Công tác xã hội trong tôi

  08:09 AM 09/06/2020

Ban Công tác xã hội - Bệnh viện TWQĐ 108

- Chị ơi, chị còn nhớ em không ạ?

- Em là…?

- Chắc chị không nhớ em nhưng em nhớ chị rất rõ, em là cái người được chẩn đoán K tuyến giáp vừa đi vừa khóc hỏi đường chị đấy ?

- Em phẫu thuật xong rồi, giờ tái khám định kỳ thôi. Nghe lời bác sỹ với nghe lời chị giờ thể trạng cũng như tâm lý của em tốt lắm, chắc sau đợt này em sẽ làm nhiều việc có ích chị ạ.

...

Nói rồi cô bé 19 tuổi cầm tờ phiếu khám trên tay chạy ra chỗ mẹ nở nụ cười rạng rỡ. Vài tháng trước tôi gặp em, nước mắt còn lưng chòng, em nghĩ cuộc đời em thế là hết, ung thư là sẽ chết. Thấy em tuyệt vọng tôi mạnh dạn lấy kinh nghiệm vài ngày đi khoa lâm sàng khuyên em, không ngờ những lời động viên của tôi phần nào giúp ích cho em, nhìn em cười với mẹ mà lòng tôi có chút rưng rưng. Đây có lẽ đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi trong chuyến xe hành trình cuộc đời khởi động tình yêu với Bệnh viện TWQĐ 108.

Rời ghế giảng đường, tôi tốt nghiệp ra trường khi hành trang vẫn còn thơm mùi sách vở. Không biết đây là cơ duyên hay sự sắp đặt của định mệnh, tôi biết đến và may mắn được chọn đứng trong mái nhà chung Ban Công tác xã hội (CTXH), Phòng Chính trị, Bệnh viện TWQĐ 108

Hai năm được sống và công tác tại đây, không phải là thời gian dài, nhưng đã đọng lại trong tôi những kỷ niệm đẹp, những bài học quý báu và ý nghĩa của cuộc sống, đó là sự ấm áp chân thành, trong những ngày được làm việc, được cống hiến để hoàn thiện mình hơn.
Tôi còn nhớ như in, khi chân ướt chân ráo, bước vào cổng bệnh viện, tôi là một đứa khá vô tâm không khéo ăn nói và cũng khá bừa bộn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng khi được nhận vào làm trong một bệnh viện lớn hàng đầu quốc gia, đứng trong hàng ngũ nhân viên CTXH tôi đã trở thành con người mới. Đã chỉn chu hơn trong tác phong lời nói, gọn gàng hơn về nếp sống sinh hoạt, bởi tôi biết đội ngũ CTXH chúng tôi là hình ảnh của bệnh viện, là nơi mọi người chia sẻ tất cả những gì thầm kín nhất với chúng tôi, bởi vậy mỗi cá nhân phải cố gắng hết sức để từng ngày, từng giờ tốt hơn, trưởng thành hơn, xứng đáng với những gì mà bệnh viện giao phó.

Có một câu hát mà tôi rất thích “ Anh là ai mà nụ cười luôn trên môi, đã xua đi bao nỗi sợ hãi trong em. Bởi vì anh đã đem niềm tin đến cho em đến cho mọi người…” nó không chỉ đúng với những người chiến sĩ áo trắng, mà nó còn đúng với những chàng trai cô gái khoác lên mình bộ trang phục “ Công tác xã hội Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”
Với những người làm CTXH chỉ có kiến thức thôi là chưa đủ, chúng tôi còn phải có cái tâm với cộng đồng để có thể cống hiến hết mình, bởi lẽ công tác xã hội chính là sự thể hiện của lòng nhân ái, yêu thương. CTXH phải luôn hết mình vì công việc, luôn lắng nghe và hiểu được tâm lý người bệnh một cách thấu đáo chính xác nhất, đồng thời nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, để hỗ trợ kịp thời cũng như tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh về các chính sách xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh chữa bệnh, phối hợp thực hiện các chương trình vì sức khỏe cộng đồng, tết trung thu cho em lan tỏa yêu thương đến với bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện xóa đi nỗi mặc cảm ở nhà với ở bệnh viện trong tâm lý của người bệnh.

