần số lượng đạm là: 1g/kg cân nặng sau lọc máu/ngày.
+ Lọc máu 2 lần/tuần số lượng đạm là: 1,2g/kg cân nặng sau lọc máu/ngày.
+ Lọc máu 3 lần/tuần số lượng đạm là: 1,4g/kg cân nặng sau lọc máu/ngày.
+ Trong đó tỷ lệ đạm động vật/đạm thực vật ≥ 50%.
- Hai: Đủ năng lượng: Xác định cân nặng nên có (CNNC).
Nam: CNNC = Chiều cao (m) x Chiều cao (m) x 22.
Nữ: CNNC = Chiều cao (m) x Chiều cao (m) x 21.
Nhu cầu năng lượng: 30 -35 kcal x CNNC/ngày.
- Ba: Lipid: chiếm 15- 20% năng lượng, Trong đó 1/3 là acid béo no, 1/3 là acid béo không no một nối đôi, 1/3 là acid béo không no nhiều nối đôi.
- Bốn: Giảm muối, giảm phốt pho, tăng can xi.
+ Ăn nhạt tương đối: bổ xung lượng muối ăn trong ngày = 2-3 gr muối (2-3 thìa 5 ml nước mắm), hoặc điều chỉnh lượng muối khác theo điện giải đồ.
+ Giảm phốt pho < 1 gr/ngày.
+ Giảm kali nếu kali máu > 5 mmol/l thì giảm < 1 gr/ngày.
+ Tăng cường thức ăn giàu can xi, a xít folic.
- Năm: Lượng nước đưa vào phù hợp.
+ Lượng nước trong ngày = lượng nước tiểu 24h + lượng dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy…) + 300 – 500 ml nước (mất qua mồ hôi, hơi thở).
+ Lượng nước uống trong ngày bao gồm tính cả lượng dịch truyền, lượng nước uống thuốc, uống canh và uống sữa.
- Sáu: Cung cấp đủ các vitamin: nhóm B, E, A, C.

3. Lời khuyên dinh dưỡng:
a. Ăn ít đạm, phụ thuộc vào số lần lọc máu/tuần. Ưu tiên các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao từ nguồn động vật như thịt, cá, trứng, sữa… Hạn chế các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ, vừng, lạc.
b. Nên ăn các loại ngũ cốc có hàm lượng đạm thấp như khoai củ (khoai sọ, khoai lang, sắn…), các sản phẩm chế biến từ khoai củ (miến dong, bột sắn). Nên ăn gạo, mỳ dưới 200 g/ngày.
c. Nên ăn các loại rau củ có hàm lượng đạm thấp như bầu, bí, mướp, dưa chuột, cải trắng, cải cúc, cải bắp, su su. Hạn chế ăn các loại rau củ có hàm lượng đạm cao: rau muống, rau ngót, rau giền, giá đỗ, rau đay, mồng tơi, cải xanh.
d. Ăn nhạt, ăn tối đa 3 g muối/ngày, tương đương 15 ml nước mắm.
e. Tránh ăn/uống các thực phẩm chứa muối (dưa muối, cà muối, thịt cá muối…; các thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, thịt hun khói, thịt hộp, xúc xích…).
f. Không dùng các gia vị chứa muối (nước mắm, gia vị, mì chính, muối) trong chế biến thức ăn.
g. Hạn chế nước uống (tùy tình trạng nước tiểu).
h. Nên ăn các thực phẩm giàu can xi: sữa, cá con, cua…
i. Hạn chế các thực phẩm giàu phốt pho: lục phủ ngũ tạng động vật, sô cô la, ca cao…
j. Ăn đủ nhu cầu năng lượng từ nguồn tinh bột, đường và chất béo để phòng suy dinh dưỡng.

Liên hệ: Khoa Lọc máu
Số điện thoại: 04. 62784152

Chia sẻ