Chương trình áp dụng phác đồ kháng sinh dự phòng cho phẫu thuật sạch và sạch nhiễm - một quyết định táo bạo

  02:09 PM 18/03/2021
Tạm gác những vội vàng, hối hả chuẩn bị đón Xuân mới Bính Thân 2016, trong căn nhà yên ắng bên bờ Hồ Tây, Trung tướng, PGS. TS. TTND Trần Duy Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn đầy tâm huyết và nhiệt tình khi kể cho chúng tôi về hành trình thực hiện một dự án mà ông là người “khởi động”. Đó là Chương trình áp dụng phác đồ kháng sinh dự phòng cho phẫu thuật sạch và sạch nhiễm.

 

Trung tướng PGS.TS. TTND Trần Duy Anh 

Giám đốc Bệnh viện (08/2008- 05/2014)

 

Cơ sở khoa học và thực tiễn

“Trong cuộc đời hơn 40 năm quân ngũ của mình, trên các cương vị là một bác sĩ chuyên môn đến khi làm công tác quản lý, giữ trọng trách đứng đầu bệnh viện tuyến cuối của toàn quân, tôi cho rằng mình đã hoàn thành tốt các phân vai. Công việc thì nhiều, kỷ niệm cũng không ít nếu kể thì không biết bao giờ mới hết được. Thôi thì chia sẻ với các bạn một chương trình mới được triển khai gần đây và đang thực hiện có hiệu quả tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đây là một bước đi táo bạo thể hiện sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện 108” -  Trung tướng Trần Duy Anh bắt đầu câu chuyện.

“Trước khi nói về vấn đề chính, tôi cũng dông dài đôi chút về chuyên môn để các bạn hiểu rõ hơn về những cơ sở khoa học để chúng tôi quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình. Xét theo quy luật tự nhiên, bất kỳ một cơ thể sống nào cũng có bản năng sinh tồn. Do quy luật cạnh tranh, những cá thể yếu có thể chết nhưng một nhóm mạnh nhất trong loài sẽ dần thích nghi với môi trường và tồn tại. Vi khuẩn cũng vậy. Y học phát minh và sử dụng kháng sinh để tiêu diệt chúng khỏi cơ thể người bệnh, chúng cũng “tìm cách” tự biến đổi, chống lại kháng sinh để sống, để tồn tại. Đó chính là những vi khuẩn kháng kháng sinh. Trong nhiều nguyên nhân làm cho vi khuẩn kháng kháng sinh thì việc lạm dụng sử dụng kháng sinh là một tác nhân.

Có một thực tế là, từ xưa đến nay vẫn tồn tại ở nhiều cơ sở y tế là vấn đề điều trị kháng sinh kéo dài khá phổ biến. Cứ mổ xẻ là dùng kháng sinh, có khi một bệnh nhân phải dùng nhiều loại kháng sinh cùng một lúc. Ngắn thì 5-10 ngày, lâu thì 15 ngày hoặc hơn. Điều này gây tốn kém cho người bệnh nhưng nguy hiểm nhất là gây nên hiện tượng nhờn kháng sinh của các loại vi khuẩn.

Nhiều thập niên qua, tình trạng kháng kháng sinh đã được Tổ chức Y tế Thế giới với hàng ngàn nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu, tìm giải pháp để hạn chế đến mức tối đa. Trong đó sử dụng kháng sinh dự phòng cho các bệnh nhân được phẫu thuật sạch và sạch nhiễm là một trong những biện pháp khi áp dụng đã đạt được kết quả tốt. Những ca phẫu thuật sạch (là phẫu thuật tiến hành theo kế hoạch hay mổ phiên, mọi công tác chuẩn bị được thực hiện kỹ càng rồi mới đưa bệnh nhân đi mổ. Phẫu thuật sạch được phân thành 2 loại: Sạch hoàn toàn (ví dụ như mổ cơ, mổ tim...); sạch nhiễm (như mổ dạ dày, đại tràng…), nếu bệnh nhân chuẩn bị tốt theo quy trình thì sau khi mổ (hậu phẫu) không cần dùng kháng sinh. Các phẫu thuật viên áp dụng phác đồ này, chỉ dùng kháng sinh 3 lần: Trước mổ, khi mở vết mổ và khi kết thúc ca phẫu thuật.