Chắc hẳn chúng ta đã từng được nghe câu nói “Khi một người mất đi 3 người được sống lại”. Đó là những cảm xúc khi những nhân viên CTXH cùng đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện vận động người nhà cho bệnh nhân chết não hiến tạng. Sự sống được hồi sinh trong cái chết, một lần nữa những bệnh nhân được ghép tạng lại được nhìn thấy ánh dương của cuộc đời.
CTXH tưởng dễ mà khó không tưởng, có ai đó đã tự hỏi 365 ngày có người nào mà cười đủ số ngày ấy không ? Và đã có đáp án, đó chính là những người làm trong nghề CTXH bệnh viện. Dù ngày nắng hay mưa, dù áp lực gia đình, cuộc sống, nhưng khi đã đứng trong hàng ngũ hỗ trợ người bệnh, mình luôn phải là người “hoàn hảo”, hoàn hảo đến từng chi tiết, từng tác phong và hành động. Bởi nếu có thể bạn mang cảm xúc bên ngoài vào công việc là bạn đang gián tiếp hủy hoại tâm lý tích cực còn xót lại sau cùng của người bệnh đang đứng trước cửa tử.

Thú thật, tôi đã phải lòng và yêu cái nghề CTXH này từ lúc nào không hay. Trong cái tình yêu nhỏ bé ấy có lẽ nguyên nhân chính thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu trong tôi là những tâm tư tình cảm của người bệnh, sự dìu dắt giúp đỡ của các anh chị đồng nghiệp đi trước, tôi thấy cuộc sống nhỏ bé của tôi ý nghĩa hơn rất nhiều, quan trọng hơn khi tôi được những người bệnh chia sẻ cũng như dành tình cảm đặc biệt với một người xa lạ như tôi. Cũng như  được sự quan tâm yêu thương chỉ bảo tận tình của tất cả mọi người trong nhà chung mà chúng tôi hay quen miệng gọi là “đồng đội, đồng chí”
Lật lại từng bức thư cảm ơn của người bệnh gửi đến Công tác xã hội; xem lại những thước phim, phản ánh về những hoạt động mang niềm vui đến người bệnh trên trang fanpage, hay trên những quyển tạp chí, khiến lòng tôi xúc động và cần cố gắng phấn đấu nhiều hơn. Chặng đường 3 năm thành lập tuy ngắn, nhưng từng ấy thời gian là những tháng ngày chúng tôi bỏ biết bao công sức, trí tuệ, tận tâm tận lực, đôi khi có cả sự hy sinh kinh tế, thậm trí cả tình cảm riêng tư, để công tác xã hội trong bệnh viện được người bệnh biết đến. Đây chính là nơi chia sẻ những buồn vui những khó khăn trong quá trình điều trị bệnh tật.
Bệnh nhân Mai Thế Tiến, ... vì cảm động trước tình cảm của CTXH dành cho bệnh nhân đã viết:

“Các em như một rừng hoa
Về đây công tác đậm đà tình thương
Nỗi lòng người bệnh vấn vương
Nhiều nơi hoàn cảnh tỏ tường khó khăn
Động viên bác sỹ khám thăm
Cùng Ban hỗ trợ khó khăn kịp thời…
….Các em như những nàng tiên
Tình như cô Tấm bệnh liền bớt đau…”

Trên hội trường lời bài hát “Xin cám ơn em bệnh viện quân y 108 biết bao tự hào” như thấm vào từng tế bào của mỗi nhân viên, để những người làm công tác xã hội trong bệnh viện chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng phấn đấu vươn lên, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần nhỏ bé của mình trong công cuộc xây dựng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lên tầm cao mới, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

Trần Thùy Linh, Ban CTXH, Bệnh viện TWQĐ 108

                                                                                                  

Chia sẻ