Chẩn đoán và điều trị phù bạch huyết sau điều trị Ung thư vùng đầu – cổ

  05:29 PM 05/04/2021

Hệ thống bạch huyết là gì?

Hệ thống bạch huyết bao gồm các cơ quan (tủy xương, tuyến ức, lách), các hạch bạch huyết, hệ thống bạch mạch và dịch bạch huyết. Mạng lưới bạch huyết phân bố khắp cơ thể, tạo thành vòng tuần hoàn giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, tế bào miễn dịch và đào thải các tế bào lạ như vi khuẩn, virus. 

Hệ thống bạch huyết trong cơ thể Nguồn: Internet

Phù bạch huyết là gì?

Phù bạch huyết là tình trạng ứ trệ cục bộ lưu thông của hệ thống bạch huyết tại một vùng nào đó trong cơ thể dẫn tới sưng nề, chèn ép tại chỗ.Phù bạch huyết hay gặp sau điều trị một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư phụ khoa, ung thư tiết niệu – sinh dục, sarcoma phần mềm chi và ung thư đầu - cổ.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng phù bạch huyết ở bệnh nhân ung thư đầu - cổ?

Phẫu thuật và xạ trị là hai nguyên nhân chính làm biến đổi cấu trúc giải phẫu của hệ thống bạch mạch, dẫn tới thẩm thấu và ứ đọng dịch bạch huyết tại mô kẽ. Ngay sau đó, phản ứng viêm tại chỗ được kích hoạt với việc tăng sinh nguyên bào xơ và mô liên kết. Quá trình này kéo dài sẽ làm xơ hóa mô mà hậu quả cuối cùng là suy giảm chức năng các cơ quan.

Triệu chứng phù bạch huyết vùng đầu - cổ?

Phù bạch huyết thường xảy ra từ 2-6 tháng sau khi điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có biến chứng này sau điều trị ung thư đầu - cổ chiếm tới gần 50%. Phù bạch huyết có thể xuất hiện ở tổ chức dưới da vùng mặt - cổ hoặc niêm mạc họng - miệng. Không những ảnh hưởng tới thẩm mỹ, biến chứng này còn khiến bệnh nhân phải chịu đựng những hậu quả khá nặng nề, thậm chí phải mở khí quản.

Các triệu chứng có thể gặp như:

-       Sưng nề dưới da vùng cổ - mặt

-       Cảm giác căng da/cơ

-       Khó vận động ở cổ và vai  

-       Khàn tiếng

-       Nói khó

-       Uống sặc

-       Khó thở

Hình ảnh phù bạch huyết sau xạ trị Nguồn: Internet

Điều trị phù bạch huyết vùng đầu - cổ?

Bệnh phù bạch huyết được điều trị càng sớm thì kết quả càng tốt. Các phương pháp trị liệu khá đơn giản, bệnh nhân có thể tự tập tại nhà, bao gồm:  

-       Xoa bóp: sử dụng các ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng trên da vùng mặt - cổ theo vòng tròn để thúc đẩy lưu thông bạch huyết

-       Tập luyện thường xuyên: tăng cường vận động các cơ vùng đầu - cổ

-       Đeo băng thun vùng đầu - cổ

-       Giữ vệ sinh da, bôi kem dưỡng ẩm cho da

-       Nằm ngủ tư thế đầu cao

-       Tránh để chấn thương và nhiễm trùng cho vùng đầu - cổ

-       Không để thừa cân

-       Chiếu đèn hồng ngoại để làm giảm quá trình xơ hóa; sử dụng máy tạo rung áp lực âm

Các phương pháp điều trị phù bạch huyết vùng đầu - cổ

Nguồn: Internet

Liệu pháp điều trị thường được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên (điều trị tích cực) trong khoảng thời gian 2-4 tuần, được thực hiện tại trung tâm trị liệu ngoại trú. Mục tiêu điều trị là làm giảm sưng nề và hướng dẫn bệnh nhân các bài tập. Giai đoạn hai, bệnh nhân duy trì các bài tập và chăm sóc tại nhà. Trường hợp bệnh nhân có khó thở phải được điều trị và theo dõi nội trú.

Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn về chẩn đoán và điều trị phù bạch huyết vùng đầu – cổ sau điều trị xin liên hệ theo địa chỉ: Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Tầng hầm B2 Tòa nhà Trung tâm, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.  Điện thoại: 024.62784163.

Website: http://benhvien108.vn/gioi-thieu-khoa-xa-tri-xa-phau.htm

Fan page: https://www.facebook.com/xatri108.

Người viết: Bác sỹ Nguyễn Đình Châu

Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư,  Bệnh viện TWQĐ 108

 

Tài liệu tham khảo:

1.      Understanding lymphoedema – A guide for people affected by cancer https://www.cancercouncil.com.au/head-and-neck-cancer/after-cancer-treatment/lymphoedema/

2.      Toronto Physiotherapy. Patient Guide: Head and Neck Lymphedema Following Cancer Treatment. Lindsay Davey. Jan 27, 2016. Found at: http://torontophysiotherapy.ca/head-and-neck-lymphedema-following-cancer-treatment/

Chia sẻ