 Trên thế giới, nhất là ở các nước phương Tây có nền y học hiện đại, chương trình này đã được áp dụng tại các bệnh viện như là một việc đương nhiên. Nhưng ở Việt Nam chúng ta và một số nước đang phát triển thì chưa từng có tiền lệ. Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng tôi xin nêu 3 yếu tố lớn nhất ngăn cản, ảnh hưởng đến việc sử dụng phác đồ điều trị này. Thứ nhất, các bác sĩ của chúng ta có thói quen sử dụng kháng sinh khi phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân mới yên tâm. Dùng kháng sinh như một sự đảm bảo bởi ai cũng lo sợ về mức độ thành công cho cuộc phẫu thuật của mình. Thứ hai là điều kiện môi trường bệnh viện của ta dù sao cũng không bằng các nước tiên tiến nên nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện là rất lớn. Cuối cùng là điều thứ ba, không kém phần quan trọng là tác động của kinh tế thị trường. Khi bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân thì họ sẽ được hưởng những lợi ích nhất định từ các hãng dược phẩm và các nhà cung cấp. Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế...

Chính vì vậy, để hiện thực hóa ý tưởng này là vô cùng khó. Thế nhưng, khó khăn và chưa có tiền lệ không có nghĩa là không làm được. Bản thân tôi từ những nghiên cứu khoa học và thực tế ứng dụng hiệu quả ở các nước phương Tây nhận thấy rằng: Tất cả quy trình, quy định thực hiện đã có hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và trong triển khai thực hiện các nước đi trước đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm mà ta có thể học tập được. Tôi tin chắc rằng nếu làm là thắng lợi.

Hành trình biến ý tưởng thành hiện thực

Xuất phát từ suy nghĩ trên, ngay khi nhận nhiệm vụ là Giám đốc Bệnh viện năm 2008 tôi bắt đầu nung nấu quyết tâm đưa chương trình này áp dụng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Với tôi khó nhất là có được niềm tin của mọi người. Bước đầu, tôi đưa ý tưởng chương trình vào các cuộc họp. Khi đã thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống từ trong Đảng ủy, Ban Giám đốc đến các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và chuẩn bị kỹ lưỡng mới chính thức triển khai thực hiện. Khâu đột phát đầu tiên chính là việc làm sạch môi trường bên trong bệnh viện. Trước đây việc này do mấy cô lao công quét, dọn, hưởng lương nhà nước đảm nhiệm nên hiệu quả rất thấp. Nếu bệnh viện muốn sạch mà tiệt khuẩn được thì không thể sử dụng đội ngũ làm vệ sinh thuộc hệ thống y công cả. Quyết định táo bạo đầu tiên được triển khai. Toàn bộ lực lượng cũ chuyển công tác khác, nhân sự đảm nhiệm việc quét dọn, làm vệ sinh được bệnh viện bỏ toàn bộ tiền ra thuê. Một thời gian kiểm tra nếu làm không được như yêu cầu, bệnh viện lập tức hủy hợp đồng, chọn đối tác khác. Thay và chọn liên tục. Tôi nhớ đã kiên quyết chấm dứt hợp đồng với ít nhất ba đối tác không đảm bảo. Thậm chí là chấm dứt hợp đồng khi mới thực hiện được một nửa thời gian. Kết quả sau một thời gian, môi trường cảnh quan bệnh viện biến chuyển rõ rệt, sạch đẹp hơn trước. Dần dần, lực lượng này còn được đưa vào trong phòng bệnh làm một số việc như dọn phòng, thay ga...

Bước tiếp theo là tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế và cả người bệnh về vệ sinh, phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. Đảng ủy bệnh viện đã cụ thể hóa vấn đề bằng việc ra nghị quyết chuyên đề “Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện”, Ban Giám đốc ban hành quy định thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và đưa vào tiêu chuẩn thi đua của bệnh viện. Tập thể, cá nhân nào làm tốt thì được khen thưởng, ngược lại không tốt sẽ bị xử phạt. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức và giám sát thực hiện.

Cũng phải mất hơn 2 năm, mọi công tác chuẩn bị để hiện thực hóa chương trình mới được hoàn thành để chuyển sang giai đoạn làm thí điểm. Bước sang năm 2011, Khoa B3-Khoa Ngoại tiêu hóa là đơn vị được chọn làm điểm, với yêu cầu thực hiện trong vòng một năm sau đó tổng hợp báo cáo. Thú thực, không phải ngay từ đầu các đơn vị đã ủng hộ quyết định của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện. Đến bây giờ nhớ lại, tôi không quên được những thời khắc “cam go” nhất khi thuyết phục những phẫu thuật viên làm phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng, nẹp vít cột sống (của Viện Chấn thương chỉnh hình), thay van tim (của Viện tim mạch). Họ là những phẫu thuật viên mà đến giờ mỗi khi gặp lại tôi vẫn nói vui là “cứng đầu, cứng cổ nhất”. Không ít cuộc cãi vã nảy lửa “đỏ mặt tía tai” giữa tôi là người chủ trì với họ. Là lãnh đạo, người chủ trì đưa ra chủ trương yêu cầu cấp dưới phải thực hiện, nhưng không phải duy ý chí nên tôi hiểu phản ứng tất nhiên của các đồng nghiệp. Họ cũng vì lo lắng cho cuộc điều trị của mình mới không đồng tình áp dụng biện pháp “liều lĩnh” này. Nhưng kiên trì vận động, thuyết phục tôi tin nhất định họ sẽ chuyển ý và ủng hộ tuyệt đối.

Và rồi, nín thở chờ kết quả triển khai thí điểm tại Khoa B3, khi nhận được báo cáo chúng tôi đã thở phào sung sướng. Kết quả hơn cả sự mong đợi, với gần60 ca áp dụng phác đồ kháng sinh dự phòng, tỉ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng là dưới 1% (thấp hơn mức mà Tổ chức Y tế Thế giới cho phép là 1%). Đúng thời gian đó, có đoàn phẫu thuật thay khớp của Mỹ sang giúp ta làm phẫu thuật nhân đạo cho 70 trường hợp. Họ mượn cơ sở của Bệnh viện 108. Cũng những buồng bệnh đấy, phòng mổ đấy, họ áp dụng phác đồ kháng sinh dự phòng cho các bệnh nhân như là chuyện đương nhiên và không hề nói với chúng tôi. Kết quả 100% đạt yêu cầu. Đây là nguồn động viên, là cơ sở khoa học để Bệnh viện tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.

Đến cuối năm 2011, phác đồ kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật sạch và sạch nhiễm được áp dụng ở khoảng 80% đơn vị. Tất nhiên cũng phải “chừa” một số khoa do phản ứng quyết liệt (cười). Còn đến nay 100% các khoa ngoại của bệnh viện đều đã áp dụng chương trình và đã thu được kết quả đầy tự hào. Nếu năm 2010, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ là 4,5% thì đến năm 2014 chỉ còn 1,2%. Đặc biệt, các bệnh nhân phẫu thuật được sử dụng phác đồ kháng sinh dự phòng chi phí thuốc giảm xuống 14,8 lần; số ngày nằm điều trị giảm xuống trung bình 7 ngày. Năm 2013, bệnh viện tiết kiệm được 4,5 tỷ, năm 2014 là 4,8 tỷ tiền sử dụng thuốc kháng sinh. Số tiền đó bệnh viện đã sử dụng mua sắm thêm trang thiết bị để phục vụ cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay là bệnh viện đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công phác đồ kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật với phạm vi rộng, có chiều sâu ở tất cả các khoa ngoại. Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện ngày một đông hơn là niềm tự hào và sự khẳng định uy tín của bệnh viện. Với riêng tôi, từng là người đứng đầu bệnh viện, tôi lại càng tự hào khi nói về một tập thể đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Lãnh đạo bệnh viện luôn sâu sát, nghiêm túc, còn cán bộ y tế thì làm thực lực không đối phó, xuê xoa. Chuẩn bị bước sang tuổi thứ 65, tôi chúc tất cả các đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp tiếp tục duy trì, phát huy những gì đã làm được, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân.

Phóng viên Bích Trang viết theo lời kể của
Trung tướng, PGS. TS.Trần Duy Anh

Nguyên Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108

(Trích Ký ức 108 tập 2)

Chia sẻ